Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Nguồn gốc

Hiện trạng trồng hoa hồng ở Việt Nam

Đặc điểm sinh trưởng

Yêu cầu ngoại cảnh

Kỹ thuật trồng trọt

Tài liệu tham khảo

 

Nguồn gốc


Cây hoa hồng có tên khoa học là Rose, thuộc họ N.O. Rosaceae. Tên tiếng Anh là Rose.
Hoa hồng có nguồn gốc ở Ba Tư (nay là Iran), sau đó được di chuyển sang Palestine, các nước tiểu Á, Hy Lạp. Cây hoa hồng có tên là Rose xuất phát từ tiếng Hi Lạp: Rodon có nghĩa là "đỏ". Hoa hồng đã được nữ thi sỹ người Hy Lạp Sappho (600 năm trước Công nguyên) đề tặng cho cái tên là "Hoàng hậu của các loại hoa". Hoa hồng được sử dụng vào các buổi lễ hội được ghi lại ở các dấu tích của thời kỳ văn hóa La Mã cổ đại. Các nước sản xuất hoa hồng với lượng lớn nhất là: Hà Lan, Mỹ, Trung Quốc. Năm 1996 Mỹ sản xuất 3,5 tỷ cành hoa, tỉnh Quảng Đông là tỉnh trồng hoa hồng nhiều nhất Trung Quốc sản xuất 2,96 tỷ cành hoa những năm gần đây.


 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Hiện trạng trồng hoa hồng ở Việt nam


Ở Việt Nam trước những năm 90 nước ta chỉ trồng 2 giống "hồng ta" màu đỏ có số cánh ít, bông nhỏ và màu trắng, từ những năm 90 ta đã nhập nhiều giống của các nước như: Hà Lan, Pháp, Nhật, Trung Quốc với nhiều màu sắc, bông to có nhiều cánh, cành hoa dài. Cây hoa hồng trồng nhiều ở Đà Lạt, Hà Nội và ở ven các thành phố lớn khác.
Cây hoa hồng là loại hoa được trồng phổ biến nhất ở nước ta hiện nay và đang có xu thế phát triển mạnh, là một trong những loại cây đem lại hiệu quả kinh tế khá cao trong nghề sản xuất hoa. Hoa hồng giờ đây không chỉ phục vụ cho tiêu dùng nội địa mà còn xuất khẩu sang Trung quốc. Hoa hồng Việt Nam tuy số lượng cành nhiều nhưng chất lượng chưa đảm bảo, tỷ lệ cành đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (cành dài > 70 cm, đường kính cành > 0,6 cm) còn ở mức thấp. Nguyên nhân cơ bản là kỹ thuật trồng hoa hồng của chúng ta hiện nay còn dựa vào kinh nghiệm và theo tập quán canh tác cũ, chưa được áp dụng và tiếp thu các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất dẩn đến năng suất và chất lượng chưa cao. Đồng thời các giống mới đưa vào sản xuất chưa nhiều nên chất lượng hoa chưa đạt yêu cầu thương phẩm cao.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Đặc điểm sinh trưởng


Cây hoa hồng là cây thân gỗ sống lâu năm, khả năng đâm cành, ra chồi, ra hoa giảm dần so với tuổi cây do vậy trong sản xuất sau khi trồng sản xuất chỉ nên sau 3-5 năm thì phải thay cây mới.
Cây hoa hồng có đặc điểm vừa sinh trưởng sinh dưỡng vừa sinh thực, tức là vừa ra lộc, tăng trưởng cành lá vừa ra hoa, ra hoa quanh năm nên bón phân ít dựa vào giai đoạn sinh trưởng mà bón theo chu kỳ dựa vào khí hậu, thời tiết, dựa vào giá hoa ở thị trường và dựa vào tính chất đất.


Nguồn ảnh: http://namix.vn/giam-canh-hoa-hong


Có 2 dạng cây hoa hồng: thân leo hoa mọc thành chùm, cành ngắn và dạng thân thẳng cành hoa dài. Cây hoa hồng thân thẳng là dạng sử dụng rộng rãi trong sản xuất để sản xuất hoa hồng, bình quân mỗi cây ra lượng hoa khoảng 12-30 hoa/cây/năm tùy thuộc vào thời tiết, giống cây, tuổi cây và điều kiện chăm sóc bao gồm phân bón, trạng thái đất và phòng trừ sâu bệnh.

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Yêu cầu ngoại cảnh


1. Nhiệt độ.

Nhiệt độ là một trong những nhân tố quan trọng với hoa hồng, cây hoa hồng ưa khí hậu ôn hoà. Nhiệt độ thích hợp cho hồng sinh trưởng và phát triển tốt là từ 23- 28oC.
Nhiệt độ ngày từ 26 – 27oC sản lượng cao hơn ở 29 – 32oC là 49%, hoa thương phẩm cao hơn 20,8%. Đa số các giống thích hợp với nhiệt độ đêm là 16oC. Chính vì vậy ở các cùng núi cao: Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt… có nhiệt độ ban đêm thấp 16- 18oC nên hoa rất đẹp và có giá trị.
Nhiệt độ đất: Làm tăng nhiệt độ đất thì sức sống của rễ cao, tăng năng suất và chất lượng hoa.
Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm: ngày trời quang nhiệt độ ban ngày cao hơn ban đêm 5 – 8oC có lợi cho sự tạo thành và sự dự trữ dinh dưỡng.


2. Độ ẩm

Cây hồng yêu cầu độ ẩm đất 60-70%, độ ẩm không khí 80- 85% do hồng có tán rộng, bộ lá nhiều nên diện tích phát tán hơi nước của cây rất lớn. Nếu khống chế độ ẩm thích hợp thì độ dài cành tăng thêm trung bình là 8,2%.


3. Ánh sáng

Hồng là cây ưa sáng, ánh sáng đầy đủ giúp cây sinh trưởng tốt. Nếu thiếu ánh sáng cây sẽ bị tiêu hao chất dự trữ trong cây. Khi cây còn nhỏ yêu cầu độ về cường độ ánh sáng thấp hơn, khi cây lớn yêu cầu ánh sáng càng nhiều hơn.
Cường độ quang hợp có quan hệ rất chặt chẽ với ánh sáng, 90% chất khô trong cây là do quang hợp. Quang hợp chịu ảnh hưởng của giống, trạng thái nước, cường độ ánh sáng, nhiệt độ, nồng độ CO2.


Về đầu trang

home

 

 

 

Kỹ thuật trồng trọt


a. Yêu cầu về đất, làm đất và mật độ trồng
Cây hoa hồng ưa thích đất phù sa trung tính pH 6,5-7, tuy nhiên có thể trồng cây hoa hồng trên nhiều loại đất như đất phù sa, đất bạc màu, đất đỏ vàng, v.v…
Luống cho trồng cây hoa hồng phải cao, 25-30 cm, ruộng, vườn phải thoát nước tốt. Làm đất kỹ, lên luống rộng 80 cm. Tùy giống, điều kiện chăm sóc, tỉa cành dăm mà mật độ trồng khác nhau. Điều kiện chăm sóc, tỉa cành tốt nên trồng với mật độ sau: Mặt luống rộng 70 cm trồng hàng đôi chạy theo dài luống, bổ hốc trồng mật độ hàng cách hàng 40 cm, cây cách cây 25-30 cm trồng so le, tương đương có số cây 50.000->60.000 cây/ha (hay khoảng 2000 cây/sào Bắc bộ).


(Nguồn ảnh: https://baomoi.com)

b. Thời vụ
Cây hoa hồng là cây lưu niên, ra hoa nhiều lần trong năm nên thời vụ trồng không bị bó hẹp trong khoảng thời gian nào. Tuy nhiên nên chọn vào thời kỳ mát mẻ, mưa nhiều, vào mùa xuân, đầu hè để trồng cây nhanh hồi xanh, đỡ công tưới nước, chăm sóc ban đầu.


c. Kỹ thuật trồng
Thời vụ tốt nhất là vụ xuân (tháng 2 - tháng 4) và vụ thu (tháng 8- tháng 10), cây giống nhanh ra rễ và tỷ lệ sống cao.
Các giống hồng phổ biến trong sản xuất :
Hiện nay ở nước ta có một số giống trồng phổ biến trong sản xuất sau: Giống đỏ nhung, giống phấn hồng, giống trắng sứ, giống hồng vàng.
Phương pháp phân giống:
• Giâm cành


(Nguồn ảnh : http://hoala.vn)

 

Giá thể giăm: 2/3 trú hun + 1/3 đất đồi hoặc cát vàng được khử trùng trước khi giâm bằng Viben C nồng độ 10%.
- Cành giâm: cành bánh tẻ, tốt nhất là cành mang hoa đang ở giai đoạn sử dụng. Cành giâm dài 8- 10 cm có 1 đến 3 mắt, cắt vát không dập nát.
- Sử lý cành giâm bàng IAA hoặc NAA nồng độ 2000 - 2500 ppm nhúng 3- 5 giây cắm vào giá thể. Cắm đứng cành sâu 1,0 - 1,5 cm khoảng cách cành giâm 4- 5 cm.
- Độ ẩm không khí trong 3 ngày đầu đạt mức 100% sau đó giảm độ ẩm xuống chỉ còn 80- 90%. Sau giâm 25 - 35 ngày khi cây giâm có rễ đều xung quanh, chiều dài rễ đạt 3-4 cm có thể đem trồng.

• Chiết cành
Có thể làm quanh năm nhưng nhanh ra rễ nhất là vụ xuân. Cần chú ý một số vấn đề sau:
- Chọn cành chiết: cành bánh tẻ, khoẻ mạnh, khoanh vỏ rộng 2- 3 cm, cạo sạch lớp tượng tầng, để khô nhựa 2- 3 ngày rồi bó bầu.
- Hỗn hợp bầu: mùn rác, rơm, rạ trộn với đất bùn đã được phơi khô đập nhỏ, trộn nước hoặc nước thuốc chất kích thích ra rễ vào hỗn hợp bầu cho đủ ẩm 85-90%, bọc vào chỗ bóc vỏ. Bao kỹ xung quanh, buộc dây thật chặt 2 đầu để không cho nước thấm vào hoặc bay hơi ra. Sau 3- 6 tuần khi bầu chiết có nhiều rễ nhánh có thể cắt đem giâm vào vườn ươm, cũng có thể đem cành chiết trồng trực tiếp ra đất nhưng phải che nắng, đủ ẩm, cắt tỉa bớt lá, đọt non để giảm bớt thoát hơi nước, cành chiết chóng hồi phục.
• Ghép
Là phương pháp phổ biến trong sản xuất với gốc ghép là cây tầm xuân, cây hồng dại. Những gốc ghép này rất khoẻ sau 3 tháng khi thân có đường kính 0,5-0,8 cm thì có thể ghép được.
- Thời vụ ghép: có thể ghép quanh năm
- Cách tiến hành: có thể ghép mắt, ghép cành như các loại cây trồng khác Sau 10- 15 ngày mắt ghép liền ta có thể mở ra để mầm ghép mọc lên.

(Nguồn ảnh : SGK Công nghệ 9, NXB Giáo dục)

 

d. Kỹ thuật trồng
- Trồng vào lúc chiều mát, hướng mắt ghép về phía mặt trời để cây khoẻ. Đặt cho bầu cây hồng ngập đất, không trồng quá sâu cây chậm phát triển. Phải tưới thật ẩm để đất chặt gốc. Khi mới trồng nên che đậy để chống nắng, nóng hoặc hanh khô, cắt tỉa tán lá để tránh thoát hơi nước.
- Nếu trồng vào những ngày nắng nóng thì phải che bằng lưới đen hoặc rơm, rạ 2 – 3 tuần để cây nhanh hồi phục, nâng cao tỷ lệ sống cho cây.


e. Bón phân


Bón phân cho cây hoa hồng khi mới trồng

 

Loại phân

Bón lót

Bón sau bén rễ

+ Phân chuồng, tấn/ha

30

+ Phân đạm, kg/ha

- Tính theo N

40

30

- Tính theo phân urê

87

65

+ Phân lân, kg/ha
- Tính theo P2O5

 

80-100

 - Tính theo phân supe lân

480-600

+ Phân kali, kg/ha
- Tính theo K2O

 

40

- Tính theo phân      kali clorua

67

 

+ Phân hữu cơ: chọn phân chuồng hoai mục, hoặc phân gia cầm đã ủ mục (nếu sử dụng phân gia cầm thì lượng bón chỉ bằng 2/3 hoặc 3/4 lượng phân chuồng), có thể sử dụng than bùn phơi nghiền sau khi xử lý với vôi bột đưa pH lên đến 6,5 ủ với vi sinh vật. Nếu có điều kiện trộn với 5-10 tấn trấu/ha bón lót.- Phân chuồng và phân lân bón 2 lần vào cuối tháng 2 (sau tết âm lịch) và khoảng tháng 7 hoặc tháng 8.
- Cứ 2 lần bón thúc phân đạm thì 1 lần phân kali.
+ Khoảng phân bón trên, tùy thuộc giá hoa hồng ở thị trường, tùy thuộc đất đai giàu hay nghèo mà quyết định lượng bón.
+ Nên phối hợp sử dụng phân phun lá chứa các nguyên tố vi lượng, các chất có tác dụng tốt cho sinh trưởng của cây.


f. Chăm sóc

• Tưới nước
+ Ngày tưới 1 - 2 lần vào lúc sáng sớm hay chiều mát
+ Hoa hồng cần rất nhiều nước nên trước khi cắt hoa cũng nên tưới nhiều. Sau khi bón phân cũng phải tưới nước vì nếu để khô cây có thể bị ngộ độc phân bón và lụi dần. Tuy nhiên nếu nước bị ứ đọng ngập gốc, rễ hồng sẽ không hút được dinh dưỡng và làm thối rễ.
• Tỉa cành, tỉa nụ:
+ Thường xuyên cắt tỉa nhánh khô, những cành ốm yếu không còn lá, lá vàng úa, sâu bệnh để cây thông thoáng quang hợp dễ dàng. Hồng sinh trưởng phát triển mạnh, sau cắt tỉa 15 ngày đã bắt đầu ra nhánh khác.
+ Cần tỉa bớt hoa thứ cấp để hoa chính thật to. Mỗi nhánh hồng chỉ cần để 1 hoa to là đủ vì cây hồng có 6 - 7 nhánh sẽ cho 6 - 7 hoa đẹp. Sau mỗi năm nên đốn phớt và vài ba năm lại đốn đau 1 lần (cắt sát gốc để chồi mọc lên).
• Biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng hoa bằng các chất kích thích sinh trưởng.
- Dùng các loại phân bón lá phun cho cây, cần thiết nhất là giai đoạn trước khi cây ra hoa. Định kỳ 7 - 10 ngày lại phun 1 lần để hoa, lá, cành phát triển cân đối.
Điều khiển hoa nở vào dịp tết: cuối tháng 11 âm lịch, cắt cành bấm ngọn bỏ đi 4- 6 mắt từ ngọn xuống. Cắt càng gần ngọn thì hoa nở sớm hơn và ngược lại. Đối với những giống mọc cành dài mới nở hoa thì cắt cành trước tết khoảng 40- 45 ngày.


g. Phòng trừ bệnh hại
Bệnh gỉ sắt: Phòng trừ: Loại bỏ tàn dư gây bệnh và cỏ dại. Ngoài thuốc Scrore 250 ND và Alvil 5 SC có thể dùng thêm Peroxin 0,2 -0,4%.
Bệnh phấn trắng: Phòng trừ: Loại bỏ tàn dư gây bệnh và cỏ dại. Dùng thuốc Scrore
ND với liều lượng 0,2-0,3 lít/ha. Alvil 5 SC liều lượng 1 lít/ha.
Bệnh đốm đen: Phòng trừ: Vườn trồng hồng thông thoáng, đất không bị ngập úng. Tỉa bỏ những cành lá mang mầm bệnh, làm sạch cỏ và thu dọn các tàn dư gây bệnh. Dùng một số thuốc đặc hiệu như Score 250 ND, Zineb 80 WP nồng độ 30- 50 g/ 10 lít nước hoặc Antracol 70 BHN pha 20-30 g thuốc/ bình 8 lit.


h. Phòng trừ sâu hại hồng
Sâu xanh: Phòng trừ: Luân canh với cây trồng khác. Ngoài ra có thể dùng các loại thuốc trừ sâu: pegasus 500SC liều lượng 0,5-1 lít/ha (pha 7- 10 ml/bình 8 lít).
Rệp: Có thể dùng thuốc Ancol 20 EC phun 1 lít/ha hoặc Karate 2,5 EC nồng độ 5- 10 ml/ bình 8 lít. Supacide 40 ND liều lượng 1- 1,5 lít/ha.
Nhện đỏ: Có thể dùng thuốc Ortus 5 SC hoặc Comite với liều lượng 1 lít/ ha để phun diệt.


i. Thu hoạch, bảo quản
• Xử lý cận thu hoạch
- Sử dụng Atonik 1,8 DD, nồng độ 0,15 %, phun lên toàn bộ thân lá và gốc cây trước thu hoạch 7 - 10 ngày.
- Khi cây có nụ cần phải giảm hoặc ngừng bón đạm, tăng cường bón kali, lân với tỉ lệ 2 : 1 (100 kg kali clorua, 50 kg lân cho 1 ha ).
- Trước khi thu hái 1 - 2 ngày (mùa khô 1 ngày, mùa ẩm 2 ngày) tưới đủ nước cho cây (đảm bảo độ ẩm đất đạt 85%) để các cành lá được hút no nước.
• Thu hái hoa

Tiêu chuẩn thu hái: Tiêu chuẩn thu hái phụ thuộc vào từng giống, cự ly vận chuyển và thời vụ thu hái. Thông thường các giống nở chậm thì hái muộn giống nở nhanh thì hái sớm. Bán tại chỗ hoặc vận chuyển gần thì thu hoạch khi cánh hoa ngoài đã nở, vận chuyển xa thì hái lúc còn đang nụ...
- Thời gian thu hái: Nên thu hái vào lúc sáng sớm (5 - 6h) hoặc chiều tối vào các ngày khô ráo.
- Vị trí thu hái: Vị trí cắt hoa ảnh hưởng trực tiếp đến độ dài cành, cuống hoa, tới sự nảy mầm chồi dưới vết cắt và số ngày cắt lứa sau. Thông thường chừa lại trung bình từ 2- 4 đốt.
• Xử lý sau cắt
Sau khi cắt xong phải cắm ngay 1/3 cuống vào trong thùng nước sạch hoặc dung dịch cắm hoa, sau đó đưa vào nơi mát (nhà có mái che) thông thoáng để xử lý sơ bộ (loại bỏ những cành hoa già, cành hoa bị sâu bệnh…).
• Phân loại và đóng gói hoa hồng
Sau khi thu hoa tiến hành phân loại và đóng gói. Thông thường khi vận chuyển cành đi xa mới cần đóng gói: dùng hộp carton dài 80 cm rộng 50 cm, cao 50 cm, mỗi hộp như vậy chứa được 700 - 1.000 cành, dùng màng polytylen gói kín cả hoa để giữ ẩm. Khi đóng thùng cần tránh để gai làm xước vỏ. Mỗi hộp đục 4 lỗ đường kính 2 cm để hoa tiếp tục hô hấp.
• Bảo quản hoa
Sử dụng các dung dịch glucoza, sacaroza 3-5% trong thời gian bảo quản.

 


Về đầu trang

home

 

 

Tài liệu tham khảo


- Viện Thổ nhưỡng Nông hóa,2005, Sổ tay phân bón, NXB Nông nghiệp Hà Nội.
- Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bài giảng phân bón.
- Hoa và cây cảnh, Sản phẩm KHCN, Viện nghiên cứu rau quả. (http://www.favri.org.vn/index.php/vi/sa-n-pha-m-khcn/hoa-va-ca-y-ca-nh/gia-ng)
- Trường Trung học Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, Tài liệu đào tạo nghề, Kỹ thuật trồng hoa, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam