Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Giới thiệu chung

Yêu cầu ngoại cảnh và dinh dưỡng

Giống cà chua

Kỹ thuật trồng

Bón phân cho cà chua

(Nguồn TK: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cà chua – Thái Hà, Đặng Mai – Nxb Hồng Đức - 2011)

 

Giới thiệu chung

Cà chua có tên khoa học là Lycopesium esculentum, thuộc họ Cà Solanaceae, thuộc bộ Cà Solanale. Cà chua là loại rau ăn quả rất được ưa thích vì phẩm chất ngon và chế biến được nhiều cách. Cà chua còn cho năng suất cao, do đó được trồng rộng rãi và được canh tác khoảng 200 năm nay ở châu Âu để làm cây thực phẩm.
Ở Việt Nam, các tỉnh trồng cà chua có miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ nên diện tích ngày càng được mở rộng. Theo số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2009: diện tích trồng cà chua đạt 20.540 ha/năm, sản lượng cà chua: 494.332 tấn/năm.


 

Cây cà chua - Ảnh: www.hcmbiotech.com.vn

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Yêu cầu ngoại cảnh và dinh dưỡng
a. Nhiệt độ
- Cà chua là cây chịu ấm, một trong những điều kiện cơ bản để có được sản lượng cao và sớm ở cà chua là tạo chế độ nhiệt độ tối hảo cho cây 21 - 24°C, nếu nhiệt độ đêm thấp hơn ngày 4 - 5°C thì cây cho nhiều hoa.
- Các thời kỳ sinh trưởng và phát triển khác nhau của cây đòi hỏi nhiệt độ không khí và đất nhất định.


b. Ánh sáng
- Cà chua là cây ưa sáng, không nên gieo cây con ở nơi bóng râm, cường độ tối thiểu để cây tăng trưởng là 2.000 - 3.000 lux, không chịu ảnh hưởng quang chu kỳ.
- Ở cường độ ánh sáng thấp hơn hô hấp gia tăng trong khi quang hợp bị hạn chế, sự tiêu phí chất dinh dưỡng bởi hô hấp cao hơn lượng vật chất tạo ra được bởi quang hợp, do đó cây sinh trưởng kém.


c. Nước
- Yêu cầu nước của cây trong quá trình dinh dưỡng không giống nhau. Khi cây ra hoa đậu quả và quả đang phát triển là lúc cây cần nhiều nước nhất, nếu đất quá khô hoa và quả non dễ rụng: nếu đất thừa nước, hệ thống rễ cây bị tổn hại và cây trở nên mẫn cảm với sâu bệnh. Nếu gặp mưa nhiều vào thời gian này quả chín chậm và bị nứt.
- Lượng nước tưới còn thay đổi tùy thuộc vào liều lượng phân bón và mật độ trồng.


d. Đất và chất dinh dưỡng
- Cà chua có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất vẫn là đất thịt pha cát, nhiều mùn hay đất phù sa, đất bồi giữ ẩm và thoát nước tốt và chứa tối thiểu là 1,5% chất hữu cơ.
- Cà chua trồng tốt nhất sau vụ cải bắp hay dưa leo, những loại cây cần bón nhiều phân hữu cơ và đạm. Cà chua thích hợp trên đất có pH = 5,5 - 7,0. Đất chua hơn phải bón thêm vôi.


Về đầu trang

home

 

 

 

Giống cà chua

(Nguồn: https://www.syngenta.com.vn/file/3096/download?token=I-TdqSmw)


a. Các giống cà chua phổ biến ở miền Bắc
Cà chua dây Đông Anh, cà chua múi, các giống cà chua Ba Lan xanh, Ba Lan trắng, Hồng Lan, HP5, P375, CV12, cà chua 95, cà chua lai,…

b. Các giống cà chua phổ biến ở cả 2 miền Bắc - Nam
Giống cà chua lai TN30, TN 24, TN 19, Red Crown 250, giống cà chua MV1.

 

 

Hình 1: Các giống cà chua phổ biến

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

Kỹ thuật trồng

a. Thời vụ trồng
- Vụ đông xuân: Gieo tháng 10-11 dương lịch và thu hoạch vào tháng 1 - 2 dương lịch. Đây là mùa vụ thích hợp nhất. Chú ý cây con trong thời điểm còn mưa cần chăm sóc cẩn thận.
- Vụ xuân hè: Gieo tháng 12 - 1 dương lịch và thu hoạch tháng 3 - 4 dương lịch. Cây tăng trưởng hoàn toàn trong mùa khô, nóng, khả năng đậu quả kém, cần chọn giống chịu nóng.
- Vụ hè thu: Gieo tháng 6 - 7 dương lịch và thu hoạch tháng 9 - 10 dương lịch. Cây tăng trưởng hoàn toàn trong mùa mưa, do đó đất trồng phải thoát nước tốt, chọn giống chịu mưa, ít rụng hoa, ít nứt quả, chín có màu đỏ đẹp.


b. Chuẩn bị cây con

- Lượng hạt gieo cho l.000 m2 là 7 – 10 g (330 - 350 hạt/g). Hạt gieo trong bầu đất hay gieo trên liếp ương 15-20 ngày đem trồng. Cây con già hơn dễ ngã trong mùa mưa vì vậy cần làm mái che cho cây con khi mưa. Có thể dùng ni lông trong suốt dễ dàng mở ra khi trời nắng hoặc lưới ni lông mịn giữ suốt giai đoạn vườn ương giúp cản bớt giọt mưa to.


c. Chuẩn bị đất trồng
- Cà chua chịu úng kém nên chọn đất cao ráo dễ thoát nước. Trên đất cũ (đất chuyên rau, đã trồng rau vụ trước): Chú ý ít nhất 1 - 2 vụ trước không trồng các cây nhóm cà (ớt, cà tím, cà pháo, thuốc lá). Trên đất mới (mới lên liếp trồng): Trồng cà dễ thành công hơn, bởi vì đất được ngập nước trong thời gian trồng lúa nên một sổ mầm bệnh ở trong đất bị tiêu diệt.
- Lên liếp
Liếp đôi: Mặt liếp rộng 1,0 – 1,3 m: cao 20 cm, trồng 2 hàng, lối đi 0,5 m, khoảng cách cây 0,5 m; mật độ 2.000 cây/1.000 m2 phù hợp trồng trong mùa nắng và loại hình sinh trưởng thấp cây cà chua F1 giống 607.
Liếp đơn: Mặt liếp rộng 0,6 m; cao 0,3 - 0,4 cm, trồng 1 hàng, lối đi 0,6 m; khoảng cách cây 0,5 m; mật độ 1.600 cây/1.000m2.
Đối với cà thấp cây có thể trồng dày hơn, khoảng cách cây 0,3 - 0,4 m.

Sử dụng màng phủ nông nghiệp (bạt Plastic)
Mục đích
- Hạn chế côn trùng và bệnh hại: Mặt màu bạc cùa màng phủ phản chiếu ánh sáng mặt trời nên giảm bù lạch, rầy mềm, giảm bệnh do nấm tấn công ở gốc thân và đốm trên lá chân.
- Ngăn ngừa cỏ dại: Mặt đen của màng phủ ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạt cỏ bị chết trong màng phủ.
- Điều hoà độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất: Màng phủ ngăn cản sự bốc hơi nước trong mùa nắng, hạn chế lượng nước mưa nên rễ cây không bị úng nước, giữ độ ẩm ổn định và mặt đất tơi xốp, thúc đẩy rễ phát triển, tăng sản lượng.
- Giữ phân bón: Giảm rửa trôi của phân bón khi tưới nước hoặc mưa to, ít bay hơi nên tiết kiệm phân.
- Tăng nhiệt độ đất: Giữ ấm mặt đất vào ban đêm (mùa lạnh) hoặc thời điểm mưa dầm thiếu nắng mặt đất bị lạnh.
- Hạn chế độ phèn, mặn. Màng phủ làm giảm sự bốc hơi qua mặt đất nên phèn, mặn được giữ ở tầng đất sâu, giúp bộ rễ hoạt động tốt hơn.
Cách sử dụng màng phủ nông nghiệp
- Vật liệu và qui cách: Dùng 2 cuộn màng phủ khổ rộng 0,9 - 1 m trồng cà hàng đơn, còn hàng đôi 1,5 cuộn màng khổ 1,2 - 1,1 m, diện tích vải phủ càng rộng thì hiệu quả phòng trừ sâu bệnh càng cao. Chiều dài mỗi cuộn màng phủ là 400 m. Khi phủ liếp mặt xám bạc hướng lên, màu đen hướng xuống.
- Lên liếp: Lên liếp cao 20 - 40 cm tùy mùa vụ, mặt liếp phải làm bằng phẳng không lồi lõm vì rễ khó phát triển và màng phủ mau hư hỏng, ở giữa liếp hơi cao hai bên thấp để tiện việc tưới nước.
- Rải phân lót: Liều lượng cụ thể hướng dẫn bên dưới, nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì màng phủ hạn chế mất phân. Có thể giảm bớt 20% lượng phân so với không dùng màng phủ.
- Xử lý mầm bệnh: Phun thuốc trừ nấm bệnh như oxyt đồng hoặc Copper B (20 g/10 lít) hoặc Validacin (20cc/10 lít) đều trên mặt liếp trước khi đậy màng phủ.
- Đậy màng phủ: Mùa khô nên tưới nước ngay hàng trồng cây trước khi đậy màng phủ. Khi phủ kéo căng vải bạt, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10cm ghim sâu xuống đất (dây chì sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạt ghim mé liếp.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Bón phân cho cà chua


Cà chua là cây trồng thực phẩm rất quen thuộc với con người, có thể canh tác mọi nơi, kể cà trong vườn, ngoài đồng, trong nhà kính lẫn trong thùng xốp di động. Nhằm giúp cà chua ra sai quả người trồng nên chú ý đến việc sử dụng phân bón thích hợp như một số khuyến cao dưới đây.


* Nhu cầu phân bón của cây cà chua
Nhu cầu phân bón của cà chua thay đổi tùy theo quá trình phát triển của cây trồng, của đất cũng như việc chăm sóc của con người. Muốn biết cụ thể nhu cầu phân bón của cà chua thì trước tiên cần phải thử nghiệm, phân tích chất đất. Nếu đất nghèo thì cần nhiều đạm, dưỡng chất hơn so với đất màu mỡ. Hiện nay trên thị trường có bán những bộ kit để thử đất. Nếu không được cung cấp dưỡng chất hợp lý, cà chua mắc phải nhiều loại bệnh, sản lượng thấp và chất lượng quả kém.


* Những phân bón cần cho cà chua
- Phân đạm (Nitơ): Là nguồn cung cấp dưỡng chất chính cho cà chua. Các thành phần có trong phân đạm rất thích hợp cho việc phát triên lá, tuy nhiên không nên lạm dụng, nếu có quá nhiều đạm, thay vì ra quả cà chua sẽ phát triển mạnh về lá.
- Phân lân (Phốt pho): Thường được thương phẩm dưới dạng quặng phốt-phát, giúp kích thích ra hoa và quả cho cà chua, giúp quả to khỏe và giàu dưỡng chất.
- Kali: Cùng với đạm và lân, kali giúp cà chua tăng trưởng tốt, đặc biệt là quá trình quang hợp ánh sáng. Thiếu kali cà chua dễ mắc bệnh, quả nghèo dưỡng chất.
- Vi dưỡng chất: Gồm sắt. đồng, kẽm, magiê và mangan, tuy số lượng cần rất nhỏ nhưng lại rất quan trọng để giúp cây trồng khỏe mạnh, có khả năng chống chọi bệnh tật và phát triển nhanh.
- Các loại phân tan chậm: Đây là dưỡng chất rất an toàn cho các loại cây trồng nói chung và cho cây cà chua nói riêng, đặc biệt là nhóm cây trồng không chịu được hóa chất mạnh.
- Phân bón dạng lỏng: Rất thích hợp với cà chua, có hiện quả nhanh, tăng năng lượng cho cây cà chua và giúp cây trồng hấp thụ tốt thông qua rễ và lá.
- Phân bón hữu cơ: Đây là nhóm phân bón an toàn, không có chứa hóa chất như phân động vật, rác thải, vỏ trứng, chất thải nông nghiệp, sản phẩm thải của ngành cà phê, xương động vật, các loại rong biển, chế phẩm của ngành nông nghiệp... rất có lợi cho cây trồng, cho đất và môi trường xung quanh.
- Tùy theo loại đất, mức phân bón trung bình toàn vụ cho 1000 m2 như sau: 20 kg urê + 50 kg supe lân + 20 kg kali clorua + 12 kg canxi nitrat + 50 kg NPK 16:16:8 (đối với giống thấp cây) hoặc 70 kg NPK 16:16:8 (đối với giống cao cây) + 1 tấn chuồng hoai + 100 kg vôi bột.
- Bón lót: 50 kg supe lân, 3 kg kali clorua, 2 kg canxi nitrat, 10 - 15 kg NPK16:16:8, 1 tấn phân chuồng và 100 kg vôi. Vôi rải đều trên mặt đất trước khi cuốc đất lên liếp, phân chuồng hoai, lân rải trên toàn bộ mặt liếp xới trộn đều. Nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì phân nằm trong máng phủ ít bị bốc hơi do ánh nắng hay rửa trôi do mưa.
- Bón phân thúc:
Lần 1:
+ Khoảng 15 ngày sau khi cấy (giống thấp cây) và 20 ngày sau khi cấy (giống cao cây).
+ Số lượng 4 kg urê, 3 kg kali clorua, 10 kg NPK 16:16:8 + 2 kg canxi nitrat. Bón phân bằng cách vén màng phủ lên rải phân một bên hàng cà hoặc đục lỗ màng phủ giữa 2 gốc cà.
Lần 2:
+ Khoảng 35 - 40 ngày sau khi cấy, khi đã đậu quả đều.
+ Lượng bón: 6 kg urê, 5 kg kali clorua. 10 – 15 kg NPK 16:16:8 + 2 kg canxi nitrat. Vén màng phù lên rải phân phía còn lại cả hoặc bỏ phân vào lỗ giữa 2 gốc cà.
Lần 3:
+ Khi cây 60 - 65 ngày sau khi cấy, bắt đầu thu quả rộ.
Lượng bón: 6 kg urê, 5 kg kail clorua, 10 – l5 kg NPK 16:1 6:8 + 3 kg canxi nitrat. Vén màng phủ lên rải phân phía còn lại hoặc bỏ phân vào lỗ giữa 2 gốc cà.
Lần 4:
+ Khi cây 70 - 80 ngày sau khi cày đối với giống cao cây, còn giống thấp cây đã kết thúc thu hoạch.
+ Lượng bón: 4 kg urê, 4 kg kali clorua, 10 - 15 kg NPK 16:16:8 + 3 kg canxi nitrat. Vén màng phủ lên rải phân hoặc bỏ phân vào lỗ giữa 2 gốc cà.


- Chú ý:
+ Cây họ cà (cà chua, ớt) rất nhạy cảm với triệu chứng thiếu canxi, biểu hiện là thối đít quả. Ngoài việc bón lót vôi bột (tức là đã cung cấp thêm canxi), nếu không bón thúc canxi nitrat vào đất như hướng dẫn trên bà con có thể bổ sung bằng canxi clorua (CaCl2), nồng độ 2 – 4 % phun trên lá định kỳ 7 - 10 ngày/lần từ lúc quả non phát triển.
+ Nếu không dùng màng phủ, nên chia nhỏ lượng phân hơn và bón nhiều lần để hạn chế mất phân.
+ Có thể dùng thêm phân bón lá vi lượng như: Master Grow, Risopla II và IV, Miracle... phun định kỳ 10 ngày/lần từ khi cấy đến 10 ngày trước khi thu hoạch đợt đầu tiên, nồng độ theo khuyến cáo trên nhãn chai phân.
+ Không nên lạm dụng chất kích thích tăng trưởng nhất là giai đoạn phát triển quả vì dễ bị bệnh và làm giảm phẩm chất quả.


Một số phương pháp tự chế phân bón dùng cho cà chua:
- Phân bón từ tóc: Theo nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy lông, tóc người và động vật là nguồn giàu dưỡng chất, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cà chua không kém gì phân đạm, lưu huỳnh và keratin (chất sừng), giúp cho cà chua chắc khỏe. Lông, tóc khi bón trong đất phân hủy nhanh và không gây hại cho môi trường. Có thể gom lại sau khi chải tóc, ở các hộ cắt tóc, lò giết mổ trâu bò...
- Sản xuất phân từ bã cà phê: Bã cà phê sau khi phơi khô trộn với vỏ trứng nghiền, các chế phẩm nông nghiệp sau đó rắc vào gốc cà chua. Đây là nguồn phân bón cung cấp dưỡng chất hữu cơ cho cà chua và làm cho đất tơi xốp, lưu giữ độ ẩm.
- Sản xuất phân bón từ vỏ trứng: Đây là nguồn phân bón giàu canxi và nitơ. Vỏ trứng gom đem sấy khô, nghiền nhỏ. Trước khi bón cho cà chua nên tưới ướt gốc và rắc bột vỏ trứng lẻn, làm như vậv sẽ luôn giữ được các dưỡng chất quan trọng có trong vỏ trứng.
- Sản xuất phân bón từ muối Epsom: Muối Epsom (Magnesium sulfate) là thành phần của phân bón vô cơ nhưng lại rất cần cho cây cà chua và cũng là hợp chất được người dùng để tắm dưỡng da, làm đẹp cho phụ nữ. Cách dùng như sau: Trộn nước 4 – 5 lít nước với 1 thìa cà phê muối Epson (thường có bán tại các quầy thuốc) để tạo đủ lượng magiê và sunphat cấp cho cây trồng, chỉ nên bón 1 tháng 1 lần.
- Ngoài các loại phân nói trên người ta có thế chế phân bón cho cà chua từ hạt bông, phân dơi, sản phẩm phụ từ cá, có thể phơi khô và nghiền nhỏ bón trực tiếp hoặc hòa và nước tưới cho cây trồng.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam