Hệ số sử dụng phân bón của cây lúa
Lưu ý về bón phân cân đối trong trồng lúa
Bón phân cho lúa
Cây lúa (Oryza sativa) Nguồn: Ảnh-http://fcri.com.vn
Cây Lúa (oryza sativa): Cây lúa là cây lương thực chủ yếu và quan trọng trên thế giới. Lúa có thể gieo trồng trong điều kiện nhiệt đới và á nhiệt đới.
+ Cây lúa có thể sinh trưởng trong phạm vi nhiệt độ từ 10-400C, nhiệt độ thích hợp nhất 22-300C ( thấp hơn 150C gây hại cho lúa).
+ Thời gian chiếu sáng ngắn 9-10 giờ/ngày có tác dụng rõ đối với việc xúc tiến quá trình làm đòng và trỗ bông.
+ Lúa có yêu cầu về nước đặc biệt, trong đất ngập nước cây lúa được cung cấp nước thuận lợi nhất và cho năng suất cao, ổn định nhất.
Thời gian sinh trưởng của cây lúa được tính từ khi hạt lúa nảy mầm đến khi chín hoàn toàn, thay đổi tuỳ theo giống và điều kiện ngoại cảnh.
- Đối với lúa cấy: Bao gồm thời gian ở ruộng mạ và thời gian ở ruộng lúa cấy.
- Đối với lúa gieo thẳng: Được tính từ thời gian gieo hạt đến lúc thu hoạch.
Ở miền Bắc các giống lúa ngắn ngày có thời gian sinh trưởng 90 - 120 ngày, giống lúa trung ngày là 140 - 160 ngày. Các giống lúa chiêm cũ, do thời vụ gieo cấy có điều kiện nhiệt độ thấp nên thời gian sinh trưởng kéo dài 180 - 200 ngày.
Ở đồng bằng sông Cửu Long các giống lúa địa phương có thời gian sinh trưởng 200 -240 ngày ở vụ mùa, cá biệt những giống lúa nổi có thời gian sinh trưởng đến 270 ngày.
Hệ số sử dụng phân bón của cây lúa
Tùy theo chân đất, giống lúa, mùa vụ, lượng phân bón mà có hệ số sử dụng đạm, lân và kali khác nhau.
Trong điều kiện lúa nước ở Việt Nam hệ số sử dụng:
Đạm 30 - 45% 30 - 50% *
Lân 15 - 25 % 20 - 30 % *
Kali 40 - 50% 50 % *
(≥ 40% chỉ đạt được nếu bón đạm từ 2 - 4lần)
(*) Theo Achim dobermann, 2000
Yêu cầu đất đai và thời vụ
1. Yêu cầu đất đai
Cây lúa không kén đất, ở nước ta có thể trồng và cho năng suất trên hầu hết các loại đất: đất phù sa của các hệ thống sông, đất phèn, đất mặn, đất bạc màu. Tuy vậy năng suất lúa cũng rất khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố hạn chế của đất. Đất mặn yếu tố hạn chế chính là nồng độ Cl- cao, EC lớn cho nên phải sử dụng các giống có khả năng chịu mặn. Đối với đất phèn yếu tố hạn chế chính là thiếu lân và nồng độ Al+3 và Fe+2 canh tác lúa trên loại đất này phải chọn những giống có khả năng chống chịu với các hạn chế trên. Đất bạc màu, yếu tố hạn chế chính là hàm lượng kali tổng số và dễ tiêu thấp.
2. Thời vụ trồng lúa
a) Vùng đồng bằng Bắc bộ
Có 2 vụ lúa cổ truyền là lúa mùa và lúa chiêm, từ năm 1963 đã đưa vào cơ cấu các giống lúa xuân nên hình thành 2 vụ chính là vụ lúa chiêm xuân và vụ lúa mùa.
- Vụ lúa chiêm xuân: Làm trong mùa khô, vì vậy phải có nước tưới chủ động. Đầu và giữa vụ thường gặp rét, cuối vụ nóng và bắt đầu có mưa, nên phải dùng giống có khả năng chịu rét.
Lúa chiêm xuân ít phản ứng hoặc không có phản ứng quang chu kỳ.
Lúa chiêm được gieo cấy vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 và thu hoạch vào cuối tháng 5.
- Lúa xuân (xuân sớm, chính vụ và xuân muộn) với bộ giống đa dạng, được gieo cấy vào cuối tháng 11 và thu hoạch vào đầu tháng 6 năm sau. Những năm gần đây, trà xuân muộn với các giống Q5, KD18, CR203, lúa lai 2 và 3 dòng,... được mở rộng và phát triển mạnh, chiếm 80 -90% diện tích lúa chiêm xuân ở phía Bắc.
- Vụ lúa mùa: mùa sớm, mùa trung và mùa muộn, bắt đầu vào cuối tháng 5 và kết thúc vào trung tuần tháng 11 hàng năm.
Đối với trà mùa sớm, sử dụng các giống lúa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng từ 105 đến 120 ngày như: CR203, Q5, KD18...
Đối với trà trung hoặc muộn, sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 125 trở lên như: Nếp, Dự, Mộc Ttuyền, Bao Thai, Tám thơm các loại.
b) Vùng đồng bằng ven biển Trung bộ
Vùng đồng bằng ven biển Trung bộ nếu tính từ TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vào phía Nam có 3 vụ lúa trong năm: vụ đông xuân, hè thu và vụ mùa-thu đông (còn gọi là vụ ba, vụ tám và vụ mười).
- Vụ đông xuân (vụ ba): bắt đầu từ cuối tháng 10 và thu hoạch vào tháng 4(tháng 3 âm lịch ). Vụ hè thu ( vụ tám): bắt đầu từ cuối tháng 4 và thu hoạch vào cuối tháng 9 (tháng 8 âm lịch). Vụ mùa - vụ thu đông ( vụ mười): bắt đầu từ cuối tháng 9 và thu hoạch vào tháng 11 (tháng 10 âm lịch).
- Những vùng không chủ động nước thường gieo mạ, cấy giống các tỉnh phía Bắc.
- Những vùng chủ động nước gieo vãi (gieo sạ), giống các tỉnh phía Nam.
Tóm lại, ở đồng bằng ven biển Trung Bộ do địa hình dốc và hẹp, nên yếu tố chính để quyết định thời vụ, phương thức gieo cấy là nước và đất.
c) Vùng đồng bằng sông Cửu Long
- Vụ mùa: Bắt đầu vào mùa mưa ( tháng 5-6) và kết thúc vào cuối mùa mưa ( tháng 11), gồm các giống lúa địa phương dài ngày và thích nghi với nước sâu. Vụ lúa mùa có diện tích khoảng 1,5 triệu ha.
- Vụ đông xuân: Là vụ lúa mới, ngắn ngày, diện tích khoảng 70-80 vạn ha, bắt đầu vào cuối mùa mưa tháng 11 - 12 và thu hoạch đầu tháng 4.
- Vụ hè thu: Vụ hè thu là một vụ lúa mới, ngắn ngày, bắt đầu từ tháng 4 và thu hoạch vào trung tuần tháng 8 và có diện tích khoảng 1,1 triệu ha.
Trồng lúa ở đồng bằng vùng đồng bằng sông Cửu Long theo 2 phương thức lúa cấy và lúa sạ. Tùy theo địa hình có mức độ ngập nước khác nhau mà áp dụng cho phù hợp.
Hiện nay do tiến bộ kĩ thuật của sản xuất lúa, công tác thủy lợi cũng đã được giải quyết khá mạnh mẽ nên nhiều vùng trước đây ngập nước đã được cải tạo. Do vậy, phần lớn diện tích ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là gieo sạ, cuối vụ vẫn còn một số diện tích lúa nổi (Theo ngân hàng kiến thức trồng lúa).
Kĩ thuật làm đất
- Kỹ thuật làm đất cấy
Đất lúa cần phải cày sớm, ruộng làm dầm phải giữ nước. Ruộng làm ải cần được phơi kỹ, giữa đợt cày đảo ải. Làm ải có tác dụng cho đất thoáng, tiêu diệt được một số loại dịch hại trong đất. Nếu phơi ải gặp mưa lớn không có khả năng phơi lại thì phải giữ nước, chuyển sang làm dầm.
Làm đất lúa phải cày sâu, bừa kỹ cho đất nhuyễn, mặt ruộng phải phẳng thuận lợi cho khi cấy đồng đều và điều tiết nước.
Cày sâu tạo điều kiện cho bộ rễ lúa phát triển tốt, tăng nguồn dự trữ dinh dưỡng, có lợi cho các hoạt động của vi sinh vật vùng rễ phân giải các chất hữu cơ khó phân huỷ, tăng cường dinh dưỡng cho lúa.
Yêu cầu đất lúa trước khi cấy phải sạch gốc rạ, cỏ dại. đất lúa cấy mạ sân càng phải được làm kỹ hơn, mặt ruộng phẳng hơn và để mức nước nông để lúa cấy xong phát triển thuận lợi.
Trong quá trình làm đất sẽ kết hợp với bón lót. Bón lót phân chuồng, phân xanh, vôi và các loại phân vô cơ như: lân, kali, đạm…Bón lót sâu và hợp lí:
Bón lót phân xanh và vôi (nếu có) vào lúc cày ngả, phân chuồng và phân lân bón vào lúc cày lại, đạm và kali bón trước khi bừa cấy.
Vụ chiêm xuân nhiệt độ đầu vụ thấp cần quan tâm bón lót nhiều hơn vụ mùa.
- Kĩ thuật làm đất gieo sạ
Làm đất gieo khô: Làm đất kỹ, mặt ruộng phẳng, có hệ thống tưới tiêu chủ động và sạch cỏ dại.
Làm đất gieo ướt (nước): Làm đất kỹ hơn, mặt ruộng phẳng, có hệ thống tưới tiêu chủ động, sạch cỏ dại, rút nước để gieo.
Sử dụng phân bón cho lúa
1 Tổng lượng phân bón sử dụng cho một vụ lúa
Ở đồng bằng sông Hồng với mức bón phân chuồng từ 5 – 6 tấn/ha để đạt năng suất lúa 5,5 tấn/ha thì lượng bón khuyến cáo như sau.
Vùng |
Lượng bón (kg/ha) |
||
N |
P2O5 |
K2O |
|
Đất phù sa sông Hồng |
90-100 |
40 |
30 |
Ghi chú:
* Muốn có bội thu năng suất thêm 1 tấn/ha (đối với giống lúa lai và giống có năng suất cao cần phải bón thêm 20 P2O5 và 30 K2O/ha. Đạm bón theo thang so màu lá lúa.
* Vụ mùa lượng phân bón giảm 10% so với vụ đông xuân.
- Lượng phân khuyến cáo cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
Đất |
Vụ |
Lượng phân (kg/ha) |
||
N |
P2O5 |
K2O |
||
Phù sa sông Cửu Long |
Đông xuân |
100-120 |
20-30 |
0-30 |
Hè thu |
90-120 |
30-40 |
0-30 |
|
Phèn nhẹ |
Đông xuân |
80-90 |
30-40 |
- |
Hè thu |
80-90 |
40-50 |
- |
|
Xám |
Đông xuân |
90-100 |
30-40 |
60-70 |
Hè thu |
60-70 |
40-50 |
60-70 |
2. Lượng phân bón theo các thời kì sinh trưởng
a. Các loại và dạng phân bón sử dụng cho lúa
- Các loại phân đạm thích hợp cho lúa là phân đạm amôn, urê. Urê đang trở thành dạng phân đạm phổ biến với lúa nước vì có tỷ lệ đạm cao, lại rất thích hợp để bón trên các loại đất lúa thoái hóa. Phân đạm nitrat có thể dùng để bón thúc ở thời kỳ đòng, đặc biệt hiệu quả khi bón trên đất chua mặn.
- Đất chua trồng lúa, bón phân lân nung chảy thường cho kết quả ngang phân supe lân do trong điều kiện ngập nước cũng dễ cung cấp cho lúa mà ít bị rửa trôi và còn cung cấp cả sillic- yếu tố dinh dưỡng có nhu cầu cao ở cây lúa. Tuy nhiên nếu cần bón thúc lân và trồng lúa trên đất nghèo S ( đất bạc màu, bón ít phân hữu cơ) thì phải dùng phân lân supe.
- Loại phân kali thích hợp cho lúa là KCl.
- Khả năng chịu chua của cây lúa tốt những ở đất quá chua cây lúa sinh trưởng kém có thể do nhôm hòa tan gây ra ( hiện tượng ngộ độc nhôm) nên bón vôi là biện pháp quan trọng ở đất lúa nước quá chua.
b. Lượng phân bón cho lúa
- Lượng phân chuồng thường bón 7-10 tấn/ha, vụ mùa nên bón nhiều hơn.
- Lượng phân đạm thường bón 80-120 kg N/ha. Trên đất có độ phì trung bình để đạt năng suất 6 tấn thóc/ha cần bón 160 kg N/ha.
- Lượng phân lân trung bình 60 kg/ ha. Đối với đất xám, bạc màu có thể bón 80-90 kg/ha, đất phèn có thể bón 90-150 kg/ha.
- Lượng phân kali bón cho lúa trung bình 30-90 kg/ha, ở mức bón trong thâm canh lúa cao 100-150 kg/ha.
c. Phương pháp bón phân cho lúa
Tỷ lệ bón phân ở các thời kỳ (%)
Loại phân |
Bón lót |
Bón thúc đẻ nhánh |
Bón thúc đòng |
Đạm |
35-70 |
0-45 |
0-30 |
Lân |
55-100 |
0-30 |
0-15 |
Kali |
20-50 |
0-30 |
50 |
- Bón phân lót
+ Trong bón phân cho lúa thường bón lót toàn bộ phân chuồng và phân lân, một phần phân đạm và kali. Thường bón lót phân chuồng trong quá trình làm đất; phân lân, kali, cùng phân đạm bón trước khi cày bừa lần cuối.
+ Cây hút khá nhiều lân trong các giai đoạn sinh trưởng đầu, giai đoạn cây con lúa bi khủng hoảng lân do vậy phân lân cần được bón lót toàn bộ hoặc bón lót và bón thúc sớm. Phân lân nên bón rải đều trên mặt ruộng trước khi cày bừa lần cuối để gieo cấy.
+ Nên bón lót nhiều phân kali trong các trường hợp: giống lúa đẻ nhánh nhiều, giống lúa ngắn ngày, lúa có hiện tượng bị ngộ độc sắt, mưa nhiều, ngập nước sâu, khí hậu lạnh.
+ Thường dành 1/3-2/3 tổng lượng đạm để bón lót cho lúa. Cần bón lót nhiều đạm hơn khi cấy bằng mạ già, các giống lúa ngắn ngày.
- Bón thúc đẻ nhánh
+ Thường bón bằng phân đạm hay phối hợp thêm với một phần phân lân (nếu còn chưa bón lót hết). Thời gian bón thúc đẻ nhánh vào khoảng 15-20 ngày sau cấy.
+ Trên đất phèn hoặc đất quá chua khả năng cố định lân của đất rất mạnh thì bón thúc lân cho lúa là cần thiết vì vừa nhằm hạ độ phèn và độc tố trong đất vừa cung cấp dinh dưỡng lân cho lúa. Khi bón thúc nên dùng các dạng lân hạt để tránh bám dính gây cháy lá.
+ Thường dành 1/2 -2/3 lượng đạm còn lại để bón thúc đẻ nhánh nhằm làm lúa đẻ nhánh nhanh, tập trung và cũng để giảm lượng phân lót, tránh mất đạm. Cần bón thúc đẻ nhánh nhiều đạm cho lúa trong các trường hợp: cấy giống dài ngày, đẻ nhánh nhiều, mật độ cấy cao, nhiệt độ khi gieo cấy cao.
+ Đối với giống lúa cực ngắn, lúa mùa cần phải bón thúc đẻ nhánh sớm hơn.
+ Bón thúc đạm cho lúa tốt nhất là bón sau khi rút nước ruộng do có thể làm tăng gấp đôi hiệu lực của phân bón so với ruộng có nhiều nước. Không nên rút nước quá 1 ngày trước khi bón thúc vì việc rút nước trong một thời gian dài thúc đẩy cỏ dại phát triển và làm mất đạm.
- Bón thúc đòng
+ Bón thúc đòng cho lúa thường sử dụng phối hợp phần phân đạm và kali còn lại. Bón đòng tốt nhất là bón sau khi gieo cấy 40-45 ngày.
+ Khi bón ít đạm thì bón thúc đòng là một kỹ thuật quan trọng để năng cao hiệu suất phân đạm và là thời kỳ bón đạm có hiệu quả nhất. Những giống đẻ ít, bông to, năng suất dựa vào số hạt trên bông thì cần phải chú trọng vào đợt bón đón đòng và nuôi hạt để tạo được bông to, nhiều hạt chắc, đạt năng suất cao. Khi đã bón lót được nhiều cũng có thể không cần bón thúc đẻ mà chỉ cần bón thúc đòng. Bón đủ phân lót và thúc đẻ nhánh có thể không bón phân đòng (Dựa vào việc chuẩn đoán lá để xác định nhu cầu bón phân cho lúa).
+ Nên dùng phân kali bón thúc đòng cho lúa trong các trường hợp: giống đẻ nhánh ít, giống dài ngày, gieo cấy thưa, đất phèn (thiếu lân và ngộ độc sắt), đất kiềm (thiếu kẽm), lân bị đất cố định hay mưa nhiều.
- Bón nuôi hạt
+ Sau khi lúa trỗ hoàn toàn có thể bón nuôi hạt bằng cách phun phân bón lá 1-2 lần nhằm làm tăng số hạt chắc, tăng năng suất. Đây là thời kỳ bón phân có hiệu quả rõ khi trồng lúa trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, khả năng cung cấp dinh dưỡng và giữ phân kém.
Lưu ý về bón phân cân đối trong trồng lúa
- Vụ mùa, hè thu (mùa mưa) lượng đạm cần bón ít hơn so với vụ đông xuân. Vụ hè ở các tỉnh phía Nam do nắng nóng, đất chua nhiều, phèn bốc mạnh nên cần bón nhiều lân hơn so với vụ đông xuân và vụ thu đông.
- Đất cát, đất xám, đất bạc màu do hàm lượng kali thấp nên cần bón nhiều kali hơn so với các loại đất khác. Trên đất này do hàm lượng hữu cơ và sét thấp nên phải chia phân ra làm nhiều lần bón hơn để giảm thất thoát phân bón.
- Đất phèn, đất trũng nghèo lân lại có nhiều sắt nhôm di động gây động do đó cần phải bón nhiều phân lân hơn các loại đất khác nhằm giảm độ độc của sắt nhôm và cung cấp lân cho cây lúa.
- Ở đất nhẹ nhiều cát cây cần kali hơn, đồng thời các giống.
Tùy theo tình trạng đất đai và tình trạng của cây lúa mà người nông dân có thể gia giảm lượng phân nguyên chất tổng số và lượng phân cho mỗi đợt bón. Lưu ý không để xảy ra hiện tượng thiếu và thừa dưỡng chất, đặc biệt đối với phân đạm.
- Để phát huy hiệu quả của phân bón cho cây lúa phải áp dụng liên hoàn nhiều biện pháp tổng hợp. Trong đó chú ý đến biện pháp làm đất hợp lý, bảo đảm độ tơi, xốp, bồi dưỡng chất hữu cơ cho đất hợp lý. Không nên đốt rơm rạ vừa làm chất hữu cơ và mất chất đạm.
- Bổ sung lượng phân trung lượng (qua dạng phân bón rể hoặc bón lá) và phân vị lượng (tốt nhất là dạng phân bón lá). Vì những ruộng thâm canh lúa ở Việt Nam nói chung đang thiếu hụt các chất trung và vi lượng trầm trọng do cây lúa bòn rút liên tục nhiều năm nhưng không được bồi hoàn trả lại.
- Nên phối trộn với các loại phân hữu cơ vi sinh có tác dụng cải tạo đất để làm phong phú thêm nguồn vi sinh vật đất và hạn chế tác hại do ngộ độc hữu cơ khi cày vùi rơm rạ ngay sau khi thu hoạch và tiến hành sản xuất vụ lúa tiếp theo.