Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Giới thiệu chung

Yêu cầu sinh thái

Kỹ thuật trồng trọt

Bón phân cho su hào

(Nguồn TK: Kỹ thuật trồng rau sạch: Trồng rau ăn thân củ, rễ củ - PGS.TS. Tạ Thu Cúc, nxb Phụ Nữ, 2007)

 

Giới thiệu chung

Hệ thống phân loại của APG II (2003) thì:
Loài Su hào (Brassica oleracea nhóm Gongylodes) còn có tên khoa học đồng nghĩa khác là: Brassica napus L., Brassica napobrassica (L.) Mill. và Brassica oleracea var. caulorapa. Là một cây rau cùng họ Thập tự với các loài Cải (Brassicaceae = Cruciferae) có nguồn gốc ở châu Âu.



(Nguồn: http://sanvuonthongminh.com/http:/sanvuonthongminh.com/san-pham/hat-giong-su-hao/)


Su hào được tạo ra từ quá trình chọn lọc nhân tạo để lấy phần tăng trưởng của mô phân sinh ở thân, mà trong đời thường được gọi là củ. Nguồn gốc tự nhiên của nó là cải bắp dại được thuần hóa lâu đời ở châu Âu và vùng Địa Trung Hải.
Hiện nay su hào được trồng ở các lục địa trên vùng cận nhiệt đới và vùng ôn đới để làm nguồn rau và thực phẩm có giá trị với nhiều phân loài hay thứ (varieties).
Ở Việt Nam cây su hào được người Pháp du nhập từ châu Âu hoặc vùng Địa Trung Hải từ thế kỷ thứ 19 và được trồng ở các vùng cao có nhiệt độ thấp như Lâm Đồng, Đà Lạt và trồng được trong mùa đông ở vùng đồng bằng của một số tỉnh ở miền Bắc.
Su hào là loại rau ăn thân củ. Trong củ su hào có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như: đường, đạm; các khoáng chất: canxi (Ca), phốt pho (P), sắt (Fe) và nhiều loại vitamin: A, B1, B2, PP, đặc biệt là vitamin C.
Su hào là cây vụ đông quan trọng ở nhiều vùng trên miền Bắc nước ta và là cây tăng vụ trên đất hai vụ lúa. Trồng su hào rất đơn giản, chi phí sản xuất thấp, đồng thời vận chuyển và bảo quản thật đơn giản. Có thể dùng su hào để xào, luộc, nấu canh, làm dưa góp, muối nén và phơi khô dự trữ.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Yêu cầu sinh thái


a. Nhiệt độ
Cây su hào ưa thích khí hậu mát lạnh, có khả năng chịu rét, nhưng không chịu nhiệt độ cao. Nhiệt độ cao cùng với điều kiện khô hạn làm cho cây còi cọc, củ nhỏ, nhiều xơ, chất lượng giảm, năng suất thấp. Nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng là 15-20°C. Khi hình thành củ nếu gặp nhiệt độ 16- 180C thân củ sẽ lớn nhanh.


b. Ánh sáng
Su hào là cây dài ngày, yêu cầu thời gian chiếu sáng dài. Cường độ ánh sáng trung bình. Ánh sáng đầy đủ chẳng những thúc đẩy thân lá sinh trưởng tốt, thân củ lớn nhanh mà còn làm tăng hàm lượng dinh dưỡng, đặc biệt là lượng vitamin C.


c. Nước
Su hào là cây ưa ẩm, không chịu khô hạn, cũng không chịu ngập úng. Độ ẩm thích hợp cho su hào sinh trưởng trong phạm vi 70-80%. Nước thừa và thiếu đều không tốt. Thừa nước, thân lá non mểm, khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận và sâu bệnh hại không tốt, chất lượng và độ giòn đều giảm. Thiếu nước cây sinh trưởng còi cọc, thân củ nhỏ, nhiều xơ, năng suất và chất lượng giảm.
Đặc biệt độ ẩm thất thường (lúc khô, lúc ẩm) sẽ làm cho giống su hào có vỏ mỏng bị nứt. Như vậy giá bán ra sẽ bị giảm.


d. Đất và chất dinh dưỡng
- Đất
Cây su hào có khả năng sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy vậy loại đất nhẹ, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, độ pH vừa phải (trung tính), tưới tiêu thuận tiện thì phù hợp với cây su hào hơn cả. Đất trồng su hào phải xa khu công nghiệp, hầm mỏ, nghĩa địa, v.v...


- Chất dinh dưỡng
+ Đạm (N) là nguyên tố quan trọng giúp cho cây sinh trưởng tốt, đồng thời là nguyên tố có tính chất quyết định đối với khối lượng mỗi củ. Vì vậy cây su hào được cung cấp đầy đủ đạm sẽ cho năng suất cao. Thừa hoặc thiếu đạm đều không có lợi đối với su hào. Nếu thừa đạm cây sẽ sinh trưởng quá mạnh, thân lá non mểm, sâu bệnh hại sẽ phát triển mạnh. Nếu thiếu đạm cây sẽ sinh trưởng kém, năng suất và chất lượng giảm.
+ Kali (K) là nguyên tố cần thiết sau đạm. Kali làm tăng khả năng chống chịu của cây su hào đối với điều kiện bất thuận và sâu bệnh hại. Khi cây su hào được cung cấp kali đầy đủ, chất lượng củ sẽ tăng lên, thịt củ sẽ chắc và giòn hơn,
+ Lân (P) là nguyên tố giúp cho hệ rễ phát triển tốt đồng thời góp phần cải thiện chất lượng củ và hạt.


 

Về đầu trang

home

 

 

 

Kỹ thuật trồng trọt

a. Luân canh tăng vụ
- Cây su hào là thành viên trong họ thập tự, dễ bị nhiều loại sâu bệnh hại gây hại, đặc biệt là các loại sâu như: sâu xanh, sâu tồ, bọ nhảy, rệp...
- Thực hiện chế độ luân canh hợp lý sẽ ngăn ngừa có hiệu quả sự phá hại của sâu bệnh hại. Mặt khác luân canh, tăng vụ sẽ góp phần làm tăng sản lượng trên đơn vị diện tích.
- Cây su hào nên luân canh với cây trồng khác họ, tốt nhất là luân canh với lúa nước.


b. Thời vụ
Ở vùng núi các tỉnh phía Bắc thời vụ gieo trồng tập trung vào tháng 9, tháng 10. Thời vụ gieo trồng sớm hơn vào tháng 7, tháng 8. Có thể gieo trồng su hào trong vụ xuân. Thời vụ gieo trồng thích hợp vào tháng 1 - tháng 2 đầu tháng 3. Trong vụ này nên dùng giống trung và giống muộn.
Ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ có thể gieo trồng cây su hào vào các thời vụ sau:
• Vụ sớm:
+ Gieo tháng 7, trồng tháng 8 đầu tháng 9, thu hoạch tháng 10 - tháng 11.
+ Gieo tháng 8, trồng tháng 9, thu hoạch tháng 12 đầu tháng 1.
+ Gieo tháng 9, trồng tháng 10, thu hoạch tháng 1 - tháng 2.
+ Gieo tháng 11, trồng tháng 12 đến đầu tháng 1, thu hoạch tháng 3 - tháng 4 năm sau.
Ở vùng Bắc Trung bộ thời vụ chậm hơn 10-15 ngày so với đồng bằng Bắc bộ, ở vùng Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) thời vụ gieo trồng tập trung vào tháng 9 - tháng 10. Vụ muộn gieo trồng vào tháng 11 - tháng 12. Vụ xuân gieo trồng vào tháng 1 - tháng 2.


c. Kỹ thuật gieo trồng
* Kỹ thuật gieo ươm cây giống
Gieo ươm hạt ngoài ruộng: đất vườn ươm không được khô quá hoặc ướt quá, đất gieo phải nhỏ, tơi xốp, sạch cỏ dại. Mùa mưa, chiều rộng luống từ 0,7-0,8 m, luống cao 30-35 cm. Trong mùa khô, thời tiết thuận hòa làm luống rộng và thấp, mặt luống bằng phẳng, chiều rộng luông 1-1,1 m, luống cao 20-25 cm.
Khối lượng phân bón cho l m2 vườn ươm: 2,5-3 kg phân hữu cơ hoai mục; 25-30 g supe phốt phát (supe lân); 8-10 g phân kali clorua hoặc 150-200 g tro bếp. Trộn các loại phân bón kể trên với lớp đất mặt ở độ sâu 10-12 cm rồi san bằng.
Trung bình 1 m2 đất vườn ươm gieo từ 2,5-3 g hạt giống.
Sau khi gieo phủ một lớp đất mỏng kín hạt, sau đó rắc một lớp rơm rạ chặt ngắn 3-4 cm hoặc mùn rác, và phải kịp thời tưới nước giữ ẩm,trung bình tưới 1,5-2 lít nước sạch cho l m2 vườn ươm.
Bón thúc cho cây giống. Nếu cây giống kém phát triển, cây còi cọc thì có thể tưới thúc 1-2 lần vào thời kỳ 2-3 lá thật. Khoảng cách giữa 2 lần tưới thúc 4-5 ngày. Dùng phân đạm vô cơ như urê hòa loãng ở nồng độ 0,5% (5 g phân đạm hòa tan trong 1 lít nước sạch). Sau khi tưới thúc, dùng nước sạch để tưới rửa lá.


* Khoảng cách, mật độ
Xác định khoảng cách, mật độ hợp lý cho từng giống là biện pháp kỹ thuật có hiệu quả kinh tế cao. Là biện pháp kỹ thuật quan trọng, đơn giản, dễ làm, ít tốn công sức.
Tùy theo đặc tính của giống (giống sớm, giống trung và giống muộn) mà quyết định khoảng cách và mật độ.
. Đối với giống sớm (nhóm dọc tăm, dọc tiểu), khoảng cách 20x20 cm khoảng 2,5 vạn cây/1000 m2.
. Đối với giống trung (dọc nhỡ, dọc trung), khoảng cách 30x30cm, khoảng 1,1 vạn cây/1000 m2.
. Đối với giống muộn (dọc đại, su hào trâu, su hào bánh xe Trung Quốc), khoảng cách 40x40 cm, khoảng 6000 cây/1000 m2.


* Kỹ thuật trồng
Khi trồng, chọn ngày râm mát, gặp khi nắng nóng tốt nhất nên trồng cây vào buổi chiều muộn.
Dùng dầm (xén) hoặc que, đào lỗ giũa hốc. Đặt cây vào hôc, lấp đất vừa kín rễ (trồng nông). Nếu trồng sâu, khi thân củ phình to, vỏ củ tiếp xúc với đất sẽ tạo ra những vết bẩn làm giảm giá trị hàng hóa. Đối với loại bầu làm bằng nilông, khi trồng phải cắt một số lỗ.
- Trồng theo ô vuông hoặc nanh sâu.


* Chăm sóc
- Tưới nước:
Sau khi trồng, phải kịp thời tưới nước để cây không bị héo. Tưới bằng gáo sau khi trồng, tưới cách gốc 7-10 cm, tưới đẫm. Khi cây hồi xanh có thể tưới bằng thùng gương sen, tưới kiểu phun mưa. Nếu mặt ruộng bằng phẳng, nguồn nước thuận lợi thì tưới rãnh là tốt nhất. Đưa nước vào rãnh, ngập 1/2 độ cao luống, khi nước thấm đều thì tháo cạn. Nếu độ ẩm đất thay đổi đột ngột, từ khô chuyển sang ẩm ướt, thân củ dễ bị nứt. Đặc biệt là những giống vỏ mỏng. Phải dùng nước sạch để tưới.


- Xới vun:
Sau trồng 10-15 ngày, xới phá váng kết hợp vói diệt trừ cỏ dại. Xới khắp mặt luống, làm cho đất tơi xốp, thông thoáng. Sau trồng 25-30 ngày xới nông, hẹp và vun gốc.


 

Về đầu trang

home

 

 

 

Bón phân cho su hào


- Đặc điểm của cây su hào là thân củ phình to sớm, vì vậy cần bón thúc sớm để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.
- Nồng độ chất dinh dưỡng khoảng 1% (10 g phân đạm vô cơ, ví dụ như urê hòa tan trong 1 lít nước sạch).
- Khoảng cách giữa các lần bón thúc 4-5 ngày. Sau khi tưới thúc, dùng nước sạch để tưới rửa lá. Cũng có thể bón thúc ở dạng khô.
- Phân chia khối lượng phân bón cho diện tích gieo trồng. Đào lỗ cách gốc từ 7-10 cm, sâu 4-5 cm, bón đạm, lấp đất. Đưa nước vào rãnh, dùng gáo tưới nước để hòa tan phân đạm. Số lần bón thúc từ 7-8 lần. Trước khi thu hoạch 2-3 tuần ngừng tưới nước, bón phân thúc và căn cứ vào tính chất đất đai, độ màu mỡ (độ phì) của đất và chất lượng phân bón để xác định khối lượng phân bón cho diện tích trồng trọt.
- Khối lượng phân bón cho 1000 m2 đất trồng như sau:
+ Phân hữu cơ hoai mục: 1,5-2 tấn.
+ Phân đạm (urê): 17,4-26 kg.
+ Supe phôtphát (phân lân): 31 kg.
+ Phân kali (dạng KC1): 1,72-1,9 kg.
+ Nếu là phân kali (dạng sunphát): 2-2,2 kg.
Có thể thay thế những loại phân bón kể trên bằng những loại chế phẩm phân bón được phép lưu thông trên thị trường như: NPK tổng hợp, phân bón "Ba con cò", phân hữu cơ vi sinh, v.v...

Phương pháp bón:
Bón lót toàn bộ phân hữu cơ và phân lân cùng với 1/3 tổng lượng kali. Bón vào hốc hoặc rạch ở độ sâu 15-20 cm. Nhất thiết phải trộn đều phân bón với đất trước khi trồng.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam