Yêu cầu đất đai và thời vụ trồng ngô ở Việt Nam
- Tổng lượng phân bón cho ngô trên một số loại đất ở Việt Nam
- Lượng phân bón theo các thời kỳ sinh trưởng
Bón phân cho ngô
Cây ngô [ Zea mays. L] Gramineae (Ảnh-http://fcri.com.vn)
Cây ngô có nguồn gốc từ Trung Mỹ đặc biệt là Mehico và được phát hiện 7000 năm trước đây. Ở nước ta, hiện nay cây ngô ngày càng được chú ý phát triển, đặc biệt là ngô đông sau 2 vụ lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và ngô xuân hè, thu đông ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Các giống ngô trồng phổ biến hiện nay: Ngô thuần: VN2, VN6… và rất nhiều giống Ngô lai cho năng xuất cao: LVN10, LVN 4, LVN 99, VN 2, VN8960, LVN145, LVN 885, NK54, NK 4300…
Cây ngô là cây lương thực thích hợp loại khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới và nhiệt đới. Nhiệt độ thích hợp để ngô sinh trưởng và phát triển là 25-300C, dưới 130C cầy ngừng sinh trưởng và trên 350C cây sinh trưởng kém. Một cây ngô có thể bốc thoát từ 2 - 4 lít nước/ngày. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển 1 ha ngô bốc thoát khoảng 1800 tấn nước tương đương với lượng nước mưa khoảng 175 mm.
Cây ngô là loại cây hàng năm, thời gian sinh trưởng 90-160 ngày tùy vào mùa vụ và từng giống. Thích hợp với đất có thành phần cơ giới nhẹ, độ màu mỡ cao, dễ thoát nước, tầng canh tác dày, độ pH: 6-7. Có thể trồng quanh năm trong đều kiện có đủ nước tưới. Mật độ trồng thích hợp đối với giống ngắn ngày mật độ từ 60-70 ngàn/ha, giống trung ngày 55-60 ngàn cây/ha và giống dài ngày 50-55 ngàn cây/ha. Giống phổ biến là các giống có thời gian sinh trưởng ngắn 90-105 ngày (thích hợp vùng đồng bằng) trồng 2-3 vụ trong năm và các giống trung ngày 115-120 ngày thích hợp các vùng cao trồng trên đồi dốc 1 vụ/năm.
Yêu cầu đất đai và thời vụ trồng Ngô ở Việt Nam
Đất đai: Cây ngô thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, nó có thể trồng được trên đất feralit và feralit mùn trên núi cao như ở Quản Bạ, Hà Giang. Ngô sinh trưởng tốt và cho năng suất cao trên đất đen đá vôi (Cao nguyên Nà Sản, Mộc Châu, Sơn La), ngô cũng cho năng suất cao trên đất phát triển trên đá bazan ở Đắk Lắk. ở đồng bằng ngô có thể trồng được và cho năng suất cao trên phù sa sông, đất bạc màu, đất phèn sau 2 vụ lúa. Nhiều diện tích ngô được trồng trên đất bãi bồi ven sông.
Làm đất: Vệ sinh ruộng trồng ngô (Loại cây ký chỉ phụ, dọn sạch cỏ dại. Cày đất để vùi xác bã thực vật (Đất đỏ: cày sâu 20 cm, đất đen: cày vừa 15 cm, đất thấp: chọc lỗ tỉa hạt). Rạch hàng, bổ hốc (rạch hàng để dễ chăm sóc, tưới tiêu quản lý tốt mật độ, bổ hốc, áp dụng cho vùng dốc, khó làm đất.
Thời vụ trồng ngô: Ngô phân bố rộng trên phạm vi toàn quốc, tùy theo điều kiện khí hậu mà thời vụ gieo trồng ngô khác nhau ở các vùng song chủ yếu có 2 vụ chính: Đông xuân, xuân hè và thu đông.
Nhu cầu dinh dưỡng cho ngô
- Cây ngô hút nhiều đạm, ka li và lân. Lượng dinh dưỡng cây lấy đi tùy thuộc vào năng suất. Để tạo ra được 1 tấn hạt ngô lượng dinh dưỡng cây ngô lấy đi từ đất:
Ngô lai: 15,6 kg N, 2,9 kg P, 3,8 kg K, 0,4 kg Ca, 0,9 kg Mg và 1,3 kg S ở ruộng năng suất 4,5 tấn /ha.
Ngô thường: 16,0 kg N, 2,8 kg P, 4,0 kg K, 0,4 kg Ca, 0,8 kg Mg và 1,2 kg S ở mức năng suất 2 – 5 tấn/ha (Thomas Dierdf và cộng sự, 2001).
Sử dụng phân bón cho ngô
1. Tổng lượng phân bón cho ngô trên một số loại đất ở Việt Nam
Giống |
Đất phù sa ven sông |
Đất phù sa trong đê |
Đất bạc màu |
Ngô lai |
A. N150 P60 K60 |
A. N180 P75 K90 |
A. N150 P90 K120 |
B. N120 P45 K45 |
B. N150 P75 K90 |
B. N120 P90 K90 |
|
Ngô thường |
A. N100 P60 K60 |
A. N120 P60 K60 |
A. N120 P90 K900 |
B. N80 P45 K45 |
B. N100 P45 K45 |
B. N100 P75 K75 |
A: Lượng bón để đạt năng suất cao
B: Lượng bón để đạt năng suất kinh tế
Giống |
Năng suất |
Lượng phân bón |
Lai |
6-8 tấn/ha |
N150 P90 K90 |
Thuần |
4-5 tấn/ha |
N120 K60 P60 |
(Trên đất đồi miền núi, phân chuồng 8 – 10 tấn/ha)
2. Lượng phân bón theo các thời kì sinh trưởng
Bón lót: Phân chuồng 8 – 10 tấn/ha/vụ. Bón lót 100%. Lân: Bón lót toàn bộ (đối với ngô đông, bón lót 2/3 còn 1/3 hòa với nước giải tưới thúc cho ngô bầu, ngô gieo khi bị lạnh).
Thúc 1: Thời kỳ 3 – 4 lá thật (sau khi gieo từ 8 – 10 ngày. Bón 20% tổng số phân đạm, 20% lượng kali. Bón bằng cách: Bổ hố, rạch hành cách cây 5 cm, bón xong lấp đất và vun nhẹ. Chú ý: Đối với ngô bầu lượng bón này chia làm 2 lần tưới thúc.
Thúc lần 2: Cây ngô 7 – 8 lá (30 – 35 ngày). Bón 40% lượng đạm, 40% lượng kali. Cách bón: Rạch hàng cách hốc 10 cm, sâu 5 – 7 cm. Bón song vun gốc xới đất vun cao gốc.
Thúc 3: Trước khi trỗ 10 – 15 ngày (45 – 50ngày, giai đoạn ngô xoáy nõn). Bón 40% đạm, 40% kali. Đây là lần bón vun gốc cuối cùng.
Nếu có nhân lực có thể để 10% đạm và 10% kali để tưới thúc sau khi ngô phun râu.
Đối với ruộng ngô trồng trên đất ướt hoặc làm bầu, bón thúc với lượng đạm và kali trên. Riêng phân lân chia làm 2 lần để bón (lần 1 khi cây 5 - 6 lá bón khoảng 10 kg và lần 2 khi cây đạt 8 - 10 lá bón khoảng 5 kg/sào Bắc bộ) bằng cách hòa loãng phân với nước để tưới giúp tăng khả năng hấp thụ cho cây giai đoạn còn nhỏ.
Ngoài ra có thể phun các loại phân bón qua lá như: K-H, Đầu trâu, Komix… mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày vào các giai đoạn sinh trưởng của cây nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, nhất là các nguyên tố vi lượng giúp cây phát triển thuận lợi.
Lưu ý khi bón phân cho ngô
Bón phân đến đâu vun lấp ngay sau đó, tuyệt đối không để phân tiếp xúc với ánh sáng mặt trời làm giảm hiệu lực của phân bón.
- Trước khi trồng: Không để hạt giống, cây con (nếu làm bầu ngô) tiếp xúc trực tiếp với phân bón sẽ làm cho cây bị “xót hạt”, thối mầm, chậm sinh trưởng, thậm chí làm chết cây, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sau này.
- Sau khi trồng: Không bón trực tiếp vào gốc cây sẽ làm ảnh hưởng đển sự sinh trưởng của cây. Cụ thể:
+ Với giai đoạn cây còn nhỏ (dưới 7 lá): Nếu tiếp xúc trực tiếp với phân bón sẽ gây “xót rễ” (do cây còn nhỏ rất nhạy cảm với ảnh hưởng của phân bón) làm cho cây chậm lớn, làm kéo dài thời gian sinh trưởng.
+ Với giai đoạn sinh trưởng, phát triển mạnh (từ 8 - 10 lá trở đi) nếu bón phân gần gốc sẽ làm bộ rễ cây không được phân bố đều, rễ ăn nông làm giảm khả năng chống chịu sâu bệnh và ngoại cảnh, nhất là khả năng chống đổ của cây.
- Khi ngô đã ra bắp, trỗ cờ, thụ phấn thụ tinh: Không nên bón phân có chứa tỷ lệ đạm cao dẫn đến kéo dài thời gian sinh trưởng, kích thích cây ra nhiều bắp, đôi khi không có hạt (gọi là bắp kẹ) làm bắp chính bị ảnh hưởng, giảm năng suất.