Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Giới thiệu chung

Yêu cầu sinh thái và dinh dưỡng

Kỹ thuật trồng

Bón phân cho cà rốt

(Nguồn TK: Rau ăn củ, gia vị - Pgs.Ts. Trần Khắc Thi- nxb khoa học tự nhiên và công nghệ - 2008)

 

Giới thiệu chung

Cà rốt (Daucus carota var. sativa) là một loại cây có củ. Củ cà rốt được sử dụng như rau, dùng để nấu súp, ăn sống trộn salat, làm nộm, tạo màu cho thức ăn. Cà rốt rất giàu vitamin và chất khoáng, đặc biệt là - caroten và vitamin A, ngoài ra cà rốt còn chứa nhiều đường, hàm lượng đường sacaroza nhiều hơn đường glucoza và fructoza 10 lần (theo Lester và Baker, 1978).
Cà rốt xuất hiện khoảng 5000 năm trước đây, khi mà rễ của chúng được tìm thấy ở khu vực Trung Á xung quanh nước Afghanistan và được lan rộng dần vào khu vực Địa Trung Hải. Đầu tiên cà rốt có màu trắng, tím, đỏ, vàng, xanh và đen chứ không phải là màu da cam như bây giờ. Cà rốt màu da cam lần đầu tiên được trồng ở Hà Lan vào thế kỷ XVII.


Ruộng cà rốt
(Nguồn: http://goodprice.vn/vi/rau-cu-nam/ca-rot-da-lat-xuat-khau-P81.html)


Cà rốt là một trong những loại rau phổ biến nhất trên thế giới đứng thứ 2 sau khoai tây. Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về sản lượng cà rốt trên thế giới. Theo số liệu thống kê của FAO, sản lượng cà rốt trung bình trong các năm từ 2003-2005 của Trung Quốc chiếm 34%, đứng sau là Nga và Mỹ chiếm 7%, Ba Lan 4%, Anh 3% các nước còn lại chiếm 45%. Trong số các nước dẫn đầu về sản xuất cà rốt, Mỹ được xếp thứ 3 về năng suất (31,7 tấn/ha), đứng thứ tư về diện tích và sản lượng, số liệu năm 1990 cho thấy sản lượng cà rốt trên toàn thế giới là 13,37 triệu tấn và tăng 30% sau 1 thập kỷ. Tại châu Âu, Anh là nước có sản lượng lớn nhất 750.000 tấn/năm, theo sau là Pháp 568.000 tấn/năm, Hà Lan 476.000 tấn/năm và Italia 407.000 tấn/năm.
Ở Việt Nam các vùng trồng cà rốt tập trung tại các vùng rau chuyên canh ven thành phố Hà Nội, Đà Lạt, Hải Phòng, Bắc Ninh. Cà rốt có thể trồng trên nhiều vùng đất khác nhau nhưng thích hợp nhất là trên đất bazan.

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Yêu cầu sinh thái và dinh dưỡng

a. Nhiệt độ
Cà rốt là cây chịu lạnh, ở nhiệt độ 8°C hạt vẫn có thể nảy mầm sau 20-25 ngày, còn ở nhiệt độ thích hợp 20- 25°C hạt nảy mầm sau 5-7 ngày.
Nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cà rốt là từ 16-24°C. Nhiệt độ cao trên 25°C cây sinh trưởng kém, các mạch gỗ trong củ phát triển mạnh, củ có nhiều xơ, hàm lượng caroten thấp.


b. Nước
Độ ẩm thích hợp cho cà rốt từ 60-70%, nếu độ ẩm cao cây dễ bị bệnh. Ở giai đoạn củ lớn phải đủ nước để củ nhẵn, ít phân nhánh, mập, củ đẹp, ít xơ.


c. Ánh sáng
Cây cà rốt ưa ánh sáng dài ngày (trên 12 giờ chiếu sáng/ngày), đặc biệt ở giai đoạn cây con cần cường độ sáng mạnh. Vì vậy ở giai đoạn này cần làm sạch cỏ luống để tập trung ánh sáng cho cây.


d. Dinh dưỡng và đất đai
Phân chuồng có tác dụng tốt trong việc hình thành củ to, thẳng, chất lượng. Cà rốt mẫn cảm với phân đạm, bón đạm nhiều cây phát triển rậm rạp, nhiều nhánh, củ bị xơ. Bón kali giúp cải thiện độ ngọt cũng như màu sắc củ.
Đất trồng cà rốt phù hợp là đất nhẹ giàu dinh dưỡng, độ pH phù hợp là 6,5-7,5. Nếu pH cao có thể gây nhiễm độc Mn. Nếu trồng đất nặng, sẽ giảm năng suất, củ khó nhổ.


Về đầu trang

home

 

 

 

Kỹ thuật trồng

a. Giống
- Tiêu chuẩn giống
Vỏ hạt cà rốt có lông cứng, khó thấm nước. Trong phôi chứa hàm lượng lipít cao nên hạt cà rốt rất khó nảy mầm, tỉ lệ cao nhất đạt 70%.


- Giới thiệu một số giống hiện trồng trong sản xuất
* Giống cà rốt Nhật VL444

Là giống lai F1 có năng suất, chất lượng cao, củ to, nhẵn, ít xơ, màu đỏ tươi, bảo quản được lâu, khối lượng củ trung bình 300 g/củ, năng suất 40-45 tấn/ha. Thời gian sinh trưởng 100-110 ngày.
- Vụ sớm: Gieo vào tháng7-8, thu hoạch vào tháng 10-11.
- Vụ chính: Gieo vào tháng 9-10, thu hoạch tháng 12- 1 năm sau.
- Vụ muộn: Gieo vào tháng 1-2, thu hoạch tháng 4-5.


* Giống PS 3496

Là giống lai F1 có thể trồng trên cả đất ruộng và đất bãi. Thời gian sinh trưởng 95-100 ngày, lá màu xanh thẫm, thân thẳng, cổ nhỏ, củ dài từ 18-22 cm, màu vàng da cam đậm, lõi nhỏ, đỏ tươi. Khả năng kháng bệnh thôi củ và bệnh phấn trắng rất cao.
Thời vụ gieo trồng: Tốt nhất vào tháng 8 dương lịch, thu hoạch vào cuối tháng 9, đầu tháng 10; vụ 2 gieo vào tháng 11 dương lịch để thu vào dịp tết.


b. Kỹ thuật gieo trồng
- Do cấu tạo hạt cà rốt có nhiều lông cứng nên trước khi gieo hạt, bỏ hạt giống vào một túi vải đập nhẹ, vò kỹ cho gãy hết lông, sau đó trộn hạt vơi mùn hoặc tro bếp theo tỷ lệ 1:1, bỏ vào chậu đảo đều tưới nước ẩm sau 2- 3 ngày đem gieo hạt sẽ mọc đều.
Cà rốt có thể gieo liền chân, vãi cho đều hoặc hạt được gieo thẳng trên luống thành hàng ngang, hàng cách hàng 15-18 cm, hạt cách hạt 10-12 cm. Rắc một lớp đất mỏng để lấp hạt sau đó lấy rơm rạ phủ lên để giữ ẩm. Sau khi cây mọc đều tỉa bớt cây xấu.
- Lượng hạt gieo cho 1 ha là 400-600 g.


c. Làm đất lên luống
Cà rốt ưa các loại đất có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp. Nếu đất chua pH<5,5, cần bón thêm 20-25 kg vôi bột/sào. Đất trồng cà rốt trước khi gieo hạt phải cày bừa kỹ, làm đất sạch cỏ, phơi ải lên luống cao 20-25 cm, rộng 1-1,2 m, rãnh rộng 20-30 cm. Rải đều phân trên mặt luống, trộn đảo kỹ và lấp một lớp đất mỏng lên phân.


d. Thời vụ trồng
Cà rốt có thể gieo trồng các vụ sau:
- Vụ sớm: Gieo vào tháng 7-8, thu hoạch vào tháng 10-11.
- Vụ chính: Gieo vào tháng 9-10, thu hoạch tháng 12- 1 năm sau.
- Vụ muộn: Gieo vào tháng 1-2, thu hoạch tháng 4-5.


e. Mật độ, khoảng cách trồng
- Khoảng cách gieo:
+ Hàng cách hàng 15-18 cm.
+ Hạt cách hạt 10-12 cm.
- Mật độ trồng: từ 46 cây/m2 ( 46 vạn cây/ha) đến 66 cây/m2 (66 vạn cây/ha).


f. Chăm sóc
- Tưới nước: Gieo hạt xong tưới nước ngay, tuỳ theo độ ẩm của đất mỗi ngày tưới 1-2 lần, khi cây mọc đều thì sau 3-5 ngày tưới một lần. Khi củ bắt đầu phát triển mỗi tuần tưới 1 lần, đảm bảo độ ẩm 60-70%.
- Tỉa cây, vun xới: Khi cây cao 5-8 cm tỉa, xới lần thứ nhất, loại bỏ cây xấu. Khi cây cao 12-15 cm thì tỉa, xới lần 2 để định mật độ cây.
Vun xới: Đây là việc rất quan họng trong quá trình chăm sóc cây cà rốt, nó ảnh hưởng tới năng suất và phẩm chất củ. Trong một vụ trồng xới ít nhất 2 lần, tạo cho đất thông thoáng, tránh được bệnh, tạo đủ ánh sáng cho cây.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Bón phân cho cà rốt


- Trồng cà rốt thường tập trung bón lót là chủ yếu. Phân hữu cơ bón lót cần được ủ hoai mục.
- Lượng phân cho 1 ha là:
Phân chuồng hoai mục: 20-25 tấn.
Đạm urê: 25-35 kg.
Phân supe lân: 120-150 kg.
Kali clorua: 80-90 kg.
- Có thể dùng phân bón qua lá K-H+ Multi-K (13:0:46) phun cho cà rốt 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày, năng suất có thể tăng 20-30%.
* Tham khảo lượng phân bón cho sản xuất cả rốt an toàn của Trung tâm khuyến nông Quốc gia:
(http://www.khuyennongvn.gov.vn/vi-VN/khoa-hoc-cong-nghe/khcn-trong-nuoc/ky-thuat-trong-ca-rot-an-toan_t114c40n6115)
- Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ (360 m2) như sau: 300-500 kg phân hữu cơ ủ hoai mục + 15-20 kg lân supe + 20 kg đạm urê + 30 kg kali.
- Phương pháp bón: Để cây cà rốt tập trung dinh dưỡng phát triển củ được tốt, không phát triển thân lá quá mức, nông dân nên tập trung bón lót là chủ yếu (50 - 60% lượng phân vô cơ của cả vụ) và không nên bón thúc làm nhiều lần.
+ Bón lót: bón toàn bộ lượng phân hữu cơ và phân supe lân + 10-12 kg phân đạm urê + 16-18 kg kali clorua. Sau khi lên luống, rải phân đều trên mặt ruộng, trộn đảo kỹ và lấp một lớp đất mỏng lên trên trước khi gieo hạt.
+ Bón thúc lần 1: sau khi tỉa định cây, bón 6-8 kg urê + 4-5 kg kali clorua.
+ Bón thúc lần 2: khi cây cà rốt bắt đầu phát triển củ (khoảng 60 - 65 ngày sau gieo), bón 2-3 kg urê + 6-8 kg kali clorua.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam