Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Giới thiệu chung

Yêu cầu sinh thái

Kỹ thuật trồng

Bón phân cho dưa chuột

(Nguồn TK: Rau ăn quả - Trồng rau an toàn, năng suất, chất lượng cao- PGS.TS. Nguyễn Khắc Thi ThS. Nguyễn Thu Hiền - ThS. Ngô Thị Hạnh - Ths. Phạm Mỹ Linh - ThS. Dương Kim Thoa - Nxb Khoa học tự nhiên và Công nghệ - 2008)

 

Giới thiệu chung

Dưa chuột (tên khoa học Cucumis sativus) (miền Nam gọi là dưa leo) là một cây trồng phổ biến trong họ bầu bí Cucurbitaceae, là loại rau ăn quả thương mại quan trọng, nó được trồng lâu đời trên thế giới và trở thành thực phẩm của nhiều nước. Những nước dẫn đầu về diện tích gieo trồng và năng suất là: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Ai Cập và Tây Ban Nha. Trong số các loại rau trồng hiện nay, dưa chuột là cây đứng thứ tư trên thế giới và châu Á về diện tích (2.377.888 ha năm 2003), đứng thứ ba về sản lượng thu hoạch (37,6 triệu tấn năm 2003). Dưa chuột là một trong những loại rau ăn quả có giá trị kinh tế rất cao trong ngành sản xuất rau của nhiều nước trên thế giới.


 

Dưa chuột
(Nguồn: https://hatgiongthanhnga.com/dua-chuot-giong-nhat-sieu-gion)

Ớ Việt Nam, trước đây diện tích trồng dưa chuột chưa lớn chỉ khoảng trên 100 ha/năm, tập trung ở một số vùng chuyên canh thuộc đồng bằng sông Hồng với tập quán canh tác chỉ trồng 1 vụ/năm. Nhưng trong những năm gần đây theo số liệu thống kê, diện tích trồng dưa chuột cả nước năm 2003 đạt 18.409 ha, chiếm 3,2% diện tích trồng rau các loại trên đất nông nghiệp, tăng 30% so với năm 2000. Miền Bắc trồng 5.550 ha, chiếm 33% diện tích trồng dưa chuột cả nước. Hai phần ba diện tích còn lại trồng ở phía Nam. Bốn tỉnh có diện tích trồng dưa chuột lớn nhất nước là An Giang (2.872 ha), Tây Ninh (1.399 ha), thành phố Hồ Chí Minh (1.092 ha) và Thái Nguyên (1.075 ha). Phần lớn dưa chuột ở đây được trồng để sử dụng ăn tươi. Vùng sản xuất dưa chuột cho chế biến xuất khẩu tập trung ở các tỉnh/thành: Hà Nam (446 ha), Hưng Yên (559 ha), Hải Dương (430 ha), Hải Phòng (221 ha).
Năng suất trung bình dưa chuột ở nước ta hiện mới đạt xấp xỉ 90% so với trung bình toàn thế giới (173,1 tạ/ha). Tuy nhiên, có vùng như đồng bằng sông Hồng đạt năng suất 204,85 tạ/ha trên diện tích hàng năm hơn 3.300 ha.


Bảng 8: Sản xuất dưa chuột ở Việt Nam từ 1994 -2004

Năm

Diện tích (100 tấn/ha)

Sản lượng (1000 tấn)

Miền Bắc

Miền Trung

Miền Nam

Tổng

Tiêu thụ nội địa

Xuất
khẩu

Tổng

1994

5,6

1,2

5,2

12,0

120,0

60,0

180,0

1995

7.5

1,1

6,4

15,0

130,0

80,0

210,0

1996

11,0

1,2

7.8

20,0

170,0

150,5

320,5

1997

12,5

1,3

8,3

22,0

170,0

168,0

338,0

1998

14,0

1,3

9,7

25,0

210,0

190,0

400,0

1999

13,0

1,2

10,8

25,0

230,0

150,0

380,0

2000

15,0

1.2

10,8

26,5

260,0

170,0

430,0

2001

16,3

1,4

9,7

27,0

250,0

187,0

437,0

2002

15,8

1,0

10,4

27,2

252,0

198,0

450,0

2003

16,0

1,3

10,5

27,8

250,0

190,0

440,0

2004

16,4

1,0

10,5

27,9

230,0

210,0

440,0

Nguồn: Báo cáo hàng năm của Tổng Công ty Rau quả Việt Nam

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Yêu cầu sinh thái

Nghiên cứu quan hệ của cây với điều kiện ngoại cảnh cũng chính là nghiên cứu đặc điểm sinh thái của cây là hết sức quan trọng. Bởi năng suất của cây dựa trên sự thống nhất của cây trồng, ngoại cảnh và phương thức canh tác. Mục đích nhằm thiết lập điều kiện ngoại cảnh tối ưu cho cây trồng nhằm đạt năng suất cao, chọn được các dòng, giống lai có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của ngoại cảnh và phát huy hết tác dụng trong điều kiện thuận lợi.


a. Ánh sáng
Dưa chuột thuộc nhóm cây ưa sáng ngày ngắn. Độ dài chiếu sáng thích hợp cho cây sinh trưởng và phát dục là 10-12 giờ/ngày. Nắng nhiều có tác dụng tới hiệu suất quang hợp, làm tăng năng suất, chất lượng quả, rút ngắn thời gian lớn của quả. Cường độ ánh sáng thích hợp cho dưa chuột trong phạm vi 5-17 klux.


b. Nhiệt độ
Dưa chuột thuộc nhóm cây ưa nhiệt rất mẫn cảm với sương giá. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng phát triển là 25-30°C ban ngày và 18-21°C về ban đêm. Ở 12°C cây sinh trưởng chậm, ở nhiệt độ thấp kéo dài (l50C) các giống sinh trưởng rất khó khăn, đốt ngắn, lá nhỏ, hoa đực màu nhạt, vàng úa. Ở 5°C hầu hết các giống dưa chuột có nguy cơ bị chết rét, khi nhiệt độ lên cao 40°C cây ngừng sinh trưởng, hoa cái khồng xuất hiện. Lá bị héo khi nhiệt độ lên trên 40°C.
Khi nhiệt độ dưới 15°C cây mất cân bằng giữa quá trình đồng hóa và dị hoá. Do nhiệt độ quá thấp phá vỡ quá trình trao đổi chất thông thường và một số quá trình sinh hóa bị ngừng trệ, toàn bộ chu trình sông bị đảo lộn dẫn đến cây tích luỹ độc tố. Nhiệt độ thấp kéo dài số lượng độc tố tăng lên làm chết các tế bào.


c. Độ ẩm đất và không khí
Cây dưa chuột có nguồn gốc nơi ẩm ướt ven rừng, do đất đai nơi nguyên sản màu mỡ nên bộ rễ kém phát triển hơn các cây khác (cây bí ngô, dưa hấu, dưa thơm). Dưa chuột là cây kém chịu hạn và chịu úng. Hai yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng: lượng mưa và độ ẩm cùng với nhiệt độ cao là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều cây trong họ bầu bí nhiễm bệnh ở lá và thân cành.
Thời kỳ thân lá sinh trưởng mạnh đến ra hoa cái đầu tiên cây cần độ ẩm đất 70-80%, thời kỳ ra quả rộ và quả phát triển yêu cầu độ ẩm đất lớn hơn 80-90%.

d. Đất
Có nguồn gốc ở vùng đất ẩm ven rừng nên cây đã thích nghi với điều kiện dinh dưỡng đầy đủ. Do có bộ rễ kém phát triển, sức hấp thụ của rễ lại yếu nên dưa chuột có yêu cầu nghiêm ngặt về đất hơn các cây trong họ. Đất trồng thích hợp là đất có thành phần cơ giới nhẹ như đất cát pha, đất thịt nhẹ, độ pH thích hợp là 5,5-6,5.


Về đầu trang

home

 

 

 

Kỹ thuật trồng

a. Thời vụ
Dưa chuột có thể trồng nhiều vụ trong năm tùy theo đặc điểm khí hậu từng vùng, nhưng nó được trồng tập trung chủ yếu ưong 2 vụ chính sau:
Vụ xuân - hè: Gieo hạt cuối tháng 2, thu hoạch từ trung tuần tháng 4 đến hết tháng 5.
Vụ thu - đông: Gieo hạt tháng 9-10, thu hoạch tháng 11-12. Riêng các tỉnh phía Nam, thời vụ rộng hơn, có thể gieo từ tháng 9 đến tháng 11, thu hoạch hết tháng 1.


b. Sản xuất cây con

Để tiết kiệm hạt giống, công chăm sóc cây giai đoạn đầu và tăng độ đồng đều cây, cần sản xuất cây con trong khay xốp hoặc khay nhựa có kích thước 60 x 45 cm với số lượng 60 hốc/khay nếu giữ cây con đến 2 lá thật hoặc 40- 45 hốc/khay nếu giữ cây con đến 3-4 lá thật.
Vật liệu làm bầu gồm 40% đất, 30% trấu hun hoặc mùn mục và 30% phân chuồng mục. Các thành phần trên được trộn đều, loại bỏ rơm, rác, vật rắn sau đó đổ đầy các hốc trên khay, ấn nhẹ rồi xếp khay trên giá cao cách mặt đất ít nhất 50 cm trong nhà lưới có che mái bằng vật liệu sáng (ni lông hoặc tấm nhựa trắng).
Hạt ngâm trong nước ấm 35-40°C trong thời gian 3 giờ, sau đó ủ ở nhiệt độ 27-30°C. Khi hạt nứt nanh thì đem gieo vào các hốc, mỗi hốc 2 hạt và tuổi đủ ẩm. Sau đó hàng ngày đều phải tưới giữ ẩm cho cây cho đến trước khi trồng 2-3 ngày thì ngừng tưới. Lượng hạt gieo cho mỗi hecta từ 0,7-1 kg.


c. Làm đất, lên luống
- Chọn đất cao, dễ thoát nước nhưng chủ động nguồn nước tưới. Đất thịt nhẹ hoặc cát pha có độ pH từ 5,5 đến 6,5
Trước đó 2 vụ không trồng các cây họ Bầu bí.
- Do bộ rễ dưa chuột yếu nên đất trồng cần cày bừa kỹ, nhỏ, tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1,2 m, cao 0,3 m, rãnh rộng 0,3 m.


d. Trồng cây
Sau khi loại bỏ những cây khác dạng, cây bị bệnh, chuyển khay ra đồng, nhác nhẹ bầu cây ra khỏi khay và rải đều theo lỗ đục trên mặt luống. Vùi kín bầu cây dưới đất và tưới thấm gốc.


e. Mật độ khoảng cách cây trồng
Trồng theo hàng với khoảng cách hàng cách hàng là 60-70 cm, cây cách cây (hốc cách hốc là 35-40 cm, mật độ 35.000-48.000 cây/ha).


 

Về đầu trang

home

 

 

 

Bón phân cho dưa chuột


Phân tích nồng độ các nguyên tố khoáng trong dung dịch dưa chuột cho thấy: N: 2500-3000 mg/kg dịch; P: 160-225 mg/kg dịch; K: 4500-6000 mg/kg dịch; Mg: 3000-4000 mg/kg dịch; Cl: 2000 mg/kg dịch chiết, số liệu trên phản ánh được nhu cầu dinh dưỡng với các loại phân bón. Nghiên cứu về hiệu quả sử dụng khoáng của dưa chuột thấy: dưa chuột sử dụng kali lớn nhất sau đó đến đạm và ít nhất là lân. Trạm Nghiên cứu Ucraina cho biết nếu phân bón 60 kg N: 60 kg K2O: 60 kg P2O5 thì dưa chuột sử dụng 92% N, 33% P2O5 và 100% K2O. Dưa chuột không chịu được nồng độ phân cao nhưng lại phản ứng rất rõ vổi hiện tượng thiếu dinh dưỡng. Phân hữu cơ đặc biệt phân chuồng làm tăng năng suất ruộng dưa chuột.
Kết luận của F. El - Aidy, S. A. Moustafa: tỷ lệ bón 1 N: 1 P2O5: 2 K2O có hiệu quả tốt nhất đến sinh trưởng và năng suất dưa chuột. Tuy nhiên sự chênh lệch về năng suất là không khác nhau ở mức ý nghĩa, cũng theo 2 nhà khoa học thì ngoài phân bón mật độ cũng ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất dưa chuột, ở mật độ 40 cm (cây X cây) năng suất đạt cao hơn ở mật độ khác. Tuy vậy cũng không có sự sai khác có ý nghĩa. Dưa chuột là cây lấy dinh dưỡng từ đất ít hơn rất nhiều so với cây rau khác. Ví dụ tăng năng suất dưa chuột lên 30 tấn/ha thì lượng N, P, K cây lấy đi từ đất là 170 kg/ha, trong khi đó nếu tăng bắp cải lên 70 tấn/ha thì nó phải lấy đi từ đất là 630 kg N, P, K.
Kali thích hợp cho ra hoa đực trong khi phân đạm có tác dụng ngược lại. Bên cạnh đạm, lân, kali các nguyên tố vi lượng như: Bo, kẽm, mangan, đồng, molipden có vai trò quan trọng, làm thay đổi tỷ lệ hoa đực hoa cái.
Sự thiếu hụt một vài yếu tố dinh dưỡng ở dưa chuột đã được nghiên cứu và rút ra kết luận như sau:


* Triệu chứng thiếu dinh dưỡng
Thể hiện bắt đầu từ phần lá già lan đến phần lá non:
Đạm: Cây bắt đầu có màu xanh nhạt, sinh trưởng chậm, lá già có màu trắng bột bắt đầu từ mép lá hướng vào trong.
Kali: Cây sinh trưởng chậm, lá xanh nhạt, bề mặt lá xuất hiện những đám màu xanh trắng xen kẽ nhau, mép lá xoăn lại, lá non mất diệp lục.
Magiê: Cây sinh trưởng chậm, lá nhỏ, rải rác những đốm lá chết trên phiến lá. Sau những đốm chết đó lan rộng ra và kết hợp với nhau làm lá khô, cuối cùng chết cả lá.


* Triệu chứng không ra lá non
Thiếu lưu huỳnh: lá cuối cùng có màu xanh nhạt,những lá dưới có màu xanh bình thường.
Thiếu lân: Cây sinh trưởng chậm, lá chuyển từ xanh đậm sang màu ghi lá khô và chết.
Thiếu canxi: Cây sinh trưởng bình thường, lá ít màu xanh (ít diệp lục), mép lá xoăn, khô cứng.
Thiếu bo: Cây sinh trưởng chậm đã được theo dõi ở cây 20 ngày. Lá trở nên dày, xanh đậm, đỉnh ngọn khô héo, những lá gốc chuyển màu nâu và xoăn mép lại.
Một số chất khoáng nếu bón dư cây sử dụng không hết có thể gây nhiễm độc cho đất và tồn dư trong cây gây hại cho đốì tượng sử dụng.


* Lượng phân bón cho 1 ha và cách bón:

Loại phân

Lượng nguyên chất (kg/ha)

Bón lót (%)

Bón thúc (%)

Lần 1

Lần 2

Lần 3

Phân đạm

100

30

15

25

30

Phân lân

90

100

-

-

-

Phân kali

100-120

50

10

20

20

Phân chuồng mục

25-30 tấn

100

-

-

-


Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân cùng 50% lượng phân kali và 30% đạm được bón vào rãnh, đảo đều và lấp đất. Sau đó, rắc 1 lớp thuốc xử lý đất lên mặt luống để phòng sâu hại cây con và tiến hành phủ ni lông. Nên sử dụng ni lông màu đen 2 mặt hoặc đen dưới bạc trên để phủ trên mặt luống, chèn kỹ đất rồi đục lỗ. Sử dụng dụng cụ chuyên dùng để đục lỗ với đường kính 10 cm.
Bón thúc: vào 3 thời kỳ kết hợp với tưới nước.
Lần 1: Cây 5-6 lá thật, bón 15% số đạm và 10% số kali vào gốc cây rồi tưới rãnh cho ngấm.
Lần 2: Sau khi thu lứa đầu, bón 25% đạm, 20% kali như lần 1, sau đó tưới rãnh hoặc tưới gôc.
Lần 3: 20 ngày trước khi kết thúc thu hoạch, hoà nước để tưới nốt số phân còn lại (30% đạm và 20% kali). Nếu vào thời điểm bón thúc gặp trời mưa liền nhiều ngày thì chuyển sang sử dụng phân bón lá theo hướng dẫn trên nhãn mác.


 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam