Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Nguồn gốc, phân bố

Đặc điểm sinh trưởng cây Actisô

Điều kiện sinh thái

Kỹ thuật trồng

Tài liệu tham khảo

 

Nguồn gốc, phân bố


Actisô (Cynala scolymus L. hay Cynara cardunculus L. var.scolymus). Tên nước ngoài: Artichoke, globe artichoke (Anh); artichaut (Pháp).
Cây áctisô thuộc họ Cúc (Asteraceae). Chi Cynara L. có khoảng 12 loài, phân bố chủ yếu ở vùng Địa Trung Hải. là loại cây lâu năm, nguồn gốc từ khu vực Địa Trung Hải, sau được trồng nhiều ở Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Bắc Phi để lấy cụm hoa non (bao gồm đế hao, các lá bắc và hoa) làm rau ăn. Cây được người Pháp mang vào Việt Nam từ thế kỷ 19, lúc đầu trồng ở Sapa sau lan ra một vài nơi khác. Hiện nay cây được trồng nhiều nhất ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và Sapa (Lao Cai), tổng diện tích lên tới hàng trăm hecta. Cây Actisô có khoảng 20 hợp chất được chứng minh có tác dụng chữa và bảo vệ gan. Nó cũng làm tăng sự tiết mật ra khỏi gan, đặc tính này rất quan trọng trong chữa trị viêm gan siêu vi.


 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Đặc điểm sinh trưởng cây Áctisô


Áctisô là loại cây thảo sống nhiều năm. Cây ưa sáng và ưa ẩm. Thân có vân dọc, thân non có lông mềm màu trắng ngà. Lá đơn, mọc so le, phiến lá phân thùy lông chim 2-3 lần, mặt trên lá màu xanh lục, mặt dưới có lông trắng. Cụm hoa hình rổ được hình thành trên ngọn các cành. Hoa tự có nhiều hoa gồm nhiều lá bắc tạo thành bao hoa đỉnh nhọn. Hoa hình ống, màu lam tím đính trên đế hoa nạc. Quả bế, nhẵn, khi chín màu đen mang các tơ trắng dài hơn quả và dính nhau ở gốc tạo thành vòng dễ tách ra khi quả chín; hạt không có nội nhũ.


 

(Nguồn ảnh: https://sites.google.com/site/raurungvietnam/)

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Điều kiện sinh thái


Qua thực tế trồng ở Việt Nam cho thấy, Áctisô sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở một số vùng núi cao như Sapa, Đà Lạt nơi có khí hậu ẩm mát. Cây trồng ở đây có thể cao tới hơn 1,5 m, ra hoa và kết hạt tốt. Trong khi đó cây trồng ở một số nơi khác sinh trưởng kém hơn. Áctisô ưa khí hậu lạnh mát quanh năm. Nhiệt độ thích hợp khoảng 15-18oC. ở Việt Nam thường trồng ở độ cao 100-1500 m so với mặt biển, ở độ cao này cây có thể sông được nhiều năm, vừa cung cấp giống, vừa sản xuất dược liệu. Đồng bằng Trung du Bắc bộ, có thể trồng áctisô vào vụ đông xuân và chỉ để lấy dược liệu, áctisô là cây sinh trưởng mạnh, cho nên cần chọn đất có tầng canh tác cao, thoát nước và bón nhiều phân.


Về đầu trang

home

 

 

 

Kỹ thuật trồng trọt


Chọn vùng trồng

Đất sạch không ô nhiễm môi trường; khu trồng không gần nơi đổ rác thải khu dân cư, rác thải công nghiệp, không gần nghĩa trang, bệnh viện; Đất trồng không chứa các tồn dư độc hại của thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng.


Yêu cầu đất trồng
Chọn đất thịt nhẹ, chủ động nguồn nước tưới qua mùa khô hanh từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Đất có độ dốc vừa phải, nếu là ruộng bậc thang miền núi đảm bảo thoát nước vào mùa mưa khi cây đang giai đoạn ra hoa kết hạt.
Đất trồng phải đảm bảo thoát nước tốt vào mùa mưa và giữ ẩm vào mùa khô. Đất phải được cày bừa kỹ, tơi xốp, sạch cỏ dại. Lên luống cao 10-15 cm, rộng 80 cm, rãnh 30 cm. Cần xẻ rãnh thoát nước giữa các luống.


Thời vụ trồng
Áctisô có thể nhân giống bằng hạt, bằng mầm nhánh hoặc bằng nuôi cấy mô. Ở miền núi phía Bắc có thể gieo hạt vào tháng 1, 2 hoặc tháng 9, 10. Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, nên gieo vào đầu tháng 10. Thời gian ở vườn ươm là 45-50 ngày. Còn có thể tách mầm nhánh hoặc sản xuất cây con từ đốt thân, đỉnh chồi hoặc đỉnh sinh trưởng để trồng. Từ đỉnh sinh trưởng có thể tạo cây con sạch vi rút.


Cách trồng
Nhân giống:
- Khi thu hoạch atisô, ta để lại phần gốc có nẩy chồi đẻ cây con để làm giống, phần thân này được giữ nơi thoáng mát, khi chuẩn bị đất xong thì mới đem phần thân có nẩy mầm cây con để trồng, mỗi thân tùy vào số mầm mà có thể cắt làm 2-4 mầm con để trồng.
- Cách thứ hai là gieo hạt: hạt giống phải mua nhập nội, xử lý để hạt nứt nanh rồi gieo vào các vỉ xốp, giá thể phải sạch tránh việc lây lan nguồn nấm bệnh từ giá thể, tưới nước giữ ẩm cho cây, cây con phải được giữ mát và ẩm. Khi cây con đạt tiêu chuẩn thì chọn cây sạch bệnh đem trồng ngoài đồng ruộng (trồng theo phương pháp gieo hạt này ít phổ biến vì giá thành hạt giống cao, hạt giống nhập nội nên khả năng thích nghi kém).

 

Kỹ thuật trồng
Cây con đủ tiêu chuẩn có 01 lá thật từ 20 ngày tuổi đủ điều kiện đem đi trồng. Cây con được trồng trên rãnh đã rạch sẵn trên luống theo mật độ quy định, lấp đất kín phần gốc rễ. Sau khi trồng xong san phẳng mặt luống, tưới nước giữ ẩm cho cây con nhanh bén rễ.


Mật độ, khoảng cách trồng
Tùy thuộc vào mục đích trồng để lấy dược liệu hay lấy hạt giống mà định mật độ trồng cho thích hợp. Nếu trồng thu lá làm dược liệu mật độ trồng 80x80 cm. Nếu trồng thu hạt giống, mật độ trồng 80x100 cm.
Tùy điều kiện đất tốt xấu của từng vùng để trồng với mật độ khoảng cách thích hợp. Đất tốt trồng khoảng cách 70 x 40 cm mật độ 3,5 vạn cây/ha, đất xấu trồng khoảng cách 70 x 30 cm mật độ 4,7 vạn cây/ha.


Bón phân
Bón phân (tính cho 1 ha/vụ): Phân chuồng hoại mục: 150 - 300 m3; phân lân vi sinh (LVS) 500 kg; vôi bột 1.000 - 1.500 kg; phân vô cơ: N-P-K 2.000 - 2.600 kg lượng nguyên chất, có thể dùng phân đơn hoặc phức hợp theo lượng trên.
Phương pháp bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi, phân LVS rải đều khi làm đất; 1.000 kg P2O5, đảo trộn thật đều trước khi trồng.
Bón thúc lần 1, sau trồng từ 25 - 30 ngày, kết hợp cắt, tỉa lá kém chất lượng, bón 400 - 450 kg NPK rải đều phân cách gốc 10 - 15 cm.
Bón thúc lần 2, sau trồng từ 50 - 60 ngày, bón 100 kg N, 250 kg P2O5, 150 kg K2O rải đều phân cách gốc 15 - 20 cm, kết hợp chăm sóc làm cỏ, vun đất nhẹ.
Bón thúc lần 3, sau trồng 3 tháng, bón 150 kg N, 100 kg P2O5, 100 kg K2O rải đều phân quanh gốc, kết hợp chăm sóc.
Bón thúc lần 4, sau trồng 4 tháng, bón 150 kg N, 100 kg P2O5, 250 kg K2O rải đều phân quanh gốc.
Bón thúc lần 5, sau trồng 5 tháng, bón 350 kg K2O rải đều phân quanh gốc. Bón thúc lần 6, sau trồng 6 tháng, bón 350 kg K2O rải đều phân quanh gốc.
Lưu ý sau các lần bón thúc đều phải tưới nước sau khi bón. Cần làm cỏ, vun xới kết hợp với tưới nước. Về sau mỗi tháng vun xới, làm cỏ một lần cho đến khi cây giao tán.
Nếu trồng theo đúng quy trình, atisô sẽ trổ nụ sau khi trồng khoảng từ 90 -100 ngày. Trong năm đầu mỗi nhánh chỉ cho khoảng 2 bông. Những năm kế tiếp mỗi nhánh có thể trổ đến 12 nụ và cứ như vây liên tiếp từ 4 đến 7 năm.


Kỹ thuật chăm sóc
- Tiến hành dặm cây con sau trồng 10 ngày, làm cỏ, xới xáo, phá váng thường xuyên, tưới nước giữ ẩm cho cây.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện sâu bệnh, có biện pháp xử lý kip thời.


Phòng trừ sâu bệnh hại
Cây thường bị các loại sâu bệnh sau: Giai đoạn mới trồng bị ốc sên nhớt, sâu xám. Giai đoạn sau có rệp muội phòng trừ bằng thuốc Actara. Trong điều kiện mưa nhiều, vào giai đoạn mới trồng và giai đoạn thu hoạch có bệnh đốm đen lá, bệnh thối nhũn gốc, sử dụng một trong các loại thuốc sau: Monceren, Daconil 75WP, Score 250ND để phòng trừ.


Thu hoạch, sơ chế

Bắt đầu thu hoạch sau khi trồng khoảng 3-4 tháng cho đến khi cây ra hoa rộ, mỗi tháng thu hoạch 1 lần


 

Hoa
Thu hoạch để làm rau khi bông còn non, các lá bắc còn chụm lại giống như nụ sen. Thu hoạch để phơi sấy làm dược liệu khi bông sắp nở và đã nở. Thu các bông chích trước, các bông nhánh thu sa


 

Thân và rễ
Sau khi thu hoạch hết lá và bông thì thu thân và đào lấy gốc rễ. Thân và rễ được làm sạch đất, cắt khúc hoặc thái thành lát mỏng để tiện phơi sấy, bảo quản để chế biến dược liệu sau.

 

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Tài liệu tham khảo


- Viện Thổ nhưỡng Nông hóa,2005, Sổ tay phân bón, NXB Nông nghiệp Hà Nội
- Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bài giảng phân bón;
- Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Actiso, Phương pháp khuyến nông mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai. (http://snnptnt.laocai.gov.vn/snnptnt/1244/28028/53943/292175/Phuong-phap-Khuyen-nong-moi/Quy-trinh-ky-thuat-trong--cham-soc-cay-Actiso.aspx)
- Quy trình, kĩ thuật trồng cây Actiso, Kỹ thuật trồng trọt, Dữ liệu khuyến nông, Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng. (http://khuyennong.lamdong.gov.vn/du-lieu-khuyen-nong/ky-thuat-trong-trot/1685-quy-tr%C3%ACnh-k%E1%BB%B9-thu%E1%BA%ADt-tr%E1%BB%93ng-c%C3%A2y-atis%C3%B4)

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam