Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Nguồn gốc cây dứa

Đặc điểm sinh thái cây dứa

Thời vụ trồng

Khoảng cách và mật độ

Bón phân

 

Nguồn gốc cây dứa


Dứa tên khoa học là Ananas comosus, là một loại quả nhiệt đới. nguồn gốc ở Nam Mỹ (Brazil, Achentina, Paragoay). Hiện nay trên thế giới, cây dứa được trồng hầu hết các nước nhiệt đới và một số nước á nhiệt đới có mùa đông tương đối ẩm như đảo Hawai, Đài Loan. Dứa có thể trồng tới vĩ tuyến 380 bắc, trong đó các nước Châu Á chiếm trên 60% sản lượng dứa cả thế giới. Các nước trồng nhiều là Philippin, Thái Lan, Malaysia, Hawai, Brazil, Mêhicô, Cuba, Uc, Nam phi.
Dứa là một trong ba loại quả quí, phổ biến ở nước ta (cam, quýt, dứa, chuối). Dứa có hương thơm, vị chua ngọt. Hàm lượng đường chiếm 11-15%, axit 0,6%, gồm nhiều loại vitamin như C1, B1, B2, A chứa các chất khoáng (Ca, Mg, P) và các loại vi lượng cao (Fe, Cu, v.v...).
Ở nước ta, dứa trồng từ Bắc đến Nam, diện tích trồng cả nước hiện khoảng 40.000 ha với sản lượng khoảng 500.000 tấn trong đó 90% là phía Nam. Các tỉnh/thành trồng dứa nhiều ở miền Nam là Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Long An… miền Bắc có Thanh Hóa, Ninh Bình, Tuyên Giang, Phú Thọ….miền Trung có Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định,… Năng suất quả bình quân một năm ở các tỉnh phía Bắc khoảng 10 tấn, phía Nam 15 tấn/ha. Các giống dứa trồng ở Việt Nam:
- Dứa Cayen: Là giống dứa đang trồng phổ biến, trong đó có Cayen Chân Mộng (Cayen Phú Hộ), Cayen Đức Trọng, Cayen Đà Lạt, Cayen Trung Quốc, Cayen Thái.
- Dứa Queen (dứa Hoàng Hậu) trong đó có dứa Hoa Phú Hộ, dứa Na Hoa.
- Dứa Kiên Giang, dứa Bến Lức (Dứa Khóm).
- Dứa Spanish (dứa Tây Ban Nha, dứa Tây Ban Nha Đỏ).


 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Đặc điểm sinh thái cây dứa


a. Khí hậu
Dứa là cây ăn quả nhiệt đới, ưa nhiệt độ cao. Phạm vi nhiệt độ thích hợp từ 20 - 300C. Giống Cayen chịu lạnh kém hơn giống Queen và các giống địa phương. Ở nhiệt độ cao trên 32oC có thể làm cháy lá và vỏ quả, nhất là giống Cayen.
Về lượng mưa, cây dứa có thể trồng nơi lượng mưa thấp, 600-700 mm/năm với mùa khô dài nhiều tháng cho đến những vùng lượng mưa nhiều tới 3500-4000 mm/ năm. Quan trọng nhất là lượng mưa phân bố hàng tháng, khoảng 80-100 mm được coi là đầy đủ, không cần tưới thêm
Về ánh sáng, cây dứa yêu cầu ánh sáng nhiều nhưng thích ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ. Thiếu ánh sáng cây mọc yếu, quả nhỏ. Ngược lại nếu ánh sáng quá mạnh kèm theo nhiêt độ cao lá sẽ bị vàng hoặc đỏ, lúc này cần che mát cho dứa. Cây dứa tuy không phải là cây ngày ngắn nhưng người ta thấy rằng giống Cayen nếu thời gian bóng tối kéo dài và nhiệt độ giảm thấp sẽ ra hoa sớm hơn.
Từ những yêu cầu trên, điều kiện khí hậu nước ta từ Bắc đến Nam đều thích hợp với cây dứa. Tuy vậy tùy theo đặc điểm từng thời gian ở từng vùng cần có biện pháp để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, đạt năng suất và chất lượng cao.


b. Đất
Cây dứa có bộ rễ tương đối yếu và ăn nông nên muốn có năng suất cao đất cần có tầng mặt xốp, nhiều mùn và chất dinh dưỡng, đồng thời thoát nước tốt trong mùa mưa. Đất nhiều sét, thoát nước chậm, cây dứa sinh trưởng kém và dễ bị bệnh. Thoát nước và tơi xốp là 2 yêu cầu quan trọng nhất đối với đất trồng dứa.
Về độ pH, cây dứa nói chung thích hợp với đất chua, độ pH từ 4,5 đến 5,5, kể cả trên đất phèn có pH bằng hoặc dưới 4 dứa vẫn sống tốt. các giống dứa tây nhóm Hoàng hậu (Queen), giống Tây Ban Nha (Spanish) chịu chua khá hơn giống Cayen.
Ở nước ta, dứa trồng trên nhiều loại đất như đất đỏ bazan, đất đỏ vàng, phù sa cổ, đất bạc màu ở phía Bắc, đất xám ở miền Đông Nam bộ và đất phèn ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, nếu không được bón phân đầy đủ, nhất là phân hữu cơ, năng suất quả sẽ không cao.


c.Yêu cầu chất dinh dưỡng
Dứa là cây yêu cầu rất nhiều chất dinh dượng do lượng sinh khối lớn. Theo tính toán, trung bình trên 1 hecta trồng trọt, dứa lấy đi từ đất 86 kg N (trong đó thân lá 74 kg, quả 12 kg), 28 kg P2O5 (thân lá 23 kg, quả 5 kg) và 437 kg K2O (thân lá 402 kg, quả 35 kg), cùng với các nguyên tố trung và vi lượng. Cây dứa ít có nhu cầu với canxi. Yêu cầu với lân cũng không lớn. Riêng với kali cây dứa yêu cầu nhiều nhưng nếu bón nhiều kali lại thưuờng dẫn đến bị thiếu magiê cũng là một chất dinh dưỡng cần thiết.
Trong thời gian đầu sau khi trồng khoảng 5-6 tháng nhu cầu dinh dưỡng không lớn, chỉ khoảng 10% tổng số chất dinh dưỡng cây cần trong suốt chu kỳ sống. Sau khi cây đã mọc tốt, nhu cầu chất dinh dưỡng tăng rất nhanh, đặc biệt là kali (gấp 4-5 lần so với đạm).
Ngoài ra, cây dứa cũng cần một số nguyên tố vi lượng khác như kẽm, sắt, mangan, đồng…. Nhưng các biểu hiện bị thiếu thường không rõ ràng.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Thời vụ trồng


Thời vụ trồng dứa thích hợp ở mỗi vùng phụ thuộc và điều kiện khí hậu có liên quan đến chất lượng chồi giống và thời gian ra hoa.
Ở miền Bắc có 2 thời vụ trồng chủ yếu là vụ xuân (tháng 3-4) và vụ thu (tháng 8-9). Trồng vụ xuân cây sinh trưởng gặp thời tiết ấm áp, có mưa, thuận lợi cho việc tích lũy dinh dưỡng để ra hoa sớm và cho quả to. Trồng vụ này nên trồng những chồi già và lớn, cuối năm có thể ra hoa thuận lợi. Nếu trồng chồi non và nhỏ, cây cũng ra hoa nhưng không đều và quả nhỏ. Trồng vụ thu thời gian đầu thuận lợi cho sinh trưởng, nhưng sau đó gặp mùa đông lạnh cây tạm ngừng sinh trưởng, một số chồi già có thể ra hoa nhưng quả nhỏ. Vì vậy trồng vụ này nên trồng chồi non để năm sau ra hoa tốt hơn. Trồng vụ thu có thuận lợi là số lượng chồi giống thường nhiều hơn vụ xuân.
Ở miền Nam nên trồng vào đầu mùa mưa, từ tháng 4-6, đến cuối năm cây lớn gặp thời tiết tương đối khô và lạnh, ngày ngắm, cây ra hoa thuận lợi và thu hoạch quả vào tháng 5-6 năm sau.
Riêng ở miền Trung nên trồng vào 2 thời gian là tháng 4-5 vào tháng 10-11. Trong các tháng 6-8 do ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng nên cây sinh trưởng chậm, cần phải chăm bón kỹ hơn.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Khoảng cách và mật độ


Để dễ đi lại chăm sóc và thu hoạch, dứa thường được trồng theo hàng kép, tức là trồng thành từng băng 2 hàng một. Khoảng cách giữa các băng khoảng 80 cm, giữa 2 hàng trên băng là 40 cm, trên hàng cây cách nhau 30 cm, với cách trồng và khoảng cách này, mật độ khoảng 55.000 cây/ha. Để tăng mật độ trên 60.000 cây/ha, trên một băng có thể trồng 3 hàng, khoảng cách giữa các hàng cũng là 40 cm. tuy vậy do có 3 hàng nên việc làm cỏ khó khăn hơn và quả ở hàng giữa thường nhỏ hơn 2 hàng bên.
Ở đồng bằng sông Cửu Long trồng theo từng líp nên thường không chia thành băng mà trồng khoảng cách cây đều nhau, khoảng 50-60 cm, mật độ 20.000-30.000 cây/ha.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Bón phân


a. Bón lót

Bón phân lót cho dứa khi trồng vụ đầu hoặc sau mỗi vụ thu hoạch là rất cần thiết, có tính chất quyết định đến sự sinh trưởng và năng suất cây. Phân dùng bón lót chủ yếu là phân hữu cơ (phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, phân rác, phân xanh, phân lân và vôi). Lượng phân hữu cơ bón là từ 10-15 tấn/ha. Lượng lân nguyên chất ở dạng supe vì không nên bón vôi nhiều quá vì cây dứa cần đất hơi chua, không ưa lượng canxi cao, lân nguyên chất (P2O5) là 30-50 kg (tương đương 200-350 kg supe lân). Lượng vôi khoảng 100-200 kg/ha tùy độ chua đất. Sau vài ba năm vườn dứa phải phá đi trồng lại, có thể băm nát thân lá trộn với đất cũng rất tốt.


b. Bón thúc
Chủ yếu bằng hỗn hợp đạm và kali với liều lượng cho 1 cây là 5-8 g N + 10-15 g K2O (tương đương khoảng 10-20 g urê + 20-30 g clorua kali). Chia bón 3 lần:
Ngoài ra có thể bón phân một lần sau khi hoa nở xong để nuôi quả, lần này chỉ nên dùng phân kali và bổ sung thêm một số vi lượng, nhất là bo (dạng axit boric hoặc borat). Nếu đã dùng phân lân dạng tecmophốt phát (Lân nung chảy Văn Điển) thì không cần bón thêm magiê, nhưng nếu dùng supe lân (Lân Lân Thao) thì nên bón thêm magiê với liều lượng khoảng 3 g/cây ở dạng đôlômit.
Các kết quả thí nghiệm của trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Phú Hộ (Phú Thọ) rút ra kết luận là với giống Queen để có năng suất và chất lượng cao nên bón NPK với tỉ lệ 2:1:3, tương đương 10:5:15 g/cây. Trong thực tế sản xuất nếu không có khả năng đầu tư nhiều có thể bón NPK với liều lượng 8:4:8 g/cây cũng có kết quả tốt. Đối với giống Cayen lượng bón cần nhiều hơn, nên ở mức 10 g N + 5 g P2O +10 g K2O cho 1 cây. Mức N tối thiểu không dưới 8 g/cây (tương đương 17 g urê).


Cách bón:
Xới nông 2 bên hàng kép cách gốc 15-20 cm, rải phân rồi lắp đất lại. Có thể dùng thìa có cán dài xúc phân đổ vào nách lá già sát gốc. Rải phân xong nên tưới nước ngay. Ngoài ra hàng năm nên phun phân bón lá một số lần để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây, nhất là các chất vi lượng.


(Nguồn: Trung tâm Dữ liệu thự vật Việt Nam http://www.botanyvn.com/cnt.asp?param=news&newsid=177).


Một số cách bón phân khác:
- Dứa được trồng theo kép đôi, mật độ đạt 5-6 vạn chồi. Một số điều cần chú ý trong việc sử dụng phân bón.
- Phân bón lót cần bón trước khi trồng ít nhất 3-4 ngày.
- Không bón đạm khi dứa đã có quả.
- Nếu đất chua cần xử lý trước khi trồng, pHKCl 4,5 bón 1-2 tấn vôi bột cho 1 ha.
- Nên dùng các loại phân có hứa magiê để ngăn ngừa bệnh thối nõn như phân lân nung chảy (FMP).


a) Bón lót: Dùng phân hữu cơ (10-20 tấn/ha) và lân (50% số lân cả vụ). Có thể bón vãi hoặc bón theo rạch hàng đường cày trước khi trồng 3-4 ngày. Nếu cần bón vôi thì vôi cần bón trước để tránh làm mất đạm của phân hữu cơ. Nếu dùng phân lân kiềm tính như phân lân nung chảy (FMP) thì không cần bón vôi hoặc giảm 50% lượng vôi cần bón.


b) Bón thúc: Dùng các loại phân vô cơ và phân phun lá.
• Tỉ lệ NPK và liều lượng bón :
+ Tỉ lệ N:P2O5:K2O thường dùng 2:1:3.
+ Liều lượng bón
Phân đạm N kg/ha: tương ứng với 550-660 kg urê.
Phân lân: 125-150 kg P2O5/ha, tương ứng 800-950 kg phân lân nung chảy hay supe lân.
Phân kali: 750-900 kg K2O/ha, tương ứng với 1250-1500 kg KCl/ha.
Thời kỳ và tỉ lệ bón các loại phân trong 1 vụ (bảng 18).


Bảng 18. Thời kỳ và tỉ lệ bón

Thời kỳ

bón

% tổng lượng bón trong vụ

Phân hữu cơ

Phân đạm

Phân lân

Phân kali

Lót
Sau trồng 2-3 tháng
Sau trồng 5-6 tháng
Trước xử lý ra hoa 2 tháng

100
0
0
0

0
40
30
30

50
50
0
0

0
40
30
30

 

Ngoài dùng phân bón gốc (bón qua rễ), đối với dứa nên dùng phân bón lá phun hàng tháng và dừng trước lúc dứa ra hoa (12-14 tháng tuổi). Chọn các dung dịch chứa nồng độ Mg cao hoặc dùng dung dịch MgSO4 với nồng độ khoảng 40-50 g/10 lít nước.


(Nguồn: Sổ tay phân bón – Viện Thổ nhưỡng Nông hóa).


- Theo tính toán, để có được năng suất 80 tấn quả/ha đã lấy đi từ đất: 646 kg N, 367 kg P2O5, 1.570 kg K2O, 190 kg CaO, 225 kg MgO, 4.026 kg SiO2, 2,24 kg Fe, 1,8 kg Zn, 0,5 kg B.
Để thâm canh dứa hiệu quả cao và ít sâu bệnh hại, bên cạnh việc đảm bảo chất hữu cơ như cây phân xanh, lá bẹ dứa… tùy theo độ phì nhiêu của đất mà chăm bón bằng phân bón NPK Văn Điển với loại và lượng như sau:
Bón lót: Sử dụng loại phân đa yếu tố NPK 6.12.5 chuyên bón lót cho dứa (N=6%, P2O5=12%, K2O=5%, S=2%, MgO=8%, CaO=16%, SiO2=15%) ngoài ra có các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co...
Bón thúc: Sử dụng phân đa yếu tố NPK 15.5.20 chuyên dùng bón thúc (N=15%, P2O5=5%, K2O=20%, S=2%, MgO=5%, CaO=8%, SiO2=7%) ngoài ra có các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co...
Bón phân cho cây dứa nên bón nông, bón trực tiếp xung quanh gốc và chia làm nhiều lần bón vì bộ rễ của cây dứa ăn nông và hẹp. Có thể bón phân theo rãnh hoặc gốc.
Bón rãnh: Thời kỳ cây còn nhỏ, cày rạch hai bên hàng dứa, bón phân vào các đường rạch xong lấp đất lại kết hợp với vun hàng cho dứa. Bón gốc: Giữa khoảng cách 2 hàng dứa trong hàng kép, bón phân vào gốc rồi lấp đất vun và tỉa gốc. Bón lót: Bón lót trước khi trồng đối với vụ đầu tiên, bón lót ngay sau khi thu hoạch quả đối với các vụ sau. Khi làm đất, bón 1.000 - 1.200 kg lân Văn Điển và 10- 20 tấn phân chuồng hoai mục hoặc phân rác hữu cơ. Trước khi trồng 3- 4 ngày kẻ rạch rồi bón phân NPK 6.12.5 hoặc phân đa yếu tố NPK 5:10:3 dạng viên với lượng khoảng 600- 800 kg/1ha, lấp đất rồi trồng cây.
Đặc biệt, cần chia ra làm nhiều đợt bón thúc, cụ thể:
Đợt 1: Sau trồng khoảng 3 tháng, bón thúc giai đoạn này giúp cây non hồi xanh nhanh, chuẩn bị bước vào giai đoạn sinh trưởng mạnh. Bón phân NPK 15.5.20 lượng khoảng 400- 500 kg/ha.
Đợt 2: Sau trồng khoảng 6 tháng, cây dứa bắt đầu sinh trưởng mạnh cả về thân, lá, rễ. Bón thúc giai đoạn này làm tăng tốc độ ra lá cũng như làm xoè rộng tán. Bón phân NPK 15.5.20 lượng khoảng 400- 600 kg/ha.
Đợt 3: Sau trồng khoảng 9- 10 tháng (trước khi xử lý ra hoa 2 tháng), dứa cần dinh dưỡng để phân hóa hoa tự, tạo tiền đề cho cây ra hoa kết quả tốt, quả phát triển nhanh. Tùy mức độ sinh trưởng của cây dứa mà bón phân NPK 15.5.20 khoảng 900 - 1.200 kg/ha.
Để đạt được năng suất tối đa có thể bón thêm một đợt thúc vào thời điểm sau khi hoa nở xong, kết hợp với tỉa chồi hoặc hạn chế chồi ngọn phát triển. Bón thúc để nuôi quả cần dùng phân kali và có thể bổ sung thêm một số nguyên tố vi lượng, nhất là B.
Một điểm đáng chú ý nữa là, các lần bón phân phải kẻ rạch cách gốc 20- 35 cm, bón phân xuống dưới rồi lấp đất kín phân, kết hợp với tủ gốc giữ ẩm. (Nguồn: Nguyễn Tiến Chinh - https://www.tienphong.vn/kinh-te/bon-phan-hieu-qua-cho-cay-dua-1067529.tpo)


- Đối với dứa Cayen quy trình bón phân như sau:
Bón lót:
- Đối với đất có hàm lượng mùn thấp dưới 1%, cần bón lót 2 - 3 tấn phân hữu cơ vi sinh/ha.
- Bón lót tiến hành sau khi làm đất hoàn thiện và ngay trước khi trồng.
Tỷ lệ và liều lượng bón :
- Liều lượng phân N, P, K nguyên chất tính cho một cây trong suốt một vụ quả (18 - 20 tháng tuổi) là: 8 g N + 4 g P2O5 + 12g K2O.
- Sử dụng phối hợp với phân bón lá KOMIC hoặc một số loại phân bón lá khác có chất lượng tương tự.


Bón thúc:
- Toàn bộ lượng phân được chia đều cho 4 lần bón:
+ Lần 1: 2 tháng sau khi trồng, bón 1/2 lượng phân lân, 1/4 lượng đạm và 1/4 lượng kali.
+ Lần 2: 4 - 5 tháng sau khi trồng, bón 1/2 lượng phân lân, bón 1/4 lượng đạm và 1/4 lượng kali.
+ Lần 3: 6 - 7 tháng sau trồng, bón 1/2 lượng đạm và 1/4 lượng kali.
+ Lần 4: bón trước khi cây xử lý ít nhất 2 tháng với toàn bộ lượng kali còn lại.
- Có thể chia nhỏ lượng phân tổng số để bón 5 hoặc 6 lần để cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, nhưng lần cuối không được quá muộn, phải kết thúc ít nhất 2 tháng trước khi xử lý.
- Sử dụng phân bón lá KOMIC hoặc các loại phân bón lá tương tự phun cho cây kết hợp với các lần bón phân.

Cách bón:
- Đối với bón lót, rải đều lượng phân trên bề mặt luống trước khi vét luống trồng.
- Chỉ bón thúc vào những ngày có nhiệt độ 200C trở lên.
- Đối với bón thúc, hòa 7 - 10 kg hỗn hợp các loại phân bón/ 1 thùng nước 100 - 120 lít, tiến hành bơm nước tưới cùng phân bón cung cấp cho cây. Sau khi tưới hết phân bón/1 lần bón cho 1 lô bón, tiến hành bơm tiếp nước tưới không có phân bón 7 - 10 phút để rửa sạch toàn bộ hệ thống tưới.

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam