Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Nguồn gốc cây điều

Đặc điểm thực vật học và sinh thái học cây điều

Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong cây và ngưỡng dinh dưỡng

Thời vụ và khoảng cách trồng

Tình hình phát triển cây điều trên thế giới và Việt Nam

Bón phân cho cây điều

 

Nguồn gốc cây điều


Cây điều có tên: Anacardium occidentale L. Thuộc họ: Anacardiaceae, bộ: Rutales. Ngoài ra, điều còn được gọi bằng những tên khác như: đào lộn hột, giả như thụ và macađơ. Người miền Trung gọi cây điều là đào lộn hột vì họ cho rằng trái điều (thực chất là cuống trái phình to) giống với trái đào và có hạt (hột) nằm ngoài (thực ra hạt ở đây lại là trái điều) nên gọi là đào lộn hột. Và cách gọi này cũng hàm ý là để phân biệt quả điều và quả đào khi nói.
Cây điều có nguồn gốc từ Nam Mỹ, chủ yếu tập trung ở vùng khô hạn thuộc Đông Bắc Braxin. Hơn 400 năm trước đây cây điều được người Bồ Đồ Nha mang đến trồng tại Ấn Độ với mục đích là phủ xanh đất trống đồi núi trọc và làm đai phòng hộ cho các cây trồng khác và làng mạc.
Hiện tại còn rất nhiều giả thiết về sự di giống của cây điều vào nước ta, có người cho rằng các giáo sĩ truyền giáo châu Âu đã mang hạt điều vào nước ta trồng thử. Cũng có giả thuyết cho là các ông chủ người Pháp khi sang Việt Nam thành lập các đồn điền cà phê và cao su đã mang hạt điều từ Ấn Độ sang trồng ở nhiều vùng của nước ta. Như vậy, dù được di giống vào nước ta bằng cách nào đi chăng nữa thì cây điều cũng có mặt trên đất nước ta cũng đã hơn 100 năm và đang trở thành một loại cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao. Và người ta thấy rằng cây điều có thể sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất khi được trồng từ phía Nam đèo Hải Vân vào tới các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, qua khảo sát của nhiều nhà khoa học thì tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên - Huế cây điều vẫn có khả năng sinh trưởng, phát triển và cho năng suất như các vùng khác khi được thâm canh chăm sóc tốt (Nguồn: Sổ tay phân bón- Viện Thổ nhưỡng Nông hóa).


 

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Đặc điểm thực vật học và sinh thái học của cây điều


1. Đặc điểm thực vật học
Cây điều là cây thân mộc thuộc vùng nhiệt đới, có tán lá xanh gần như quanh năm, cây có thể sống đến 30-40 năm.
Cũng giống như bao loài cây thân mộc khác, hệ rễ của cây điều bao gồm rễ cọc và hệ thống rễ ngang. Rễ cọc có thể đâm sâu tới 7-8 mét hoặc hơn. Còn rễ ngang cũng phát triển rất mạnh, có thể lan rộng đến 3 mét kể từ thân chính và phân bố chủ yếu ở tầng đất từ 0 đến 1 mét.
Thân cây điều có thể cao đến 12 mét khi trưởng thành, từ thân cây phát triển ra rất nhiều cành ngang. Tán cây thường có hình tròn với bán kính có thể đạt tới 6 mét ở những nơi đất tốt và được trồng với khoảng cách thưa.



Điều là cây có lá đơn, nguyên, mọc so le, mặt lá nhẵn, có hình thuổng hay hình quả trứng, đuôi lá hơi tròn, khi trưởng thành lá có chiều dài từ 10-12 cm.

Cây điều nở hoa vào mùa khô, hoa điều rất nhỏ, mọc thành chùm có từ vài chục cho đến hơn 100 hoa trong một chùm tùy giống điều. Trong mỗi chùm hoa có cả hoa đực và hoa cái, số lượng hoa đực rất nhiều chiếm từ 70 - 100% tổng số hoa trong chùm, trong khi đó hoa lưỡng tính chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Hoa đực chỉ có toàn nhị đực nên không có khả năng phát triển thành quả điều. Hoa lưỡng tính và hoa cái mới có khả năng phát triển thành hạt điều.
Quả điều (hạt điều) mọc từng quả riêng rẽ hay thành từng chùm nhỏ, và hình dạng rất giống quả thận. Kích thước và khối lượng của hạt điều ở nước ta có chiều dài trung bình 2,7 cm, chiều rộng 2,0 cm và chiều dày 1,5 cm.


(Nguồn: Sổ tay phân bón- Viện Thổ nhưỡng Nông hóa).


2. Yêu cầu sinh thái của cây điều


Điều là cây tương đối dể tính, có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau của vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại cây trồng khác, điều cũng có những đòi hỏi cụ thể về điều kiện đất đai và khí hậu.
Cây điều có thể sinh trưởng khi được trồng ở trong phạm vi có vĩ độ từ 25o Bắc xuống 24o Nam. Nhưng trong phạm vi từ 15o Bắc xuống 14o Nam, ở độ cao dưới 700 mét so với mực nước biển thì cây điều mới sinh trưởng, phát triển bình thường và cho năng suất cao. Điều chịu hạn tốt và thích hợp với các vùng có hai mùa mưa nắng rõ rệt, mùa mưa kéo dài 6-7 tháng với lượng mưa biến động từ 1.000 đến 2.000 mm, mùa khô trùng khớp với mùa ra hoa kết trái của điều là tốt nhất.
Cây điều không chịu được điều kiện sương giá. Nhiệt độ tối thích cho điều sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao ở 20 oC đến 27oC.
Đất trồng điều phải có tầng dày trên 70 cm, thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt, độ sâu của mạch nước ngầm phải hơn 2 mét. Điều không đòi hỏi khắt khe về độ phì đất và thích ứng đối với đất có phản ứng chua (pH từ 4,5 - 6,5) (Nguồn: Sổ tay phân bón- Viện Thổ nhưỡng Nông hóa).


Theo Trần Công Khanh và cộng sự ẩm độ tương đối ít ảnh hưởng đế sự sinh trưởng và phát triển của cây điều, tuy nhiên ẩm độ tương đối cao trong thời kỳ ra hoa có thể làm cho bệnh thán thư và bọ xít muỗi gia tăng trong khi đó ẩm độ tương đối thấp kết hợp với gió nóng sẽ gây khô bông và rụng quả non.
Đất trồng điều thích hợp nhất là các loại đất giàu chất hữu cơ, pH từ 6,3 – 7,3 và thoát nước tốt. Cây điều không thích hợp với các loại đất ngập úng, nhiễm phèn, mặn, hay đất có tầng canh tác mỏng (Nguồn: Trần Công Khanh và cộng sự - Cây điều Việt Nam hiện trạng và giải pháp phát triển).

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong cây và ngưỡng dinh dưỡng


Kết quả nghiên cứu của Calton và đồng nghiệp về dinh dưỡng của cây điều ở Kenya cho thấy hàm lượng các chất dinh dưỡng đa lượng (N, P, K) trong lá có mối tương quan thuận với năng suất điều. Trong khi đó, mối tương quan giữa năng suất điều với hàm lượng các chất dinh dưỡng trung lượng (Ca, Mg và S) thì không thể hiện rõ. Điều rất mẫn cảm với sự thiếu hụt yếu tố dinh dưỡng vi lượng sắt (Fe) và kẽm (Zn), nhưng khi thừa 2 yếu tố này lại ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của điều.
Bảng 1 và 2 trình bày hàm lượng các chất dinh dưỡng đa-trung-vi lượng trong lá của những cây điều tốt, năng suất cao, ổn định và những cây điều xấu, năng suất thấp được trồng ở Kenya.


Bảng 1: Hàm lượng các chất dinh dưỡng đa- trung lượng trong lá điều ở Kenya*

Cây điều

% chất khô

N

P

K

Mg

Ca

S

Tốt

1,98

0,21

1,69

0,20

0,09

0,15

Xấu

1,52

0,10

0,97

0,17

0,16

0,14


Bảng 2: Hàm lượng các chất dinh dưỡng vi lượng trong lá điều ở Kenya*

Cây điều

ppm chất khô

Fe

Mn

Cu

B

Tốt

45

95

16

9

Xấu

95

260

66

10

 

* Nguồn: Calton và ctv, 1961. (được dẫn bởi Mưandal, R.C.)

Bảng 3: Dinh dưỡng trong lá non và lá trưởng thành của cây điều ở Malaysia

Yếu tố (%)

Tuổi lá

Cao nhất

Thấp nhất

Trung bình

N

Non

1,99

0,89

1,44

Trưởng thành

1,55

1,05

1,32

P

Non

0,40

0,32

0,36

Trưởng thành

0,31

0,23

0,27

K

Non

1,23

0,92

1,08

Trưởng thành

0,77

0,65

0,71

Nguồn: Othmưan, Y. và ctv, 1979.


Khi phân tích thành phần dinh dưỡng trong lá non và lá trưởng thành của cây điều trưởng thành được bón phân đầy đủ, Othmưan, Y. và ctv (1979) đã đi đến kết luận: Hàm lượng N, P và K trong lá non biến động mạnh hơn trong lá trưởng thành. Trong lá non, hàm lượng các yếu tố này cũng cao hơn lá trưởng thành (bảng 3).
Harishkumar, P. và Nagabushanam, S. (1982) nghiên cứu mối quan hệ giữa các phương pháp bón phân khác nhau cho điều ở giai đoạn kinh doanh với hàm lượng các chất dinh dưỡng đa lượng trong lá điều đã chỉ ra rằng: trong thời kỳ đang mang quả, dù áp dụng các phương pháp bón phân khác nhau nhưng vẫn đảm bảo đủ về lượng, tốt về chất thì tình trạng dinh dưỡng của cây điều cũng rất tốt. Thể hiện rõ ở hàm lượng N, P, K trong lá sau khi thu hoạch cao hơn thành phần này trong lá trước khi ra hoa đậu quả (bảng 4).


Bảng 4: Hàm lượng các chất dinh dưỡng đa lượng trong lá điều ở Ấn Độ

Thời điểm lấy mẫu

% chất khô

N

P

K

Trước mang quả

1,41

0,09

0,63

Sau khi thu hoạch

1,49

0,12

0,79

Nguồn: Harishukumar và ctv, 1982.


Qua nhiều năm phân tích thành phần dinh dưỡng trong lá vào thời kỳ đang mang quả, ở 3 loại vườn điều (1) vườn sinh trưởng phát triển tốt, năng suất hơn 1.500 kg/ha, (2) vườn trung bình, năng suất từ 1.000-1.500 kg/ha, và (3) vườn xấu, năng suất nhỏ hơn 1.000 kg/ha, được trồng trên đất đỏ bazan và đất xám ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã thu được kết quả trình bày ở bảng 5 dưới đây.


Bảng 5: Hàm lượng trung bình của một số yếu tố đa lượng trong lá điều

Tình trạng
vườn điều

% chất khô

Trên đất xám

Trên đất đỏ

N

P

K

N

P

K

Tốt

1,52

0,23

0,81

1,58

0,26

0,83

Trung bình

1,37

0,15

0,68

1,40

0,16

0,71

Xấu

1,08

0,10

0,57

1,10

0,12

0,58

(Nguồn: Sổ tay phân bón – Viện Thổ nhưỡng Nông hóa)


Một số kết quả nghiên cứu ở nước ngoài về dinh dưỡng cho cây điều cho thấy: hàm
lượng N, P2O5, K2O hấp thụ trong một cây điều 30 năm tuổi là (2,58 kg N + 0,76 kg P2O5+ 1,26 kg K2O) trong đó quả và hạt hấp thụ (1,13 kg N + 0,35 kg P2O5 + 0,46 kg K2O) (Mohapatra và cộng sự, 1973).
Hàm lượng N, P, K qua phân tích lá cây điều ở Ấn Độ là: trước khi ra quả (1,41% N, 0,09% P, 0,63% K) và sau khi ra quả (1,49% N, 0,12% P, 0,79% K) (Harshu Kumar và cộng sự, 1982).
Những kết quả nghiên cứu ở các nước trồng điều nổi tiếng ( Ấn Độ, Brazil, Tanzania...) đều khẳng định cây điều phản ứng rất tốt với phân bón, đặc biệt với đạm và lân. Trong khi với kali, các kết quả không rõ và chưa có các nghiên cứu sâu. Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về cây điều ở Karnataka (Ấn Độ) đã xác định công thức phân bón cho cây điều tối thiểu hàng năm 500 N - 120 P2O5 - 120 K2O g/cây/năm, lượng phân được chia đều cho hai lần bón lần một vào đầu mùa mưa và lần hai vào cuối mùa mưa lúc đất có độ ẩm thích hợp nhất.
Theo Mathew Thomas (1982), trong năm thứ nhất cần bón một lượng 84 N-42 P2O5 - 42 K2O g/cây/năm và tăng gấp đôi trong năm thứ hai, cây trưởng thành bón một lượng 250 N - 125 P2O5 - 125 K2O g/cây/năm, những cây cho năng suất nhiều hơn có thể tăng tới 500 g N/cây.
Theo Package of Practices for cashew ICAR 1982, bón phân cụ thể cho cây điều như sau: năm thứ nhất 100 N - 80 P2O5, năm thứ hai 200 N - 120 P2O5 - 120 K2O, năm thứ ba 400 N - 120 P2O5 - 120 K2O, năm thứ tư trở đi 500 N - 120 P2O5 - 120 K2O g/cây/năm, một năm chia làm hai lần bón. Lần bón một vào tháng 5, 6 và lần bón hai vào tháng 9, 10.
Liều lượng phân khoáng được khuyến cáo sử dụng cho cây điều ở Ấn Độ
(g/cây/năm): năm thứ nhất 170 N - 40 P2O5 - 40 K2O, năm thứ hai 350 N - 80 P2O5 -
80 K2O, năm thứ ba và năm thứ bốn trở đi 500 N - 125 P2O5 - 125 K2O, từ 15 - 20 năm 750 N - 250 P2O5 - 250 K2O.
Những kết quả nghiên cứu trong nước đã đưa ra khuyến cáo liều lượng N + P2O5
+ K2O bón cho cây điều(gr/gốc/năm): năm thứ nhất (60+20+20), năm thứ hai
(125+30+40), năm thứ ba (200+40+60), từ năm thứ tư trở đi (250+50+75) (Hoàng Chương, Cao Vĩnh Hải, 1998 và Đường Hồng Dật, 1999).
Phân bón cho cây điều KTCB và cây điều kinh doanh gr (N, P2O5, K2O) năm thứ nhất (100-150, 100-150, 60-80), năm thứ hai (200-250, 200-250, 100-150), năm thứ ba (300-350, 300-350, 150-200), từ năm thứ tư trở đi (500-1200, 250-600, 250-600) (Nguyễn Xuân Trường & cộng sự, 2000).
Các kết quả nghiên cứu trên đây đã đóng góp tích cực cho chương trình phát triển cây điều ở Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên những khuyến cáo về liều lượng phân bón còn mang tính đại trà, chưa gắn với từng vùng sinh thái vốn có những đặc thù khác nhau về điều kiện đất đai, giống và những tiến bộ mới trong kỹ thuật canh tác.


Bảng: Một số đặc điểm hóa học của 2 nhóm đất trồng điều chính ở miền Nam (Tầng 0–40 cm)

Chỉ tiêu

Đơn vị

Đất xám

Đất đỏ

pH (H2O)

 

4,4-5,3

4,06-4,74

OM

(%)

1,63-1,85

1,92- 2,03

N

(%)

0,11-0,21

0,08-0,17

P2O5 tổng số

(%)

0,02- 0,07

0,09-0,19

K2O tổng số

(%)

0,02-0,05

0,05-0,09

P2O5 dễ tiêu

ppm

30,0-42,0

25,0-45,0

K2O dễ tiêu

ppm

23,0-55,0

78,0- 158,0

 

Nguồn: Kết quả phân tích của đề tài “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật bón phân cân đối cho cây điều trên đất đỏ và đất xám vùng Đông Nam bộ- Phòng NC Khoa học đất, 2005”

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Thời vụ và khoảng cách trồng


1. Thời vụ trồng điều
Điều có thể trồng bằng hạt, bằng cành chiết, hay ghép trên cây con trong vườn ươm, thời vụ trồng điều tùy thuộc vào từng vùng sinh thái khác nhau. Tuy nhiên, cần trồng điều sau khi mùa mưa bắt đầu được khoảng một tháng, lúc này độ ẩm đất tương đối cao đã bảo đảm cho cây con có thể sống được. Mặt khác, trong suốt mùa mưa, cây điều đã sinh trưởng, phát triển tốt để có thể tồn tại được trong mùa khô kéo dài.
Với các tỉnh Duyên hải miền Trung, mùa mưa thường bắt đầu vào tháng 8 hay 9, vì vậy cây điều cũng nên trồng vào thời điểm này. Với vùng đất dốc thoát nước tốt thì không cần chú ý đến biện pháp thoát nước cho cây con, nhưng cần áp dụng các biện pháp chống xói mòn để bảo vệ đất.
Với các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ thì thời vụ trồng điều có thể từ tháng 6, khi mùa mưa bắt đầu được 1 tháng, cho đến cuối tháng 7 là tốt nhất. Cần chú ý, thoát nước cho điều ở những vùng bị úng ngập ngắn hạn và cần áp dụng các biện pháp chống xói mòn bảo vệ đất ở những vùng đất dốc.
Cần tủ gốc giữ ấm cho đất trong mùa khô bằng rơm rạ, cỏ, rác, ... (có phủ đất chống cháy). Trong năm đầu tiên nếu có điều kiện nên tưới nước để bảo đảm tỉ lệ sống cao.


2. Khoảng cách trồng
Theo Hoàng Chương và Cao Vĩnh Hải (1998) nơi đất xấu, nên trồng khoảng cách 8 m x 8 m (156 cây/ha) và trên đất tốt trồng thưa với khoảng cách 10 m x 10 m (100 cây/ha).
Trương Hồng (2004) đề nghị mật độ trồng điều là 205 cây/ha với khoảng cách 7 m x 7 m hoặc 6 m x 8 m. Với đất xấu và dốc cao có thể trồng dầy hơn, 6 m x 6 m và nên thiết kế trồng theo đường đồng mức hay nanh sấu.
Khảo sát về mật độ trồng điều ở nhiều vùng của nước ta cho thấy: tại một số nơi điều được trồng với khoảng cách 3,5 m x 3,5 m hay 3 m x 4 m nhằm mục đích khai thác tối đa sức sản xuất của đất và thu được năng suất cao trên một đơn vị diện tích ngay từ những năm đầu cho trái. Sau đó tỉa thưa thích hợp với từng giai đoạn phát triển của cây, sao cho khi cây định hình bảo đảm mật độ vườn điều ổn định ở mức 200 đến 210 cây/ha.
Có nhiều vườn điều lại được thiết kế hoàn chỉnh ngay từ ban đầu, dựa vào độ phì và địa hình đất mà có thiết kế khác nhau: đối với những vùng đất xấu, đất có độ dốc lớn thì điều được trồng với mật độ từ 270 đến 280 cây/ha. Có thể trồng theo kiểu ô vuông (6 m x 6 m), hay ô hình chữ nhật ( 5 m x 7 m), hay kiểu nanh sấu. Còn đối với đất tốt có độ dốc nhỏ thì có thể trồng với mật độ thưa hơn từ 200 đến 210 cây, trồng theo ô vuông (7 m x 7 m), ô hình chữ nhật (6 m x 8 m). Tuy nhiên, cần nắm rõ đặc điểm sinh học và yêu cầu sinh thái học của từng giống, dòng điều, đồng thời kết hợp với trình độ thâm canh chăm sóc của người sản xuất mà có thể điều chỉnh mật độ trồng cho thích hợp.
Với các mật độ trồng như trên, khi cây còn chưa khép tán thì cần tận dụng các khoảng đất trống giữa hai hàng điều để trồng các loại cây ngắn ngày khác như các loại đậu đỗ, cây phân xanh... nhằm vừa che phủ bề mặt đất hạn chế xói mòn vừa có thêm thu nhập. Vào mùa khô, tất cả tàn dư của cây trồng xen này nên được dùng để tủ gốc cho điều nhằm duy trì độ ẩm đất cho cây điều trong giai đoạn này. Đồng thời, lượng tàn dư thực vật này cũng là nguồn hữu cơ quan trọng để cải tạo đất trong vườn cây.

Về đầu trang

home

 

 

 

Tình hình phát triển cây điều trên thế giới và Việt Nam


1. Tình hình phát triển cây điều trên thế giới
Như đã nói, cây điều có nguồn gốc từ Nam Mỹ và lần đầu tiên, vào thế kỷ 16 được người Bồ Đồ Nha mang sang trồng ở Ấn Độ và sau đó là Môzămbic. Từ hai quốc gia này, cây điều đã được di giống đến nhiều nơi trên thế giới. Và ngày nay, cây điều được trồng ở nhiều quốc gia của vùng Nam Mỹ, Đông Phi, Đông Nam Á, Ấn Độ, và úc. Điều được trồng rất ít ở Mỹ, chủ yếu ở phía Nam bang Florida và ở Hawaii.
Nhìn chung, cây điều được phân bố chủ yếu trong vành đai nhiệt đới và được trồng với mục đích thương mại là chính.
Theo số liệu của FAO, năm 1980 chỉ có 19 nước trồng điều nhưng đến năm 2003 đã có hơn 30 nước thuộc vùng nhiệt đới có diện tích điều đã cho thu hoạch. Trong vòng 20 năm trở lại đây, sản lượng hạt điều thô thu hoạch trên thế giới tăng nhanh, năm 1990 toàn thế giới có 1.721.090 ha điều đang ở giai đoạn cho thu hoạch với sản lượng thu được là 731.178 tấn hạt điều thô thì đến năm 2003 đã có hơn 3 triệu ha điều sản xuất hơn 2 triệu tấn hạt điều thô. Trong những năm cuối của thế kỷ 20, những nước có diện tích điều đang ở giai đoạn cho thu hoạch lớn nhất trên thế giới là Ấn Độ (686.000 ha), Bra-xin (651.000 ha), Nigêria (291.000 ha) và Inđônêxia (260.000 ha).
Có hơn 60 quốc gia và lãnh thổ trong năm 2002 đã nhập khẩu hơn 400.000 tấn hạt điều đã qua tinh chế, với giá trị đạt đến hàng trăm triệu đô la Mỹ (FAO, 5/2004). Các nước nhập khẩu nhân hạt điều nhiều nhất là Mỹ, các nước thuộc EU, Ôx-trây-lia, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu khác, Trung Quốc,....
Theo số liệu của FAO, diện tích điều cho thu hoạch năm 2004 của 20 nước có diện tích điều lớn nhất vào khoảng 3,1 triệu ha so với 2,1 triệu ha trong năm 1993 (bảng 2 và hình 1). Trong đó, năm nước có diện tích điều đang thu hoạch lớn nhất là Ấn Độ (730 ngàn ha, 23,8%), Brazil (691 ngàn ha, 22,5%), Nigeria (324 ngàn ha, 10,6%), Việt Nam (282 ngàn ha, 9,2%) và Indonesia (260 ngàn ha, 8,5%).
Trong vòng 10 năm qua, sản lượng điều thế giới tăng gấp hơn 2 lần, đạt gần 2 triệu tấn. Trong đó, hai nước có sản lượng lớn nhất là Ấn Độ và Việt Nam.


 

Theo số liệu của FAO, năng suất điều trên thế giới khá thấp. Hầu hết các nước trồng điều đạt dưới 1 tấn/ha. Điều này cũng phản ảnh thực tế là cây điều vốn chưa được coi là cây trồng có tiềm năng kinh tế cao và được thâm canh. Nhiều nước vẫn trồng điều phân tán với mục đích phủ xanh đất trống đồi trọc, có nghĩa là đóng vai trò như cây lâm nghiệp là chính.


(Nguồn: Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp Hồ sơ ngành hàng hạt điều)

2. Tình hình phát triển cây điều ở Việt Nam
Điều là cây công nghiệp quan trọng ở nước ta. Diện tích điều năm 2011 khoảng 362,6 ngàn ha, diện tích thu hoạch là 340,3 ha với tổng sản lượng 289,9 ngàn tấn hạt tươi (Niên giám thống kê 2012). Kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2011 của Việt Nam ước đạt trên 1,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay (Vinacas, 2012), trong đó có khoảng 50% sản lượng xuất khẩu và nguồn điều thô nhập nội từ các nước châu Phi, Lào và Campuchia. Năng suất điều bình quân của nước ta từ 1,07 tấn/ha (năm 2007) nay đã giảm xuống 0,91 tấn/ha.
Ở nước ta cây điều được trồng từ Quảng Trị trở vào các tỉnh phía Nam có thể chia ra ba vùng trồng điều chính với điều kiện sinh thái và sản xuất tương đối khác nhau:

- Vùng Ðông Nam bộ được coi có điều kiện sinh thái và sản xuất ổn định và phù hợp nhất với cây điều.

- Vùng Tây Nguyên thường có nhiệt độ thấp vào thời kỳ cây điều ra hoa đậu quả,
hay bị hạn hán.

- Vùng Duyên hải Nam Trung bộ thường có mưa rét vào thời kỳ ra hoa đậu quả, hạn hán bất thường và đất xấu.
Mặc dù hiện nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nhân điều đứng đầu trên thế giới tuy nhiên chất lượng hạt điều nước ta vẫn chưa cao. Kích cỡ hạt nhỏ, bình quân 200 hạt/kg do đó tốn công chế biến và nhân thu được nhỏ, có giá thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhân thu hồi thấp, cần 4,0-4,2 kg hạt nguyên liệu cho 1 kg nhân. Hạt không đồng đều về kích cỡ và hình dạng nên khó áp dụng cơ giới hóa vào quá trình chế biến hạt điều trong khi nhu cầu lao động cao là một nhược điểm lớn của việc phát triển sản xuất chế biến điều hiện nay. Trong tập đoàn các dòng điều có triển vọng đã được chọn lọc trong thời gian qua có một số giống có chất lượng hạt vượt trội tỷ lệ nhân thu hồi cao 30-33% và kích cỡ hạt lớn 120-140 hạt/kg (Đỗ Trung Bình và ctv, 2011). Đây là nguồn vật liệu di truyền quan trọng làm cơ sở cho việc nghiên cứu nâng cao chất lượng hạt điều (Nguồn: Trần Công Khanh và cộng sự - Cây điều Việt Nam hiện trạng và giải pháp phát triển).
Năm 2016, tổng diện tích của cả nước là 287,5 nghìn ha, (không kể diện tích 48 nghìn ha điều của Bình Phước trồng trong đất lâm nghiệp), diện tích thu hoạch 279,2 nghìn ha, năng suất 10,8 tạ/ha, sản lượng 301,5 nghìn tấn. Diện tích giảm 2,9 nghìn ha, năng suất giảm 1,8 tạ/ha (do ảnh hưởng của hạn hán đầu năm 2016), sản lượng giảm 50,6 nghìn tấn (không kể diện tích 48 nghìn ha điều của Bình Phước trồng trong đất lâm nghiệp) so với 2015.


(Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 216 – Cục Trồng trọt)

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Bón phân cho cây điều


Trong những năm gần đây, có nhiều giống, dòng điều lai năng suất cao đang được trồng ở nước ta, các giống này thường là không chịu rợp và phản ứng mạnh với các loại phân bón. Không những đối với giống, dòng điều nói trên, mà cả những giống đã tồn tại lâu năm ở địa phương cũng đòi hỏi được cung cấp đầy đủ N, P, K, Ca, Mg và S để đáp ứng đủ cho các hoạt động sống của cây. Ngoài ra, cây điều đặc biệt mẫn cảm với sự thiếu hụt kẽm (Zn) và sắt (Fe) khi được trồng trên những chân đất có phản ứng kiềm.
Việc nghiên cứu liều lượng phân bón cho cây điều đã được thực hiện và áp dụng trong sản xuất ở nhiều nước trên thế giới. Trung tâm Nghiên cứu Điều ở Karnataka (Ấn Độ) đã xác định được công thức bón phân hàng năm cho điều ở các độ tuổi khác nhau như trình bày trong bảng. Lượng phân này được chia đều bón làm 2 lần: Lần 1 vào đầu mùa mưa, lần 2 vào cuối mùa mưa lúc độ ẩm đất còn cao. Ngoài ra khi trồng cần bón lót 6 tấn phân chuồng cho 1 ha điều.


Bảng: Lượng phân bón cho điều ở Ấn Độ

Bảng: Lượng phân bón cho điều ở Ấn Độ

Tuổi cây

g/cây/năm

N

P2O5

K2O

Năm 1

170

40

40

Năm 2

350

80

80

Năm 3 đến 14

500

125

125

Năm 15 đến 20

750

250

250

  Nguồn: R.C. Mưandal, 1988.

 

Tại Việt Nam, trong những năm qua, có nhiều công trình nghiên cứu về liều lượng phân bón cho điều đã xác định được liều lượng và thời điểm bón phân cho điều như trong bảng, lượng phân này được chia đều bón vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa.


Bảng: Lượng phân và thời điểm bón phân cho cây điều ở Việt Nam (g/cây/năm)

Tuổi cây

Lượng phân bón

Thời điểm bón phân

N

P2O5

K2O

Năm 1

60

20

20

Lần1: đầu mùa mưa; lần 2: cuối mùa mưa

Năm 2

125

30

40

Lần1: đầu mùa mưa; lần 2: cuối mùa mưa

Năm 3

200

40

60

Lần1: đầu mùa mưa; lần 2: cuối mùa mưa

Năm 4 trở đi

250

50

75

Lần1: đầu mùa mưa; lần 2: cuối mùa mưa

Nguồn: Hoàng Chương và Cao Vĩnh Hải, 1998; Đường Hồng Dật, 1999.


Tuy nhiên, vào năm 2000, Hội đồng Khoa học Kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành qui trình bón phân chung cho điều (được dẫn bởi Trương Hồng, 2004). Theo qui trình này thì lượng phân bón cho cây điều gần gấp đôi so với lượng phân trong bảng “Lượng phân và thời điểm bón phân cho cây điều ở Việt Nam”.
Cây điều ở giai đoạn kiến thiết cơ bản được thể hiện ở bảng sau:


Bảng: Liều lượng và số đợt bón phân cho điều ở giai đoạn KTCB

Tuổi cây

Số đợt bón
phân/năm

Lượng phân bón (g/cây/đợt)

N

P2O5

K2O

Năm 1

4 - 5

9

3

3

Năm 2

3

90

30

30

Nguồn: Trương Hồng, 2004.

Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, chia đều phân và bón làm 3-5 lần vào các tháng 6, 7, 8, 9, 10. Khi bón nên rạch rãnh theo vành tán cây, bón phân và lấp đất lại.
Cây điều ở giai đoạn kinh doanh được thể hiện ở bảng sau:


Bảng: Liều lượng và số đợt bón phân cho điều ở giai đoạn KD

Tuổi cây

Đợt bón

Lượng phân bón (g/cây/đợt)

N

P2O5

K2O

Năm 3

Thứ nhất

300

100

100

Thứ hai

200

130

130

Năm 4 - 7

Lượng phân cần bón = Lượng phân năm thứ 3  +  20 đến 30%

lượng phân năm thứ 3 (hoặc tùy năng suất mà có điều chỉnh)

Năm 8 trở đi

Dựa trên lượng phân bón năm 3 và có điều chỉnh lượng phân

cho phù hợp với sinh trưởng và năng suất của cây điều

Nguồn: Trương Hồng, 2004.


Đối với cây điều ở giai đoạn KD, bón 2 đợt, đợt 1 vào tháng 5 hoặc 6; đợt 2 vào tháng 8 hoặc 9. Khi bón nên rạch rãnh quanh gốc theo mép tán (cách gốc khoảng 1,5 mét), bón phân vào và lấp đất.
Từ kết quả nghiên cứu và điều tra trên diện rộng về canh tác và phân bón cho điều, đã đề xuất lượng phân bón cho điều trồng trên đất xám và đất bazan ở các tỉnh ven biển miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ như sau:


Bảng: Lượng phân bón cho điều trồng trên đất xám và bazan

Tuổi cây

Số đợt bón
phân/năm

Lượng phân bón (g/cây/năm)

N (urê)

P2O5 (lân nung chảy)

K2O (KCl)

Đất xám

1 tuổi

4

20 (44)

10 (67)

10 (17)

2 tuổi

3

100 (217)

60 (400)

60 (100)

3 tuổi

3

150 (326)

60 (400)

80 (133)

4 tuổi

2

250 (543)

140 (933)

160 (266)

Các năm sau

2

460 (1000)

200 (1333)

220 (367)

Đất đỏ bazan Tây Nguyên

1 tuổi

4

20 (44)

10 (67)

10 (17)

2 tuổi

3

90 (195)

50 (333)

50 (83)

3 tuổi

3

100 (217)

60 (400)

80 (133)

4 tuổi

2

200 (434)

120 (800)

140 (233)

Các năm sau

2

400 (870)

200 (1333)

220 (367)

 

Ghi chú: Số liệu ngoài ngoặc đơn là lượng phân nguyên chất N, P2O5 và K2O. Số liệu trong ngoặc là lượng phân tính theo thương phẩm: urê, lân nung chảy, KCl.


Nguồn: Trạm Nghiên Cứu Đất Tây Nguyên, 2003.


Cách bón: Chia đều lượng phân và bón vào đầu, giữa và cuối mùa mưa theo số lần của từng tuổi cây. Khi bón nên rạch rãnh theo mép tán, bón phân và lấp đất.


(Nguồn: Sổ tay phân bón – Viện Thổ nhưỡng Nông hóa)


Một số cách bón phân khác cho cây điều:


- Giai đoạn kiến thiết cơ bản (từ trồng mới đến 3 năm tuổi)
Giai đoạn kiến thiết cơ bản của vườn điều ghép thường kéo dài từ 2-3 năm kể từ khi trồng tùy theo điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu và chế độ chăm sóc. Ở giai đoạn này cây cần được cung cấp đầy đủ về các yếu tố dinh duỡng cần thiết để gia tăng cành lá, sinh trưởng tốt làm cơ sở cho năng suất cao và phẩm chất hạt tốt ở giai đoạn kinh doanh. Phân bón cần chia làm nhiều đợt bón (3-4 đợt/năm), đặc biệt với cây trồng trên đất có thành phần cơ giới nhẹ như đất xám, cần chia làm nhiều lần bón để tăng hiệu suất sử dụng phân bón.


Phân hữu cơ

Để duy trì và cải thiện độ phì nhiêu của đất và giúp cho cây điều sinh trưởng, phát triển tốt và thì hàng năm cần bón bổ sung phân hữu cơ. Tùy theo nguồn phân hữu cơ có sẵn tại địa phương có thể sử dụng phân chuồng hoai (trâu, bò, gà, phế phụ phẩm nông nghiệp) hoặc phân hữu cơ chế biến (hữu cơ khoáng, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh) với lượng bón cụ thể như sau:
Liều lượng phân hữu cơ khuyến cáo bón cho cây điều ở giai đoạn kiến thiết cơ bản từ 3- 6 kg phân chuồng hoặc 1- 2 kg phân hữu cơ chế biến/gốc/năm (tương đương từ 0,6- 1,2 tấn phân chuồng hoặc 0,2- 0,4 tấn phân hữu cơ chế biến/ha (200 cây/năm). Tuy nhiên sau mỗi năm, tùy theo tình trạng sinh trưởng, phát triển của cây và mục tiêu năng suất mà tăng thêm lượng bón phân hữu cơ từ 10-15% so với năm trước
Số lần và thời kỳ bón: Bón lót trước khi trồng từ 15-20 ngày đối với phân chuồng và từ 7-10 ngày đối với phân hữu cơ chế biến, các năm kế tiếp bón 02 lần/năm vào đầu mùa mưa (tháng 4-5) và cuối mùa mưa (tháng 11-12)


Cách bón
Đào rãnh một bên mép tán (mép bồn), đổi vị trí bón theo đối xứng với lần bón kế tiếp) hoặc rạch vòng quanh tán mép tán (mép bồn cây) cách gốc từ 30-40 cm, với chiều rộng x chiều sâu (15-20 cm x 10 cm), cho phân và lấp đất hoặc tủ lên một lớp rơm rạ hoặc cỏ khô. Chú ý bón khi đất có đủ ẩm, tránh hiện tượng cây bị chết do xót rễ và tưới nước vừa đủ (nếu chủ động nước tưới) không nên tưới tràn làm rửa trôi phân.


Phân khoáng

Bảng: Liều lượng phân khoáng khuyến cáo cho điều ở giai đoạn kiến thiết cơ bản trồng trên đất xám

Tuổi
cây
(năm)

Lượng phân nguyên chất
tính trên gốc/năm

Lượng phân nguyên chất
tính trên ha (200 cây)/năm

Quy ra phân thương phẩm trên ha/năm

(g)

(kg)

(kg)

N

P2O5

K2O

N

P2O5

K2O

Urea

Lân VĐ

KCl

1

120

60

90

24

12

18

52

75

30

2

145

72

109

29

14

22

63

90

36

3

180

90

135

36

18

27

78

113

45

 

Bảng: Liều lượng phân khoáng khuyến cáo cho điều ở giai đoạn kiến thiết cơ bản trồng trên đất đỏ

 

Tuổi cây (năm)

Lượng phân nguyên chất
tính trên gốc/năm
(g)

Lượng phân nguyên chất tính trên ha (200 cây)/năm (kg)

Quy ra phân thương phẩm
trên ha/năm
(kg)

N

P2O5

K2O

N

P2O5

K2O

Urea

Lân VĐ

KCl

1

120

90

60

24

18

12

52

113

20

2

145

108

72

29

22

14

63

135

24

3

180

135

90

36

27

18

78

169

30

 

Thời điểm bón: Chia làm 3-4 lần bón/năm.
Phân lân: Bón 2 đợt vào đầu và cuối mùa mưa, mỗi đợt 50% tổng lượng bón.


Phân urê, KCl :
- Điều kiện có tưới: bón 04 lần/năm (mỗi đợt cách nhau 03 tháng); mỗi đợt bón
25% tổng lượng phân trong năm.
- Điều kiện không tưới: bón 03 đợt vào đầu, cuối và giữa mùa mưa. Đợt đầu và cuối mùa mưa bón 35% tổng lượng bón, giữa mùa mưa bón 30% tổng lượng bón.


Cách bón
Đào rãnh một bên mép tán (mép bồn), đổi vị trí bón theo đối xứng với lần bón kế tiếp). Tuy nhiên nên rạch vòng quanh tán mép tán (mép bồn cây) cách gốc từ 30- 40 cm, với chiều rộng x chiều sâu (15-20 cm x 5 cm) để cây điều phát triển đều về các hướng, tránh phát triển lệch gây đổ ngã. Cho phân và lấp đất hoặc tủ lên một lớp rơm rạ hoặc cỏ khô. Chú ý bón khi đất có đủ ẩm, tránh hiện tượng cây bị chết do xót rễ và tưới nước vừa đủ (nếu chủ động nước tưới) không nên tưới tràn làm rửa trôi phân.


- Giai đoạn kinh doanh (từ 4 năm tuổi trở lên)
Giai đoạn kinh doanh của vườn điều ghép đựợc tính từ năm thứ 3- 4 trở đi. Giai đoạn này cây thường phát triển từ l-2 đợt lá/năm. Lượng phân bón cho điều thường được chia ra làm hai đợt với liều lượng phân bón và cách bón khuyến cáo cụ thể như sau:


Phân hữu cơ
Liều lượng phân hữu cơ khuyến cáo bón cho cây điều ở giai đoạn kinh doanh từ
6-9 kg phân chuồng hoặc 2- 3 kg phân hữu cơ chế biến/gốc/năm (tương đương từ 1,2-
1,8 tấn phân chuồng hoặc 0,4- 0,6 tấn phân hữu cơ chế biến/ha (200 cây)/năm). Tuy nhiên sau mỗi năm, tùy theo tình trạng sinh trưởng, phát triển của cây và mục tiêu năng suất mà tăng thêm lượng bón phân hữu cơ từ 10-15% so với năm trước.
Số lần và thời kỳ bón: Bón 01 lần/năm vào đầu mùa mưa (tháng 4-5).


Cách bón:
Đào rãnh một bên mép tán (mép bồn), đổi vị trí bón theo đối xứng với lần bón kế tiếp) hoặc rạch vòng quanh tán mép tán (mép bồn cây) cách gốc từ 0,8-1,0 m, với chiều rộng x chiều sâu (15-20 cm x 10 cm), cho phân và lấp đất. Chú ý bón khi đất có đủ ẩm, tránh hiện tượng cây bị chết do xót rễ và tưới nước vừa đủ (nếu chủ động nước tưới) không nên tưới tràn làm rửa trôi phân.


Phân khoáng


Bảng: Liều lượng phân khoáng khuyến cáo cho điều ở giai đoạn kinh doanh trồng trên đất xám

Tuổi cây
(năm)

Lượng phân nguyên chất
tính trên gốc/năm (g)

Lượng phân nguyên chất tính trên ha (200 cây)/năm (kg)

Quy ra phân thương phẩm trên ha/ năm (kg)

N

P2O5

K2O

N

P2O5

K2O

Urea

Lân VĐ

KCl

4

360

180

270

72

36

54

157

225

90

5

432

216

324

86

43

65

188

270

108

6

520

260

390

104

52

78

226

325

130

từ năm thứ
7 trở lên

Điều chỉnh liều lượng tùy theo tình trạng sinh trưởng và mục tiêu năng suất, tăng thêm lượng bón từ 10-15%, theo tỷ lệ (N:P2O5:K2O) là (2:1:1,5)

 

Bảng: Liều lượng phân khoáng khuyến cáo cho điều ở giai đoạn kinh doanh trồng trên đất đỏ

 

Tuổi cây
(năm)

Lượng phân nguyên chất
tính trên gốc/năm
(g)

Lượng phân nguyên chất tính trên ha (200 cây)/năm
(kg)

Quy ra phân thương
phẩm trên ha/năm
(kg)

N

P2O5

K2O

N

P2O5

K2O

Urea

Lân VĐ

KCl

4

360

270

180

72

54

36

157

338

60

5

432

324

216

86

65

43

188

405

72

6

520

390

260

104

78

52

226

488

87

từ năm thứ 7 trở lên

Điều chỉnh liều lượng tùy theo tình trạng sinh trưởng và mục tiêu năng suất, tăng thêm lượng bón từ 10-15%, theo tỷ lệ (N:P2O5:K2O) là (2:1,5:1)

 

Thời điểm bón (Chia làm 2 lần bón/năm)
- Lần 1(Đầu mùa mưa- tháng 4-5) : bón 60% urê + 60% lân + 40% kali
- Lần 2(Cuối mùa mưa- tháng 11-12) : bón 40% urê + 40% lân + 60% kali


Cách bón:
Đào rãnh một bên mép tán (mép bồn), đổi vị trí bón theo đối xứng với lần bón kế tiếp) hoặc rạch vòng quanh tán mép tán (mép bồn cây) cách gốc từ 0,8-1,0 m, với chiều rộng x chiều sâu (15-20 cm x 10 cm), cho phân và lấp đất. Chú ý bón khi đất có đủ ẩm, tránh hiện tượng cây bị chết do xót rễ và tưới nước vừa đủ (nếu chủ động nước tưới) không nên tưới tràn làm rửa trôi phân.


Phân bón lá:
- Giai đoạn trước ra hoa (chuẩn bị phân hoá mầm hoa):
Phun xịt Growmore 6-30-30 hoặc Growmore 10-60-10 hoặc Thiorê với liều lượng
20 g/10 lít (Hoặc các loại phân khác có hàm lượng và tỷ lệ tương đương trong Danh mục phân bón cho phép lưu hành của Việt Nam).


- Giai đoạn xuất hiện nụ hoa:
Phun xịt các sản phẩm phân bón có chứa yếu tố dinh dưỡng B (như Borat hoặc
Ca + B) với nồng độ phun Bo từ 20-30 ppm.
- Giai đoạn nuôi trái: phun xịt Growmore 20-20-20 với liều lượng 10 gr/ 8lít (hoặc các loại phân khác có hàm lượng và tỷ lệ tương đương trong Danh mục phân bón cho phép lưu hành của Việt Nam)

(Nguồn: TS. TS. Đỗ Trung Bình; KS. Nguyễn Lương Thiện – Kỹ thuật bón phân hợp lý cho cây điều ghép ở vùng Đông Nam bộ).

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam