Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Nguồn gốc

Đặc điểm sinh trưởng

Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh

Kỹ thuật trồng

Tài liệu tham khảo

 

Nguồn gốc xuất xứ


Cây hoa cẩm chướng có tên khoa học là Dianthus sp. thuộc họ Cẩm chướng. Có 2 loài chính là Cẩm chướng thơm Dianthus caryophyllus L. và Cẩm chướng gấm Dianthus senesis L.. Tên tiếng Anh của cây hoa cẩm chướng là Carnation, Pink.


Cây cẩm chướng có nguồn gốc ở Cận Đông, được con người trồng từ trước 2000 năm. Cây hoa cẩm chướng, tùy vào giống có nhiều màu sắc khác nhau: hồng, đỏ, tím, vàng da cam, đan xen giữa các màu, đặc biệt ở mép của cánh hoa có viền đăng ten màu. Ngoài ra, một đặc điểm quan trọng là hoa cẩm chướng có hương thơm kỳ diệu. Từ thời cổ đại Hy Lạp, cây hoa cẩm chướng được dùng để sức hương thơm và làm thuốc.. Hoa cẩm chướng cùng một số vật liệu được sử dụng để chữa da dầu, da nhờn và da thô. Hoa cẩm chướng được sử dụng trong lễ lên ngôi của vua. Hoa cẩm chướng được sử dụng rộng rãi và đỉnh cao vào thế kỷ 18->19. Hoàng đế Napoleon thì sử dụng hoa cẩm chướng gắn cùng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh. Ngày nay, ngoài sử việc sử dụng hoa trang trí, ở Pháp, phần lớn xà phòng thơm vẫn chứa chiết xuất của hoa cẩm chướng. Hương vị của hoa cẩm chướng được sử dụng vào rượu quí và đồ uống, trong siro, trong bánh mứt kẹo. Hoa cẩm chướng còn được sử dụng làm sa lát, sa lát hoa quả.


 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Đặc điểm sinh trưởng


Là cây thân thảo có nhiều đốt, tại các đốt phát triển thành cành, lá. Rễ của cây hoa là rễ chùm ăn ngang nổi, một số rễ phình ra thành "củ", đây là nơi dự trữ các chất dinh dưỡng, do vậy trong kỹ thuật làm đất cần tạo điều kiện đất được tơi xốp, vun cao để rễ phát triển ngang.
Cây hoa cẩm chướng ưa thích nhiệt độ ôn hòa, khoảng 20-240C. Nhiệt độ không khí quá cao vào mùa hè kèm theo mưa cây dễ bị thối rễ, thối cây, gặp nắng héo rũ cả loạt, nếu có hoa thì hoa bé, màu sắc hoa bị nhạt.
Cây hoa cẩm chướng có đặc điểm vừa sinh trưởng sinh dưỡng vừa sinh trưởng sinh thực, vừa ra hoa vừa phát triển cành lá, đặc điểm này liên quan đến chế độ bón phân.
Hạt cẩm chướng: hạt cẩm chướng nhỏ, nằm trong quả. Mỗi quả thường có từ 100- 600 hạt

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh


- Đất trồng: cẩm chướng ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, đất thoát khí, giữ ẩm tốt nhưng không ứ nước. pH thích hợp từ 6-7, độ ẩm 60-70%.
- Nhiệt độ: nhiệt độ thích hợp cho hoa cẩm chướng sinh trưởng và phát triển tốt là 180C – 250C. Nếu nhiệt độ vượt qua ngưỡng thích hợp này, cây sẽ sinh trưởng và phát triển kém, cho hoa với chất lượng kém, màu sắc không tươi, tuổi thọ trung bình giảm…
- Ánh sáng: ánh sáng thích hợp 1500-11000 lux, tối thích 2000-2500 lux. Trong quá trình phân hoá mầm hoa, nếu cường độ ánh sáng cao > 11000 lux, cây sẽ hoa sớm; nếu cường độ ánh sáng thấp < 1000 lux quá trình ra nụ, nở hoa muộn.
- Độ ẩm: độ ẩm thích hợp 60-70%, tối thích 70%. Độ ẩm tương đối của không khí và đất ảnh hưởng trực tiếp đến sự quang hợp và hô hấp của cây cẩm chướng. Nếu độ ẩm được ổn định sẽ tạo điều kiện cho cây hút dinh dưỡng và muối khoáng thuận lợi, cây sinh trưởng tốt, năng suất và phẩm chất hoa cao.
- Dinh dưỡng: Nếu thiếu dinh dưỡng cây sẽ còi cọc, hoa nhỏ và sâu bệnh hại dễ xâm nhập và phát triển. Nếu bón phân không cân đối, thừa dinh dưỡng đạm, cây phát triển vóng cao, dễ bị lốp đổ và khả năng chống chịu kém.



Về đầu trang

home

 

 

 

Kỹ thuật trồng

a. Chuẩn bị đất
- Đất trồng cẩm chướng phải tơi xốp, có độ thoáng cao, thoát nước, nhiều mùn. Không trồng 2 vụ cẩm chướng liên tục, phải luân canh 2-3 năm.
- Đất được cày sâu 40-50 m, tơi nhỏ, khử tuyến trùng bằng ethoprophos 10% (20-30 kg Mocap hạt/ ha), khử vi khuẩn bằng calcium hypochlorite (30 kg/ha).
- Lên luống cao, bề rộng luống 1,2 m, bề mặt luống bằng phẳng, tưới ẩm trước khi trồng cây.


b. Cây giống và trồng cây
Độ tuổi cây trong vườn 25-35 ngày, chiều cao cây: 3,5-7cm; đường kính cổ rễ: 1,5-2 mm; có 6-8 lá thật. Cây phải khỏe mạnh, không dị hình, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh hại.
Cây được trồng với mật độ 200.000 – 220.000 cây/ha;


c. Thời vụ trồng.
Ở miền Bắc thời vụ trồng thích hợp nhất là vào xung quanh vụ đông, nếu có điều kiện che mưa, nắng khi gieo cây con, dâm cành thì có thể gieo từ cuối tháng 7 dương lịch. ở Đà Lạt và các vùng núi cao như Tam Đảo, Sa pa thì có thể trồng quanh năm, tuy nhiên vào mùa mưa thì phải có mái che mưa. ở vùng Nam bộ hoặc Duyên hải Nam Trung bộ thì không thể trồng cẩm chướng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời mà phải dùng lưới che ánh sáng và che mưa vào mùa mưa.

d. Cách trồng
Việt Nam thường nhân giống cẩm chướng bằng dâm nhánh. Sử dụng hạt để làm cây mẹ, bẻ nhánh cây mẹ để nhân cây con đem trồng
Sau khi gieo hạt 25-30 ngày thì có thể nhổ cây con đem trồng. Sau trồng 2 tháng thì có thể cắt nhánh để dâm. Chỉ cắt nhánh bánh tẻ. Sau 20-25 ngày nhánh rễ đem trồng.
Cẩm chướng có thời gian từ trồng cây con (hoặc từ nhánh có rễ) đến bắt đầu nở hoa 45-60 ngày, tùy giống có thời gian sinh trưởng dài hay ngắn ngày. Vụ thu hoạch hoa có thể 3-4 tháng hoặc dài hơn tùy thuộc thời tiết, điều kiện vườn trồng (có mái che mưa, che ánh sáng . . .).


e. Phân bón và cách bón phân
Lượng phân cần bón: tính cho 1 ha
- Phân chuồng: 100 - 120 m3
- Vôi: 1000-1500 kg;
- Phân hữu cơ vi sinh: 300 kg;
- Magiê sunphat: 80-100 kg;
- Phân hoá học theo hàm lượng nguyên chất: 300 N - 200 P2O5 - 250 K2O.


Cách bón phân
Có thể sử dụng phân đơn hoặc phân phức hợp quy đổi tương đương theo hàm lượng nguyên chất như trên
* Nếu sử dụng phân đơn: cần 652 kg urê, 1375 kg supe lân, 417 kg kali clorua (đỏ).
- Bón lót: toàn bộ phân chuồng, vôi, phân vi sinh và magiê sunphat, lân supe lân 500 kg;
- Bón thúc : Bón theo định kỳ 20 ngày/lần: 36,2 kg urê + 48,6 kg supe lân + 23,2 kg kali clorua (đỏ).
* Nếu sử dụng phân NPK 20-20-15: cần 1000 kg NPK, 217 kg urê, 83 kg kali clorua (đỏ).
- Bón lót: toàn bộ phân chuồng, vôi, phân hữu cơ vi sinh và magiê sunphat, NPK 300 kg;
- Bón thúc : Bón theo định kỳ 20 ngày/lần: 39 kg NPK+ 12 kg urê + 4,6 kg kali clorua (đỏ).
- Cây hoa cẩm chướng cho thu hoạch kéo dài, cần bổ sung thêm vôi để cân bằng độ pH trong đất.
- Bổ sung thêm phân bón lá và vi lượng bằng cách phun Atonik, Miracle, Ba lá xanh, Tinh phân cá… theo định kỳ 15-20 ngày một lần (phun lúc chiều mát và tưới rửa lá vào sáng sớm hôm sau để hạn chế sự phát triển của nấm bệnh, tránh phun lên hoa).


g. Chăm sóc

• Tưới nước
- Cây mới trồng trong 10 ngày đầu cần tưới nước 2 lần / ngày vào sáng sớm và chiều mát để duy trì độ ẩm cho cây giúp cây bén rễ nhanh.
- Cây trồng sau 10 ngày, tưới nước tuỳ theo mùa trong năm, mùa nắng cần tưới 2-3 ngày/1 lần, mùa mưa 4-5 ngày/ 1 lần tùy theo nhu cầu của cây. Tưới nước vào buổi sáng để tránh ướt lá vào chiều tối, hạn chế sự phát triển của nấm bệnh. Sau khi cây đã bén rễ, nên tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt là tốt nhất. Trong những ngày nắng nóng, kết hợp tưới phun lên lá để làm mát cây.
Nước tưới phải đảm bảo sạch, phải được cách ly với nguồn rác thải và phải được xử lý trước khi dùng.


• Giăng lưới:
Cành hoa cẩm chướng khá cao và mầm yếu nên cần có lưới đỡ để tránh cây đổ ngã khi chăm sóc và thu hoạch. Dùng lưới bằng dây cước, dây dù hoặc dây kẽm với kích thước lỗ 20 cm x 20 cm giăng để nâng đỡ cây.


(Nguồn ảnh: http://tinnongnghiep.com/)


Khi cây cao khoảng 20 cm, tiến hành giăng lưới tầng đầu. Có thể dùng lưới bằng dây dù, cước, tuy nhiên đan lưới bằng kẽm cho hiệu quả cao nhất. Khi cây cao 30-40 cm, tiến hành giăng lưới ở tầng thứ 2 để giữ cho cành hoa không bị đổ ngã.

Bấm ngọn, tỉa chồi nách và nụ
- Bấm ngọn: Khi cây cao khoảng 20 cm, các nhánh bên đã phát triển, cần bấm bỏ ngọn đầu để các nhánh bên phát triển đồng đều, thu hoạch hoa hàng loạt.
- Tỉa bỏ chồi nách: thường xuyên tỉa bỏ chồi nách để cành hoa to khỏe. Tỉa bỏ cẩn thận để tránh tổn thương đến cây. Sau khi tỉa nhánh, phun thuốc phòng trừ nấm bệnh ngay.
- Tỉa nụ: đối với hoa đơn tỉa bỏ các nụ bên để nụ chính to khỏe. Đối với hoa kép, tỉa bỏ nụ chính để các hoa còn lại phát triển đồng đều. Tiến hành tỉa khi nụ chính to bằng hạt bắp. Tỉa nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến các nụ còn lại.


h. Phòng trừ sâu bệnh hại
- Sâu, nhện hại và biện pháp phòng trừ: các loại sâu thường gặp: Sâu đất (Agrotis spp.), nhóm sâu ăn lá (sâu xanh, sâu khoang), nhện hại (Tetranychus urticae), rầy mềm (Myzus persicea), bọ trĩ: (Frankliniella occidentalis).
- Bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ: bệnh thối thân (Fusarium graminearum), bệnh héo rũ Fusarium (Fusarium oxysporum), bệnh héo rũ do vi khuẩn Pseudomonas caryophylli, bệnh lỡ cổ rễ (Rhizoctonia solani), bệnh rỉ sắt (Uromyces dianthi), bệnh mốc xám (Botrytis cinerea).


i. Thu hoạch

Thời điểm thu hoạch thích hợp nhất đối với hoa cẩm chướng là lúc hoa hé nở 10-15%, thu hoạch vào sáng sớm (không quá 10 giờ sáng) hoặc chiều mát (từ 3 giờ chiều). Trong những ngày trời mát có thể thu hoạch hoa cúc bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Cắm hoa vào xô nước hoặc xô dung dịch xử lý ức chế sinh etylen ngay


Về đầu trang

home

 

 

 

Tài liệu tham khảo


- Viện Thổ nhưỡng Nông hóa,2005, Sổ tay phân bón, NXB Nông nghiệp Hà Nội.
- Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bài giảng phân bón.
- Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, 2012, Quy trình kỹ thuật trồng hoa cẩm chướng.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam