Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Nguồn gốc, phân bố

Đặc điểm sinh trưởng

Điều kiện sinh thái

Kỹ thuật trồng

Tài liệu tham khảo

 

Nguồn gốc, phân bố


Cây đảng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook. f. hay Campanumoea javanica ).
Cây Đảng sâm thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae). Cây đảng sâm (Codonopsis javanica) là cây mọc hoang ở Việt Nam. Từ năm 1961 - 1985, Viện Dược liệu - Bộ Y tế qua điều tra đã phát hiện loài đảng sâm này mọc ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, còn miền Nam chỉ có ở khu vực Tây Nguyên. Phân bố tập trung nhất ở các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng. Rễ củ đảng sâm được dùng chữa tỳ vị kém, phế khí hư nhược, kém ăn, đại tiện lỏng, mệt mỏi, khát nước, ốm lâu cơ thể suy nhược... Ngoài ra còn dùng làm thuốc bổ dạ dày, lợi tiểu tiện, chữa ho tiêu đờm.
Trồng đảng sâm 1 năm thu được từ 800 - 1500 kg củ khô/1 ha, 2 năm thu từ 1000-1500 kg và nếu trồng 3 năm thu được 2500 kg - 2800 kg củ khô/1 ha.


Cây, hoa và củ đảng sâm
(Nguồn ảnh: Kỹ thuật trồng cây thuốc,2013, NXB Nông Nghiệp Hà Nội)

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Đặc điểm sinh trưởng


Đảng sâm là cây thân thảo, leo bằng thân quấn. Thân leo dài 2 - 3 m, phân nhánh nhiều. Lá mọc đối, hình tim, mép nguyên, lượn sóng hoặc hơi khía răng cưa, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới có lông nhung trắng. Hoa mọc riêng rẽ ở kẽ lá, cuống dài 2 - 6 cm, đài gồm 5 phiến hẹp, tràng hình chuông màu trắng, chia 5 thuỳ, nhị 5. Quả nang hình cầu có 5 cạnh mờ, đầu trên có một núm nhỏ hình nón, khi chín màu tím hoặc đỏ. Hạt nhiều màu vàng nhạt. Rễ phình thành củ hình trụ dài, đường kính 1,5 - 2,0 cm, phía trên to, phía dưới có phân nhánh, màu vàng nhạt.
Cây sống lâu năm, bắt đầu sinh trưởng vào mùa xuân (tháng 2 - 3), sinh trưởng mạnh từ tháng 4 đến tháng 8. Từ tháng 9 - 11, cây ra hoa kết quả và lụi vào tháng 12 hàng năm. Đến tháng 2 - 3 năm sau, cây phát triển trở lại. Cây năm thứ 2 - 3 sinh trưởng và phát triển mạnh hơn cây năm thứ nhất, thường cho năng suất và chất lượng dược liệu, hạt giống cao. Khi đạt chiều cao 20 cm, cây bắt đầu leo giàn. Đảng sâm thường mọc trên các nương, rẫy đã bỏ hoang lâu ngày có cỏ tranh, đất tương đối màu mỡ và ẩm.


Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Rễ củ.
Công dụng: Rễ củ đảng sâm được dùng làm thuốc chữa tỳ vị kém, phế khí hư nhược, kém ăn, đại tiện lỏng, mệt mỏi, ốm lâu ngày, cơ thể suy nhược... Ngoài ra còn được dùng làm thuốc bổ dạ dày, lợi tiểu tiện, chữa ho tiêu đờm.
Ngày dùng từ 20 g đến 40 g, dạng thuốc sắc, viên hoàn, bột, ngâm rượu.


(Nguồn ảnh: http://www.quangninh24h.vn)

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Điều kiện sinh thái


Đảng sâm sống ở đất màu mỡ, nhiều mùn, cao ráo, thoát nước. Nhiệt độ thích hợp 18 - 25oC, có thể chịu được nhiệt độ trên 30oC nhưng không kéo dài. Về mùa đông nhiệt độ thấp cây vẫn sống được. Lượng mưa trung bình 1.200 - 1.500 mm.
Ở vùng núi có độ cao 400 - 1600 m so với mặt biển cây mọc hoang dại, chu kỳ sinh trưởng kéo dài 1 năm. Ở đồng bằng, do nhiệt độ cao, cây vẫn sinh trưởng được nhưng thời gian bị rút ngắn còn 8 - 9 tháng, cây không sống qua mùa hè.


Về đầu trang

home

 

 

 

Kỹ thuật trồng


Chọn vùng trồng
Cây đảng sâm chủ yếu sinh trưởng tốt ở vùng trung du và miền núi, có độ cao từ 400 m trở lên so với mặt nước biển.
Chọn đất nơi cao ráo, nhiều mùn, tơi xốp, thoát nước, có nhiều chất dinh dưỡng. Các triền đồi thoải, ruộng bậc thang hay chân ruộng cao là thích hợp nhất. Các loại đất khác có thể trồng được nhưng năng suất thấp. pH thích hợp cho cây phát triển từ 5,5 - 6,5.
Đảng sâm rất thích hợp với miền núi, trồng xen ngô, vừa thu hoạch được ngô, vừa thu hoạch được đảng sâm.


Kỹ thuật làm đất
Đất sau khi được chọn cày sâu 30 cm, phơi ải, bừa kỹ, dọn sạch cỏ.
Lên luống cao 30 cm, rộng 60 - 70 cm, chiều dài tùy ruộng. Đất ở vùng đồi có độ dốc vừa phải thì có thể trồng theo từng vạt nhỏ, đất có độ dốc lớn cần trồng theo đường đồng mức. Bổ hốc với khoảng cách 20 x 40 cm.


Mật độ, khoảng cách trồng
Tùy loại đất đai để bố trí mật độ khoảng cách trồng thích hợp:
Đất tốt trồng mật độ 83.000 cây/ha với khoảng cách 30 x 40 cm.
Đất xấu trồng mật độ 125.000 cây/ha với khoảng cách 20 x 40 cm.

Thời vụ trồng
Mỗi năm có thể gieo trồng 2 thời vụ:
Thời vụ 1: Gieo hạt vào mùa xuân (tháng 2 - đầu tháng 3) và đánh cây con trồng vào tháng 5 - 6.
Thời vụ 2: Gieo hạt vào mùa thu (tháng 9 - 10) và đánh cây con trồng vào tháng 2 - 3.


Giống và kỹ thuật trồng
Giống

Đảng sâm trồng ở Việt Nam hiện nay có 2 loại:
Lộ đảng sâm Codonopsis pilosula do Viện Dược liệu di thực từ Trung Quốc vào những năm 60 của thế kỷ trước, hiện nay còn rất ít.
Đảng sâm Codonopsis javanica là giống mọc hoang có sẵn ở Việt Nam, Viện Dược liệu đã tiến hành thuần hoá trồng thành công tại trạm nghiên cứu cây thuốc Sa Pa - Lào Cai.


Kỹ thuật trồng
Quy trình này chỉ áp dụng cho loài đảng sâm Codonopsis javanica.
Đảng sâm có thể nhân giống hữu tính bằng hạt. Ngoài ra có thể nhân giống vô tính bằng mầm của đầu rễ (khi cần thiết).
Lượng hạt dùng để gieo cho 1ha là 2,5 - 2,7 kg. Sử dụng hạt của cây 2 - 3 năm tuổi để làm giống. Không dùng hạt của cây trồng 1 năm tuổi vì chất lượng thấp. Nên dùng hạt mới thu hoạch, chọn hạt già, chắc, có tỷ lệ mọc cao từ 75% trở lên.
Gieo hạt: Hạt được đãi sạch, trộn đều đất bột khô, chia đều cho các luống, gieo làm 3 lần, lấp đất dày 1 - 2 cm và phủ một lớp rơm rạ hoặc trấu mỏng lên mặt luống.
Hạt mọc sau 10 - 15 ngày, chọn ngày không mưa bỏ rơm rạ tưới ẩm thường xuyên, làm cỏ tỉa loại bớt cây bị sâu hại, định kỳ 15 - 20 ngày tưới phân đạm pha loãng 2 - 3%.
Cây được 5 - 6 lá thật, tỉa bớt cây để khoảng cách cây 3 - 5 cm. Cây được 9 - 10 lá (khoảng 3 tháng tuổi) chọn cây khoẻ mạnh, không sâu bệnh đánh trồng ra ruộng sản xuất. Khi đánh cây tránh làm xây sát và đứt rễ củ.
Khi cây con đạt tiêu chuẩn, đánh cây trồng theo hốc, mỗi hốc 1 cây. Đặt rễ cây thẳng đứng, lấy tay lấp đất và ấn chặt gốc. Trồng xong cần tưới ngay. Nên trồng vào chiều mát, sau 5 - 7 ngày cây bắt đầu bén rễ hồi xanh.


Phân bón và kỹ thuật bón phân
Bón phân cho vườn ươm

Bón lót 10 tấn phân chuồng hoai mục + 150 kg phân lân + 100 kg phân KCl cho 1 ha vườn ươm. Trộn đều các loại phân, rải trên mặt luống, xáo nhẹ và san phẳng mặt luống để lấp phân. Khi cây cao 7 - 10 cm, có 5 - 6 lá, bón thúc 50 - 60 kg urê/ha pha loãng.


Bón phân cho ruộng sản xuất

Loại phân

Lượng
phân/ha (kg)

Lượng
phân/sào
Bắc bộ (kg)

Tỷ lệ bón (%)

Bón lót

Bón thúc
(năm 1
và 2)

Phân chuồng

25.000 - 27.000

900 - 1.000

50

50

Đạm urê

     450 - 500

17 - 18,5

-

100

Supe lân

     500 - 600

18,5 - 22

50

50

Kali clorua

190 - 215

7 - 8

25

75

 

Thời kỳ bón
Bón lót: ½ lượng phân hữu cơ + ½ lượng phân lân và ¼ lượng phân kali, trộn đều bổ theo hốc sau đó lấp đất lại.
Sau khi thu hạt năm thứ nhất, cây bắt đầu lụi. Vào tháng 1 năm sau bón phân năm thứ 2 gồm ½ lượng phân chuồng + ½ lượng phân lân và ¼ lượng phân kali.
Phân đạm được chia đều cho 2 năm, định kỳ mỗi năm bón 3 - 4 lần vào các tháng 1, 3, 6 và tháng 9, kết hợp với các lần làm cỏ xới xáo, mỗi lần 50 - 60 kg/ha (1,85 - 2,22 kg/sào Bắc bộ). Tháng thứ 7, 8 năm thứ 2 tiếp tục bón lượn Năm thứ nhất: Định kỳ 30 ngày chăm sóc 1 lần, làm sạch cỏ, kết hợp với bón đạm, lượng đạm mỗi năm 200 - 250 kg/ha urê được chia làm 3 lần bón thúc, mỗi lần cách nhau 3 tháng.
Tháng 7, 8 khi cây chuẩn bị ra hoa, bón bổ sung ¼ lượng kali (100 kg KCl) /ha. Cuối mùa đông cây lụi, cắt bỏ phần thân leo, vệ sinh đồng ruộng.
Năm thứ 2: Sang mùa xuân năm thứ 2 khi cây bắt đầu mọc trở lại bón thúc 10 tấn phân chuồng + ½ lượng phân lân và ¼ lượng kali. Trộn đều vùi quanh gốc kết hợp với làm cỏ vun gốc.
Lượng đạm còn lại chia làm 3 lần bón thúc, mỗi lần cách nhau 3 tháng kết hợp với làm cỏ. Tháng 7, 8 năm thứ 2 tiếp tục bón lượng kali còn lại.


Kỹ thuật chăm sóc
Chăm sóc vườn ươm: Luôn tưới và giữ ẩm, nếu không mưa hàng ngày tưới 1 lần vào buổi chiều mát.
Định kỳ 30 ngày chăm sóc 1 lần, làm sạch cỏ, kết hợp bón phân.
Kỹ thuật tưới tiêu nước: Cây đẳng sâm thường trồng ở trung du và miền núi, cần đảm bảo nước tưới khi ở vườn ươm và lúc mới trồng đến bén rễ hồi xanh. Còn trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây chủ yếu là nhờ nước tự nhiên. Ở những nơi chủ động tưới tiêu có thể tưới khi cây gặp khô hạn.
Làm giàn cho cây leo: Cây đảng sâm dài 15 - 20 cm bắt đầu cần làm giàn leo, dùng cây sặt hoặc tre làm giàn cắm chéo hình chữ A để 2 hàng đảng sâm leo chung.


Phòng trừ sâu bệnh
Đảng sâm thường bị các loại sâu bệnh hại sau:
Sâu xám (Agrotis ipsilon).
Rệp mềm (Aphis gossipii).
Bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia sp.),


Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
Thu hoạch:
Tiến hành thu hoạch vào cuối mùa đông năm thứ 2, khi cây vàng lụi. Trước khi thu hoạch cần phá bỏ giàn leo, cắt toàn bộ phần thân lá trên mặt đất, dùng cuốc thuổng đào sâu, tránh sây sát, đứt rễ củ.
Sơ chế: Rễ thu về được rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, độ ẩm <12%.
Bảo quản: Khi đẳng sâm khô, đạt tiêu chuẩn, bảo quản trong bao ni lông, bên ngoài bọc bao tải dứa hoặc các loại bao tải chống ẩm khác, để nơi khô ráo không được ẩm ướt. Khi bảo quản trong kho để trên giá hoặc kệ cao cách mặt đất ít nhất 5 cm, Đảng sâm ít bị mối mọt.

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Tài liệu tham khảo


- Viện Thổ nhưỡng Nông hóa,2005, Sổ tay phân bón, NXB Nông nghiệp Hà Nội.
- Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bài giảng phân bón.
- TSKH Nguyễn Minh Khởi ( Chủ biên), TS Nguyễn Văn Thuận (Đồng chủ biên), Kỹ thuật trồng cây thuốc,2013, NXB Nông Nghiệp Hà Nội.

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam