Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Giới thiệu chung

Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh và dinh dưỡng

Kỹ thuật trồng trọt

Phân bón cho cải bắp

(Nguồn TK: Kỹ thuật trồng rau ăn lá – PGS.TS. Tạ Thu Cúc – NXB Phụ nữ - 2007)

 

Giới thiệu chung

Cải bắp (Brassica oleracea L.) có nguồn gốc từ tây bắc châu Âu. Đến khoảng giữa thế kỷ 16 cải bắp đã trở thành loại rau quan trọng nhất ở châu Âu. Từ châu Âu, cải bắp được đưa đi trồng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, việc sản xuất cải bắp ở khu vực nhiệt đới và á nhiệt đới còn ở mức hạn chế vì cải bắp thích hợp với những vùng núi cao hoặc nơi có mùa đông lạnh.


 

(Nguồn: https://vov.vn/dinh-duong-mon-ngon/nhung-tac-dung-tuyet-voi-cua-bap-cai-co-the-ban-chua-biet-425796.vov)

Cải bắp là loại rau ăn lá có giá trị dinh dưỡng cao. Trong lá cải bắp chứa một số chất quan trọng như: đường, đạm và một số chất khoáng như natri (Na), lưu huỳnh (S), canxi (Ca) ta thường gọi là chất vôi và phốt pho (P) ta thường gọi là lân. Đặc biệt trong lá cải bắp chứa nhiều vitamin C, tiền thân của vitamin A, vitamin B1, B2, B3 và vitamin K. Vì vậy loại rau này có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Cải bắp là loại rau cho hiệu quả kinh tế cao. Là cây rau ăn lá quan trọng của nhiều nước trên thế giới. Cải bắp còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Trồng cải bắp có lãi hơn so với một số cây trồng khác.
Cải bắp là cây rau quan trọng trong vụ đông ở miền Bắc nước ta, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, ở vùng Đà Lạt (Lâm Đồng) có thể trồng nhiều vụ trong năm. Các tỉnh/thành trồng cải bắp tại Việt Nam: Lâm Đồng, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Theo số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2010, diện tích cải bắp: 29.200 ha/năm, sản lượng cải bắp: 676.300 tấn/năm.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh và dinh dưỡng


Từ khi gieo hạt đến lúc được thu hoạch sản phẩm, cây cải bắp phải trải qua nhiều thời kỳ: thời kỳ cây con, thời kỳ trải lá bàng, thời kỳ cuốn, thời kỳ sinh trưởng sinh thực.


a. Nhiệt độ
Cải bắp có nguồn gốc ở xứ lạnh (vùng ôn đới). Trong quá trình sinh trưởng, phát triển, chúng ưa thích khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Cải bắp là cây chịu rét khá, nhưng không chịu nhiệt.
Cải bắp có thể sinh trưởng ở nhiệt độ từ 15-20°C. Hạt cải bắp có thể nảy mầm trong điều kiện nhiệt độ thấp (-50C) nhưng chậm. Cây con sinh trưởng tốt ở nhiệt độ 16-18°C, thời kỳ trải lá nhiệt độ thích hợp từ 18-20°C, thời kỳ cuốn bắp nhiệt độ 17-18°C sẽ làm cho bắp cuốn nhanh và cuốn chặt; ở thời kỳ 1-2 lá thật cải bắp có khả năng chịu rét tốt, cây có thể chịu nhiệt độ thấp từ -2°C đến -3°C. Nhiệt độ cao (trên 28°C) kết hợp với độ ẩm không khí thấp sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự sinh trưởng, phát triển của cây và chất lượng bắp khi thu hoạch. Khi nhiệt độ trên 25°C cây sinh trưởng chậm, kéo dài thời gian cuốn bắp, cây nhỏ, còi cọc dẫn đến năng suất và chất lượng giảm.


b. Ánh sáng
Cải bắp là cây ưa thích ánh sáng ngày dài, mức độ mẫn cảm với ánh sáng phụ thuộc vào đặc tính của giống. Ánh sáng quá mạnh hoặc quá yếu đều không có lợi cho cây cải bắp.
Các thời kỳ sinh trưởng khác nhau thì cải bắp yêu cầu đối với ánh sáng cũng thay đổi. Ở thời kỳ vườn ươm, nếu gặp được thời gian chiếu sáng dài thì cây giống sẽ sinh trưởng nhanh, rút ngắn thời gian ở vườn ươm.
Khi cây trải lá và cuốn bắp cần ánh sáng mạnh. Có như vậy mới tạo được bắp to và bắp cuốn chặt, bắp có chất lượng tốt.


c. Nước
Rau cải, đặc biệt là cây cải bắp, ưa ẩm, ưa thích tưới nước trong quá trình sinh trưởng. Cải bắp là cây rau không chịu hạn, cũng không chịu ngập úng. Cải bắp có nguồn gốc ở nơi ẩm ướt, hệ rễ cạn, khả năng hút nước của rễ ở lớp đất sâu không được tốt. Mặt khác cải bắp là cây rau có nhiều lá, diện tích mỗi lá lại rất lớn, hàm lượng nước trong lá rất cao. Vì vậy cây cải bắp cần nhiều nước trong suốt thời gian sinh trưởng,
Năng suất cải bắp cao nhất khi độ ẩm đất là 80% và độ ẩm không khí từ 85-90%. Người ta đã tính toán được sự tiêu hao nước của một cây cải bắp trong một ngày đêm là 10 lít nước. Điều này cho thấy nước là yếu tố có tính chất quyết định đối với năng suất và chất lượng cải bắp.


d. Đất và chất dinh dưỡng
* Đất
Cây cải bắp có khả năng sinh trưởng, phát triển trên nhiều loại đất. Nhưng đất trồng cải bắp tốt nhất là đất thịt nhẹ, đất pha cát hoặc đất thịt trung bình, giàu chất dinh dưỡng, đủ ẩm và tưới tiêu thuận lợi. Độ chua (độ pH) trong đất từ 6-7,5, thích hợp nhất là 6-7. Khi đất chua (đất mọc nhiều rau sam và chua me đất), độ pH dưới 5,5 cần phải bón vôi để trung hòa độ chua trong đất. Trên 1000 m2 đất trồng bón từ 100-200 kg. Đất chua ảnh hưởng không tốt đến hệ rễ cây cải bắp sinh trưởng kém trên đất nghèo chất dinh dưỡng và đất có nhiều cát. Đất trồng cải bắp phải xa nơi bị ô nhiễm.


* Chất dinh dưỡng
Cây cải bắp sinh trưởng tốt trên nền đất bón phân hữu cơ và phân khoáng N, P, K.
+ Đạm (N): Là thành phần quan trọng của chất diệp lục (màu xanh) của lá, có tác dụng làm tăng số lá trên cây, tăng tỉ lệ bắp cuốn, tăng khối lượng mỗi bắp. Do đó là yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng, có tính chất quyết định đến năng suất và chất lượng cải bắp. Nhưng thừa hoặc thiếu đạm đều ảnh hưởng không tốt đến sự sinh trưởng của cây.
Nếu thiếu đạm, cây sinh trưởng chậm, còi cọc, tán cây nhỏ, số lá ít và bé, thời gian cuốn kéo dài, do đó năng suất và chất lượng giảm nghiêm trọng. Nếu đạm dư thừa sẽ làm cho thân lá non mềm, lá mỏng, cuốn chậm, giảm khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất thuận và sâu bệnh hại, chất lượng bắp giảm, giảm độ giòn, vị nhạt, ăn không ngon.
Mặt khác, cải bắp được bón quá nhiều đạm sẽ dẫn đến dư lượng nitrat trong cải bắp tăng cao. Chất nitrat tích tụ trong bắp quá ngưỡng cho phép sẽ gây độc hại cho cơ thể con người và động vật.
+ Lân (P): Là nguyên tố cây cải bắp cần ít hơn so với đạm, nhưng lân rất cần cho đời sống cây cải bắp. Lân có tác dụng thúc đẩy sự sinh trưởng của cây khi còn nhỏ. Lân có tác dụng làm cho cây trải lá sớm, tăng tỉ lệ cuôn bắp, giúp cho bắp chín sớm, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây. Điều này có lợi cho việc bố trí, sắp xếp cây trồng vụ sau.
Lân còn có tác dụng cải thiện chất lượng bắp và chất lượng hạt giống.
+ Kali (K): Bà con nông dân thường gọi là tro. Kali có tác dụng làm tăng khả năng làm việc của bộ lá, tăng khả năng quang hợp của cây, đồng thời tăng cường quá trình trao đổi chất trong cây và xúc tiến sự vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cây.
Kali còn có tác dụng tăng khả nàng chống chịu sâu bệnh hại, làm cho bắp cuốn chặt, bắp chắc, do đó cải bắp chịu vận chuyển và bảo quản cất trữ.
Khi thiếu ánh sáng, thời tiết lạnh và khô cần tăng cường bón kali.
Thời kỳ hình thành và bắp lớn, cây cần nhiều kali.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Kỹ thuật trồng trọt

a. Luân canh tăng vụ
Cải bắp là thành viên trong họ thập tự nên bị nhiều loại sâu bệnh hại phá hại. Vì vậy cần thực hiện chế độ luân canh, luân phiên nghiêm ngặt để ngăn ngừa sự lây lan của sâu bệnh hại, đồng thời thực hiện tăng vụ để tăng sản lượng trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người lao động.


Công thức chung ở vùng sản xuất lúa: Rau xuân hè - Cây lương thực - Cải bắp


Ví dụ:
+ Công thức 1: Cà chua xuân hè (T2-T6) – Rau muống cạn (T6-9) – Cải bắp (T10-T2).
+ Công thức 2: Lúa xuân (T2-T6) - Lúa mùa (T6-10) - Cải bắp (T10-T2).
+ Công thức 3: Dưa chuột xuân hè (T2-T5) - Lúa mùa sớm (T6-10) – Cải bắp (T10-T2).


Công thức chung ở vùng sản xuất rau:
+ Công thức 1: Dưa chuột xuân hè (T2-T6) - Lúa mùa sớm (T6-10) – Cải bắp (T10-T2).
+ Công thức 2: Cà chua xuân hè (T2-T6) - Lúa mùa sớm (T6-10) – Cải bắp (T10-T2).
+ Công thức 3: Đậu cove leo (T2-T5) – Hành hoa (T6-9) – Cải bắp (T10-T2).
+ Công thức 4: Bí xanh (T2-T5) – Rau ăn lá (T6-10) – Cải bắp (T10-T2).


b. Thời vụ
- Khi sắp xếp thời vụ gieo trồng cải bắp ta phải căn cứ vào yêu cầu ngoại cảnh của cây cải bắp và điều kiện của mỗi vùng sản xuất để gieo trồng cải bắp có năng suất cao, chất lượng tốt nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
- Vùng núi các tỉnh phía Bắc có đặc điểm là nhiệt độ thấp trong mùa đông, khi gieo trồng cần sử dụng giống chịu rét. Thời vụ tập trung tháng 9- tháng 10, có thể gieo trồng cải bắp trong vụ xuân.
- Các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ có thể gieo trồng các thơi vụ sau:
+ Vụ sớm gieo từ tháng 7, tháng 8, chính vụ gieo trồng tháng 9 đến trung tuần tháng 10, vụ muộn trồng vào cuối tháng 10 đến trung tuần tháng 11.
Trồng cải bắp ở vụ sớm cần phải chọn giống chịu nhiệt, chín sớm.
- Vùng Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) gieo trồng từ tháng 9 đến tháng 10, vụ muộn trồng vào tháng 11. Gieo trồng cải bắp vụ muộn cần chú ỷ dùng giống chịu rét. Vùng Đà Lạt còn có thể gieo trồng cải bắp trong vụ xuân.
- Các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long gieo trồng cải bắp thuận lợi vào cuối tháng 11 đến tháng 12, thu hoạch vào dịp Tết Nguyên Đán và sau Tết. Trong vụ này cần dùng giống có thời gian sinh trưởng ngắn.


c. Khoảng cách, một độ và kỹ thuật trồng
- Dựa vào đặc tính của giống, thời vụ, đất và phân bón... để xây dựng khoảng cách, mật độ đối với một giống cụ thể nào đó.
Ví dụ: Nếu trồng cải bắp vào thời vụ có nhiệt độ cao thì trồng dày hơn thời vụ có thời tiết thuận hòa, Nếu đất tốt, màu mỡ, nguồn phân bón dồi dào thì trồng thưa hơn, một chút so vối đất nghèo dinh dưỡng và phân bón ít.
- Đối với các giống K.K. Cross và N.s. Cross thì khoảng cách mật độ như sau: trồng trong vụ sớm khoảng cách hàng 50-55 cm, khoảng cách cây 35- 40 cm. Trồng trong chính vụ khoảng cách hàng 60 cm, khoảng cách cây 40cm, mật độ trồng từ 2800-3000 cây/1000 m2 đất trồng. Nếu có điều kiện chăm sóc tốt, có thể tăng mật độ lên tới 3300-3500 cây/1000 m2.


d. Kỹ thuật trồng cây:
Dùng dầm (xén) hoặc que đào lỗ chính giữa hốc rồi đặt cây hoặc bầu, lấp đất dưới lá thật đầu tiên. Đối với những bầu làm bằng nilông, khi trồng cần nhẹ nhàng cắt vỏ bầu thành nhiều lỗ để tạo điều kiện thuận lợi cho hệ rễ phát triển. Tốt nhất nên trồng cây vào ngày râm mát hoặc buổi chiều mát.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Phân bón cho cải bắp


- Căn cứ vào tính chất đất đai, độ màu mỡ (độ phì) của đất, đặc tính của giống (giống sớm, giống muộn), chất lượng phân bón và điều kiện của hộ gia đình để quyết định dùng loại phân bón gì và khối lượng mỗi loại là bao nhiêu.
- Thông thường, khối lượng và chủng loại phân bón cho 1000 m2 đất trồng như sau:
+ Phân hữu cơ hoai mục: 2-2,5 tấn.
+ Phân đạm (dạng urê): 26-32 kg.
Không nên bón quá liều lượng 32,6 kg (tương đương lượng phân đạm nguyên chất: 15 kg).
+ Phân supe phốtphát (supe lân); 30-45 kg.
+ Phân kali clorua (dạng KCl có màu đỏ): 22,9-28,6 kg.
+ Phân kali sunphat (dạng K2SO4): 26,7-33,3 kg.
- Có thể thay thế những loại phân bón kể trên bằng những loại chế phẩm phân bón được phép lưu thông trên thị trường và được nhà nông tín nhiệm như: phân NPK tổng hợp, phân hữu cơ vi sinh hoặc phân bón "Ba con cò".
- Phương pháp bón: Phân hữu cơ và phân lân phân giải chậm nên dùng để bón lót trước khi trồng. Tùy theo điều kiện thời tiết và mùa vụ trồng có thể bón lót một phần phân đạm và phân kali (20% phân đạm và 30% phân kali). Bón phân vào hốc hoặc rạch trước khi trồng, nhất thiết phải trộn đểu phân bón với đất ở độ sâu 15-20 cm.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam