Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Nguồn gốc và đặc điểm sinh thái

Nhu cầu về khí hậu, đất đai

Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong cây và ngưỡng dinh dưỡng

Thời vụ trồng và cơ cấu cây trồng ở các vùng

Tình hình phát triển cà phê trên thế giới và trong nước

Cách bón phân cho cây cà phê

 

Nguồn gốc và đặc điểm sinh thái


1. Nguồn gốc cây cà phê:
Cà phê ( coffea) là tên một chi thực vật thuộc họ Thiến thảo (Rubiaceae). Họ này là một trong những họ thực vật có nhiều chi (68 chi) thuộc vùng nhiệt đới. Chi cà phê bao gồm nhiều loài cây lâu năm trong đó có 2 loài có chứa caffein trong hạt và mang lại hiệu quả kinh tế đó là cà phê vối và cà phê chè . Ngoài ra cây cà phê mít cũng mang lại hiệu quả kinh tế nhưng loài này ít phổ biến hơn. Các loài còn lại tuy thuộc chi cà phê nhưng khác xa với những cây cà phê thường trồng, vì vậy cây cà phê vối và cà phê chè thường gọi chung là cây cà phê.


1.1. Cà phê chè (Coffea arabica Liné).
Có nguồn gốc cao nguyên Sudan-Ethiopi, là loại cà phê có hình dáng nhỏ, thích hợp với mật độ trồng dày, ưa sống ở vùng lạnh có độ cao trên 800 m so với mực nước biển, nhiệt độ thích hợp 19-230C. Khác với những loại cà phê khác hoa cà phê chè có khả năng ra lại trên mắt cũ và thụ phấn theo phương thức tự thụ là chủ yếu... Cà phê chè có khả năng cho năng suất cao, phẩm chất tốt, mùi vị thơm ngon được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên do cà phê chè rất mẫn cảm với bệnh rỉ sắt và sâu đục thân (bore)... cho nên từ những năm 1990 trở về trước giống cà phê này không được chú trọng phát triển. Gần đây, người ta đã tuyển chọn được chủng coffea arabica catimor có khả năng kháng bệnh rỉ sắt, thích ứng với điều kiện sinh thái khí hậu rộng, cho năng suất cao do đó hiện nay ở Việt Nam chủng cà phê này đang được phổ biến trồng rộng rãi, nhất là ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.



 

1.2. Cà phê vối (Coffea canephora Pier).
Phát hiện ở vùng rừng thấp châu thổ sông Công Gô - Châu Phi, là loại cà phê có hình dáng trung bình, thích nghi với địa hình thấp, khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ 22-260C, lặng gió, mưa nhiều. Hoa hoàn toàn dị phối (thụ phấn chéo), hàm lượng cà phê in chứa trong hạt cao (2-3,6%), ít bị ảnh hưởng của các loại sâu bệnh... Đây là giống cà phê trồng phổ biến ở Việt Nam đặc biệt là vùng Tây Nguyên chiếm phần lớn sản lượng và diện tích cà phê của cả nước (khoảng 60%).


 


1.3. Cà phê mít (Coffea exelsa Chev).
Là loại cà phê sinh trưởng khỏe, dễ trồng, có khả năng chống sâu bệnh cao và chịu hạn tốt. Tuy nhiên, cà phê mít có chất lượng kém, vị chua, không hoặc ít thơm, hàm lượng caphêin thấp (0,8-1,2%)...do đó ít được người tiêu dùng cũng như người sản xuất chú ý. ở nước ta diện tích cà phê mít gần như không đáng kể, chỉ được trồng ở những nơi không có điều kiện tưới hoặc đầu nguồn thay cây chắn gió...



(Nguồn: Sổ tay phân bón- Nhà xuất bản Nông nghiệp)

 


2. Đặc điểm sinh thái cây cà phê


• Thân, cành, lá: Cây cà phê thuộc loại thân gỗ, phân thành nhiều đốt, mỗi đốt có một cặp lá đối xứng. Từ đó mọc ra nhiều cành ngang và cành vượt.
Cành ngang (cành quả) được chia làm hai loại là cành cấp cơ bản và cành thứ cấp.
Cành cấp cơ bản (cành cấp 1) mọc ra từ nách lá trên thân, mỗi chồi chỉ có duy nhất một mầm có thể phát triển thành cành quả, cành quả không có khả năng tái sinh.
Cành thứ cấp (cành cấp 2, cấp 3,…) mọc ra từ các mầm ngủ nằm trên cành cấp 1 để thành cành cấp 2, rồi từ mầm ngủ trên thành cấp 2 cho ra các cành quả, các mầm ngủ đều có thể phân hóa thành mầm hoa.
Cây cà phê chè có nhiều cành thứ cấp hơn cây cà phê vối, độ phân cành thứ cấp sẽ quyết định năng suất của cây trồng nên bạn cần có biện pháp tỉa cành hợp lí.
Cành vượt (chồi vượt).
Cành vượt thường mọc thằng hướng lên phía trên, có nhiều vụ giúp cây vươn cao, phát triển thêm về cành. Cành vượt thường có nhiệm vụ tạo ra thân mới, thường không có khả năng ra hoa và quả nên nếu cây đã đạt chiều cao phù hợp và năng suất ổn định, bạn nên loại bỏ cành này để cây tập trung cho cành quả.
Lá cà phê có hình oval thon dài, màu xanh đậm, bóng loáng. Cuống lá ngắn, mặt trên đậm màu hơn mặt dưới. Thường dài từ 10- 15 cm và rộng 4- 6 cm. Lá hình thuôn dài. Đuôi lá nhọn. Cách gọi cà chè, cà vối, cà mít cũng từ hình dáng lá mà ra.



Hình ảnh thân, lá cây cà phê

• Rễ cà phê: Cây cà phê có hệ thống rễ lớn được chia làm 4 loại: rễ cọc, rễ trụ, rễ ngang và rễ tơ. Mỗi loại đều đảm nhiệm một vai trò quan trọng.
Rễ cọc và rễ trụ có khả năng ăn sâu vào đất, hút nước ở tầng sâu. Cây có thể ăn sâu từ 1- 2,5 m và giữ nhiệm vụ giúp cây trụ vững.
Rễ ngang được mọc ra từ rễ trụ và có tác dụng ăn sâu vào đất để lấy chất dinh dưỡng nuôi cây. Từ rễ ngang sẽ có rễ tơ đảm nhiệm vai trò chính là hút nước và dinh dưỡng. Hầu hết rễ tơ đều nằm trong phạm vi từ 0 – 30 cm.
Rễ cà phê thuộc loại rễ háo khí, bộ rễ ăn sâu, rễ phát triển theo độ dài của tán lá. Cây cà phê chè có khả năng ăn sâu và chịu hạn cao hơn cây cà phê vối. Cây phát triển chủ yếu ở tầng đất từ 0- 30 cm nên bạn cần xác định độ sâu nước tưới và các biện pháp tác động giúp bề mặt đất tơi xốp, các biện pháp cơ giới không quá mặt ảnh hưởng đến bộ rễ.
Yêu cầu đất trồng của cà phê vối phải đạt tầng dày 70 cm trở lên, đất tơi xốp và thoát nước tốt. Hàm lượng chất hữu cơ đạt 2,5% sẽ giúp bộ rễ phát triển mạnh.


• Hoa cà phê: Hoa cà phê có màu trắng, năm cánh. Hoa thường nở thành chùm đôi hoặc chùm ba. Mùi thơm nhẹ. Hoa cà phê thường nở trong vòng 3-4 ngày nhưng thời gian thụ phấn chỉ khoảng 3 tiếng. Một cầy cà phê thường có từ 30.000 đến 40.000 bông hoa,
Cây cà phê vối là cây thụ phấn chéo bắt buộc, chính vì vậy việc kích thích hoa nở đồng loạt là một trong những nhiệm vụ cần thiết để giúp cây thụ phấn và thụ tinh tốt.
Thông thường sự phân hóa mầm hoa trên cành ngang thường xảy ra khi gặp nhiệt độ thấp hoặc trải qua thời gian khô hạn kéo dài từ 2- 3 tháng. Sau khi cây có đủ nước, các mầm hoa sẽ phát triển nhanh và nở sau 5- 7 ngày. Đây chính là điều kiện quan trọng để đạt được năng suất cao cho cây cà phê.
Thông thường thì ngay cuối vụ thu hoạch, cây cà phê đã bắt đầu phân hóa mầm hoa và tiếp tục phân hóa hoàn chỉnh. Khi đó hoa sẽ có dạng mỏ sẻ. Lúc này bạn cần cung cấp nước đầy đủ cho hoa, lượng mưa đạt trên 15 mm sẽ giúp cây có đủ nước để phân hóa mầm. Vì tính thụ phấn chéo của mình nên bạn cần cung cấp nước đầy đủ để cây cà phê vối có thể giao phấn và thụ tinh với nhau cùng đợt để có năng suất cao.
Cà phê chè có khả năng tự thụ phấn nên cây không bị ảnh hưởng quá nhiều và chất lượng hạt cao hơn cây cà phê vối.


• Quả cà phê: Có hình bầy dục, quả mọc thành chùm, cuống quả ngắn. Quả có màu xanh khi chín chuyển sang mà đỏ. Nếu chín lâu quả sẽ chuyển dần sang màu đỏ thâm đen. Từ khi thụ phấn đến khi quả già mất từ 7- 9 tháng ( cà phê chè) và 9- 10 tháng so với cà phê vối.
Thông thường một quả cà phê thường có hai hạt. Chúng được bao bọc bởi lớp thịt quả bọc ở bên ngoài. Hai hạt nằm sát vào nhau. Hai mặt nằm sát nhau theo hình phẳng. Còn lớp thịt bên ngoài mọc theo đường vòng cung.
Cấu tạo quả được chia thành nhiều lớp. Từ trong ra ngoài gồm có nhân, vỏ lụa, vỏ hạt, vỏ thịt, vỏ quả và cuống quá. Hạt cà phê Robusta thường có hình bàn cầu tròn, hạt cà phê Arabica có hình dài.

(Nguồn: Viện Khoa học Nông nghiệp Tây Nguyên; https://vieneakmat.com/tong-quan-ve-cay-ca-phe/)

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Nhu cầu về khí hậu, đất đai

1. Khí hậu
Cây cà phê đòi hỏi một số yêu cầu về nhiệt độ, ẩm độ, lượng mưa, ánh sáng, gió.
- Nhiệt độ: Nói chung trong phạm vi nhiệt độ tương đối rộng từ 50C đến 320C cây cà phê vẫn có khả năng tồn tại, sinh trưởng và phát triển. Song phạm vi nhiệt độ phù hợp đối với từng giống cà phê có khác nhau.


Cà phê chè: Ưa nơi mát và hơi lạnh. Phạm vi thích hợp từ 180C - 250C, thích hợp nhất từ 20 - 220C. Do yêu cầu về nhiệt độ như vậy nên cà phê chè thường được trồng ở miền núi có độ cao từ 600 - 2.500 m (nguyên quán cà phê chè là ở Ethiopie nơi có độ cao trên dưới 2.000 m).
Các nước trồng cà phê chè có phẩm vị thơm ngon như: Kenya, Tanzania, Ethiopie, Côlombia thường được trồng ở nơi có độ cao từ 800 m trở lên. Ngược lại cà phê vối thích ở nơi nóng ẩm. Phạm vi nhiệt độ thích hợp từ 22 - 260C, song giới hạn nhiệt độ thích hợp nhất từ 24 - 260C. Nhiệt độ giảm xuống tới 00C làm thui cháy các đọt non, nếu kéo dài làm cháy cả lá già đặc biệt là vùng hay xuất hiện sương muối. Gió rét và gió nóng đều bất lợi đối với sinh trưởng của cây cà phê.
- Lượng mưa: Lượng mưa cần thiết đối với cây cà phê chè thường 1.300 mm - 1.900 mm, còn đối với cà phê vối cần từ 1.300 - 2.500 mm. Nếu lượng mưa được phân bổ tương đối đều trong năm có một mùa khô hạn ngắn vào cuối và sau vụ thu hoạch, nhiệt độ thấp thì thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa của cây cà phê.


Cà phê mít: Có yêu cầu về nhiệt độ và lượng mưa tương tự như cà phê vối. Song cây cà phê mít có bộ rễ ăn sâu, vì vậy có thể trồng ở những nơi có lượng mưa ít hơn. Nhìn chung, ở nước ta lượng mưa phân bố không đều. Lượng mưa tập trung khoảng 70 - 80% vào trong mùa mưa gây ra hiện tượng thừa nước. Mùa khô thường kéo dài từ 3 - 5 tháng, nhưng lượng nước mưa chỉ chiếm từ 20 - 30%, do vậy có nhiều nơi cây cà phê thiếu nước nghiêm trọng đặc biệt là các tỉnh ở Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Để khắc phục hiện tượng này, vấn đề tủ gốc giữ ẩm, đai rừng phòng hộ, cây che bóng và tưới nước có một ý nghĩa quan trọng.
- Ấm độ: Ẩm độ của không khí phải trên 70% mới thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây cà phê. Đặc biệt là giai đoạn cà phê nở hoa cần phải có ẩm độ cao, do đó tưới nước bằng biện pháp phun mưa rất thích hợp cho quá trình nở hoa của cà phê. Ẩm độ quá thấp cộng với điều kiện khô hạn, nhiệt độ cao dẫn tới hậu quả làm cho các mầm, nụ hoa bị thui, quả non bị rụng.
- Ánh sáng: Cà phê chè là loại cây thích ánh sáng tán xạ (nguồn gốc mọc trong rừng thưa tại châu Phi), ánh sáng trực xạ làm cho cây bị kích thích ra hoa quá độ dẫn tới hiện tượng khô cành, khô quả, vườn cây xuống dốc nhanh, ánh sáng tán xạ có tác dụng điều hòa sự ra hoa, phù hợp với cơ chế quang hợp tạo thành và tích lũy chất hữu cơ có lợi cho cây cà phê, giữ cho vườn cây lâu bền, năng suất ổn định.


Cà phê vối: Là cây thích ánh sáng trực xạ yếu (nguyên quán cà phê vối mọc rải rác ven rừng châu Phi). Ở những nơi có ánh sáng trực xạ với cường độ mạnh thì cây cà phê vối cần lượng cây che bóng để điều hòa ánh sáng, điều hòa quá trình quang hợp của vườn cây.
- Gió: Gió lạnh, gió nóng, gió khô đều có hại đến sinh trưởng của cây cà phê. Gió quá mạnh làm cho lá bị rách, rụng lá, các lá non bị thui đen, gió nóng làm cho lá bị khô héo. Gió làm tăng nhanh quá trình bốc thoát hơi nước của cây và đất đặc biệt là trong mùa khô. Vì vậy cần giải quyết trồng tốt hệ đai rừng chắn gió chính và phụ; cây che bóng để hạn chế tác hại của gió. Đai rừng chắn gió và cây che bóng còn có tác dụng hạn chế hình thành và tác hại của sương muối, ở những vùng có gió nóng, đai rừng còn có tác dụng điều hòa nhiệt độ trong lô trồng.

(Nguồn: Viện Khoa học Nông nghiệp Tây Nguyên)

 


2. Đất đai
Cà phê có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, trong đó đất ba-zan là một trong những loại đất lý tưởng để trồng cà phê, vì các đặc điểm lý hóa tính tốt và tầng dày của loại đất này. Yêu cầu cơ bản của đất trồng cà phê là có tầng sâu từ 70 cm trở lên, có độ thoát nước tốt (không bị úng, lầy).
Các loại đất thường thấy ở Việt Nam ở trên các vùng cao như granit, sa phiến thạch, phù sa cổ, gờ nai, đá vôi, dốc tụ... đều trồng được cà phê. Ở cà phê vườn có khả năng trồng được cả ở nơi có đá lộ đầu, ở những nơi đất dốc vẫn trồng được cà phê nếu làm tốt công trình chống xói mòn. Dù trồng ở trên loại đất nào nhưng vai trò của con người có tính quyết định trong việc duy trì, bảo vệ nâng cao độ phì nhiêu của đất. Ngay cả trên đất ba-zan, nếu cà phê không được chăm sóc tốt vẫn dẫn tới hiện tượng cây mọc còi cọc, năng suất thấp. Ngược lại ở những nơi không phải là đất ba-zan nếu đảm bảo được đủ lượng phân hữu cơ, vô cơ, giải quyết tốt cây đậu đỗ, phân xanh trồng xen, tủ gốc tốt cùng các biện pháp thâm canh tổng hợp khác như tưới nước vẫn có khả năng tạo nên các vườn cà phê có năng suất cao.


(Nguồn: Viện Khoa học Nông nghiệp Tây Nguyên)

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong cây và ngưỡng dinh dưỡng


1. Hàm lượng dinh dưỡng
Tôn Nữ Tuấn Nam, Trương Hồng (Cây cà phê ở Việt Nam, 1999) trích dẫn: Theo Anon, 1985 thành phần chất dinh dưỡng trong các bộ phận khí sinh của cây cà phê chè Mundo Novo 10 tuổi, cân nặng 20 kg ở Brasil:
Các yếu tố N, K, Ca luôn chiếm phần lớn trong các bộ phận của cây cà phê chè.
Đối với cà phê vối, theo Viện Nghiên cứu Cà phê 1997, tổng lượng chất khô tích lũy trong cây cà phê ở 2 giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh (Bảng 3)


Bảng: Khối lượng các chất dinh dưỡng ở các bộ phận của cây cà phê chè 10 tuổi

Nguyên tố

Bộ phận (g)

Tổng số

Thân

Cành

Quả

N

61,2

59,5

98,6

21,0

240,3

P

2,0

5,2

8,3

2,1

17,6

K

33,0

46,1

100,8

26,7

206,6

Ca

39,1

38,2

58,4

2,7

138,4

Mg

6,8

4,8

17,8

1,7

31,1

S

4,4

5,6

13,6

1,4

25,0


Bảng: Khối lượng chất khô và chất dinh dưỡng trong cây cà phê vối (g/cây)

Tuổi cây

Chất khô

N

P2O5

K2O

MgO

CaO

S

2 (KTCB)

3010

51,38

6,39

44,87

29,11

38,00

4,31

10 (KD)

19135

262,69

27,49

204,25

122,60

198,01

26,52

 

Chất khô và hàm lượng các chất dinh dưỡng trong cây cà phê vối kinh doanh (10 tuổi) cao hơn rất nhiều, gấp 4-6 lần so với trong cây cà phê vối KTCB (2 tuổi). Và cũng như cà phê vối, trong cây cà phê chè, các yếu tố N, K, Ca chiếm phần lớn.
Theo Trạm Nghiên cứu Đất Tây Nguyên 2003, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong các bộ phận của cây cà phê kinh doanh như sau:


Bảng: Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong các bộ phận của cây cà phê.

Bộ phận

Yếu tố dinh dưỡng (% so với chất khô)

N

P

K

Ca

Mg

Thân

0,71

0,021

0,38

0,35

0,26

Cành

1,68

0,075

1,02

0,31

0,28

2,92

0,105

1,94

0,55

0,38

Rễ

1,55

0,082

0,66

0,45

0,30

 

2. Ngưỡng dinh dưỡng

Bảng: Ngưỡng các yếu tố dinh dưỡng trong lá cà phê

Nguồn

Mức độ

Yếu tố dinh dưỡng (% chất khô)

N

P

K

Ca

Mg

S

Malavolta, 1990 Brasil (Arabica)

Thiếu

<2,2

<0,10

<1,4

<0,5

<0,26

<0,10

Đủ

2,7-3,2

0,15-0,20

1,9-2,4

1,0-1,4

0,31-0,36

0,15-0,20

Thừa

>3,5

>0,23

>2,7

>1,7

>0,39

>0,25

Carvajal, 1984 Costa Rica (Arabica)

Thiếu

<2,0

<0,09

<1,0

<0,8

0,10

-

Đủ

2,3-2,8

0,12-0,20

1,7-2,7

1,1-1,7

0,20-0,35

0,2

Cao

>2,8

>0,20

>2,7

>1,7

>0,35

-

Krishnamurthy Rao, 1990 India (Arabica)

Thấp

<2,5

<0,10

<1,5

<0,69

<0,30

-

Tr/bình

2,5-3,5

0,10-0,15

1,5-3,5

0,69-1,11

0,30-0,40

0,10-0,18

Cao

>3,5

>0,15

>3,5

>0,2

>0,40

>0,18

Loué, 1957 Cote D’ivoire (Robusta)

Rất thấp

<1,8

<0,11

<0,8

<0,8

<0,30

-

Tr/bình

2,8-3,3

0,12-0,15

1,5-2,5

0,9-1,2

0,30-1,10

-

Cao

>3,3

>0,15

>2,5

>1,2

>1,10

-

Willson, 1985 (Robusta)

Thiếu

<1,8

<0,10

<1,2

<0,40

<0,20

<0,12

Đủ

2,7-3,3

0,13-0,15

1,8-2,2

0,8-1,5

0,30-0,36

0,18-0,26

Cao

>3,3

>0,15

>2,2

>1,50

>0,36

>0,26

Ng Tri Chiêm, 1995 (Robusta)

Thích hợp

2,8-3,5

0,11-0,15

1,6-1,8

1,2-1,6

0,25-0,35

-

 

Nghiên cứu xác định ngưỡng dinh dưỡng của cây trồng, làm cơ sở để điều chỉnh lượng phân bón theo nhu cầu của cây đã được các nhà khoa học tiến hành trên nhiều loại cây và đã đạt được những kết quả tốt. Đối với cây cà phê, phương pháp phân tích lá (chẩn đoán dinh dưỡng) các tác giả cũng đã xác định ngưỡng các yếu tố dinh dưỡng đối với hai loại cà phê ở các nước.


(Nguồn: Sổ tay phân bón- Nhà xuất bản Nông nghiệp)

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Thời vụ trồng và cơ cấu cây trồng ở các vùng


1. Thời vụ trồng
Tùy theo điều kiện khí hậu của từng vùng mà bố trí thời vụ trồng cà phê, sao cho sau khi trồng không bị nắng hạn gay gắt hay ngập úng kéo dài. Thông thường cà phê được trồng sau khi mưa ổn định, đất đủ ẩm. Kinh nghiệm ở Tây Nguyên sau khi mùa mưa bắt đầu được khoảng 20-30 ngày tiến hành trồng cà phê là tốt nhất, bởi lẻ mưa đầu mùa là những trận mưa rào, sau mưa trời quang mây tạnh, ánh sáng đầy đủ, ấm áp, đất ráo và thoáng khí thích hợp cho cây con sinh trưởng.
Ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ thời vụ trồng có thể từ tháng 5 đến 7, tốt nhất là tháng 6.
Vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ thời vụ trồng có thể từ tháng 7 đến tháng 9, tốt nhất là tháng 8.

2 Cơ cấu cây trồng
Cà phê là cây có thời gian kiến thiết cơ bản khá dài, tùy theo điều kiện khí hậu, mật độ trồng và mức độ đầu tư chăm sóc mà khả năng sinh trưởng và che phủ bề mặt đất của cà phê kéo dài từ 2-5 năm sau trồng. Đây là giai đoạn bề mặt đất bị bỏ trống và chịu sự thiêu đốt của ánh nắng mặt trời trong mùa khô và cỏ dại phát triển mạnh trong mùa mưa, nếu không có kế hoạch trồng xen.
Để kịp thời bảo vệ và tranh thủ thời gian cải tạo nâng cao độ phì nhiêu, kết hợp che chắn cho cà phê trong giai đoạn KTCB và kinh doanh, tăng hiệu quả sử dụng đất cần tiến hành trồng xen các loại cây che bóng lâu dài thuộc bộ đậu như muồng đen, keo dậu với mật độ từ 30-70 cây/ha và cây che bóng tạm thời (vừa có ý nghĩa cải tạo, bảo vệ đất) như muồng hoa vàng, cốt khí, fleminja,.... Các loại cây này nên trồng theo hàng hoặc băng (2-3 hàng), vuông góc với hướng gió chính, cứ 3-5 hàng cà phê (9-15m) thì trồng 1 hàng (băng) tùy theo độ dốc và mức độ gió của từng vùng. Những phần đất còn lại nên trồng các loại cây đậu đổ như lạc, đậu nành, đậu đen,... Đối với những vùng đất xấu, thời gian đầu cần phải bón phân hổ trợ cho các loại cây trồng xen với lượng bằng 10-15% phân bón cho cà phê.
Những cây trồng khác (không phải cây họ đậu) như ngô, lúa, sắn, ... không nên trồng xen trong cà phê, vì đây là những cây trồng có sức cạnh tranh mạnh, chỉ khai thác chứ không bồi dưỡng độ phì nhiêu cho đất.


(Nguồn: Sổ tay phân bón- Nhà xuất bản Nông nghiệp)


 

Về đầu trang

home

 

 

 

Tình hình phát triển cà phê trên thế giới và trong nước

1. Trên thế giới
Theo Chevalier (1929) cà phê được trồng từ thế kỷ 14 tại vùng Arabia (Yêmen). Hiện nay trên thế giới có khoảng 10 triệu ha cà phê và tập trung chủ yếu ở các nước châu Mỹ (Brasil, Colombia, Mexico, Ecuado, Vênê Juêla, Guatemala,...), châu Phi (Ethiopie, Kenya, Tanzania,...) và ở châu Á (Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ,...). Tổng sản lượng cà phê trên thế giới khoảng 6 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng cà phê chè (C. arabica) chiếm khoảng 70%.


2. Tại Việt Nam
Cây cà phê đầu tiên được đưa vào Việt Nam năm 1857 và được trồng ở Việt Nam từ năm 1888. Người Pháp đã mang cây cà phê Arabica từ đảo Bourbon sang trồng ở phía Bắc Việt Nam sau đó mở rộng sang các vùng khác. Khi đó, hầu hết cà phê được xuất khẩu sang Pháp dưới thương hiệu "Arabica du Tonkin".
Đầu thế kỷ 20, cây cà phê được trồng ở một số đồn điền người Pháp tại Phủ Quỳ (Nghệ An) và một số nơi ở Tây Nguyên với diện tích không quá vài nghìn ha. Năm 1930, Việt Nam có khoảng 7000 ha cà phê. Trong thời kỳ những năm 1960-1970, cây cà phê được phát triển ở một số nông trường quốc doanh ở các tỉnh phía Bắc, khi cao nhất (1964-1966) đã đạt tới hơn 20.000 ha. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, tổng diện tích cà phê Việt Nam chỉ còn khoảng 19.000 ha.
Nhờ vốn từ các Hiệp định hợp tác liên Chính phủ với các nước Liên Xô (cũ), CHDC Đức, Bungary, Tiệp Khắc và Ba Lan, cây cà phê bắt đầu được chú trọng đầu tư, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên. Năm 1980, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6000 tấn cà phê với diện tích khoảng 23 nghìn ha. Bản kế hoạch ban đầu được xây dựng năm 1980 đặt mục tiêu cho ngành cà phê Việt Nam có khoảng 180 nghìn ha với sản lượng 200 nghìn tấn. Sau đó, bản kế hoạch này đã nhiều lần sửa đổi. Các con số cao nhất dừng lại ở mức 350 nghìn ha với sản lượng 450 nghìn tấn (VICOFA, 2002).
Trong thời kỳ từ 1982 đến 1988, cà phê được trồng mới thêm khoảng vài chục nghìn ha. Đến năm 1990, Việt Nam có khoảng 119.300 ha. Trong giai đoạn từ 1990 đến 1994, giá cà phê thế giới ở mức rất thấp và diện tích cà phê Việt Nam không thay đổi nhiều, mỗi năm tăng khoảng 10 nghìn ha. Năm 1994, tổng diện tích cà phê Việt Nam đạt 150.000 ha, vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn (1,32%) trong tổng diện tích các loại cây trồng của Việt Nam (ICARD & Oxfarm, 2002).
Trong thập kỷ 90, Việt Nam thực hiện ba chính sách quan trọng là (i) tín dụng ưu đãi, trợ giá đầu vào và chi phí đất thấp, (ii) tự do hoá thị trường đầu vào nông nghiệp và (iii) tập trung thâm canh cà phê (Ngân hàng thế giới, 2004). Bên cạnh đó, năm 1994, khi sương muối ở Brazil phá huỷ phần lớn diện tích cà phê nước này đã làm cung thế giới giảm mạnh, giá thế giới tăng đột biến. Nhu cầu cà phê Robusta tăng mạnh trong thời kỳ này nhờ những tiến bộ khoa học trong chế biến cà phê thế giới. Tất cả những yếu tố này đã khuyến khích người trồng cà phê Việt Nam mở rộng diện tích trồng và tăng thâm canh cà phê. Diện tích trồng cà phê đã tăng lên nhanh hơn, bình quân 23,9%/năm, đưa tổng diện tích cây cà phê năm 2000 lên đến 516,7 nghìn ha, chiếm 4,14% tổng diện tích cây trồng của Việt Nam, đứng thứ ba chỉ sau hai loại cây lương thực chủ lực là lúa (chiếm 61,4%) và ngô (chiếm 5,7%). Trong thập kỷ 90 thế kỷ XX, sản lượng tăng lên trên 20%/năm (và các năm 1994, 1995, 1996 sản lượng tăng thậm chí còn cao hơn với tỷ lệ lần lượt là 48,5%, 45,8% và 33%). Năm 2000, Việt Nam có khoảng 520 nghìn ha cà phê, tổng sản lượng đạt 800 nghìn tấn. Nếu so với năm 1980, diện tích cà phê của Việt Nam năm 2000 đã tăng gấp 23 lần và sản lượng tăng gấp 83 lần. Mức sản lượng và diện tích vượt xa mọi kế hoạch trước đó và suy đoán của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Tăng trưởng cà phê Việt Nam những năm đầu thập niên 90 chủ yếu dựa trên tăng diện tích. Sau đó, tăng năng suất trở thành yếu tố chính đóng góp cho tăng trưởng sản lượng cà phê ở Việt Nam. Tính chung cho cả giai đoạn 1994 - 2002, năng suất đóng góp khoảng 38% tốc độ tăng sản lượng và diện tích đóng góp khoảng 62%.
Đầu thế kỷ XXI, diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm dần do giá cà phê trên thị trường thế giới giảm, ở một số vùng, nông dân chặt cà phê do nợ nhiều, không có khả năng đầu tư nhiều cho sản xuất. Mặt khác, chính phủ cũng khuyến khích giảm diện tích trồng cà phê ở những khu vực có điều kiện không thuận lợi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong vòng 5 năm (2000 đến 2005), diện tích trồng cà phê của Việt Nam đã giảm khoảng 70 nghìn ha và dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm ở những khu vực có điều kiện không thuận lợi. Song song với xu hướng giảm diện tích, sản lượng cà phê trong 5 năm này cũng giảm khoảng 35 nghìn tấn.


(Nguồn: Hồ sơ ngành hàng cà phê Việt Nam- Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp).


Năm 2016, diện tích cà phê trên cả nước là 643,1 nghìn ha, diện tích thu hoạch 599,3 nghìn ha, năng suất 24,3 tạ/ha, sản lượng 1.458,5 nghìn tấn. Diện tích ổn định, năng suất giảm 0,2 tạ/ha, sản lượng tăng 5,5 nghìn tấn (do một số diện tích tái canh phát huy hiệu quả) so với 2015 (Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2016 của Cục Trồng trọt).

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Cách bón phân cho cây cà phê

1. Liều lượng phân bón cho cà phê
+ Phân hữu cơ:
Đối với cà phê trồng mới bón lót 5-10 kg phân chuồng (trộn với 0,3-0,4 kg lân)/hố, nếu đất tốt có hàm lượng hữu cơ cao thì sau 3-4 năm bón 1 lần, đất xấu thì 2 năm bón 1 lần, mỗi lần 20 m3/ha (tương đương 14-15 tấn), bón vào đầu mùa mưa. Ngoài việc bón phân chuồng cần thường xuyên ép xanh, chôn vùi tàn dư hữu cơ và cành lá cà phê rụng, tạo hình để cải tạo độ phì nhiêu và vệ sinh đồng ruộng.


+ Phân hóa học:

Bảng: Lượng phân nguyên chất bón cho cà phê hàng năm.

Tuổi cây

Kg nguyên chất/ha

N

P2O5

K2O

Năm 1 (trồng mới)

60

60

30

Năm 2

120

75

100

Năm 3

150

90

130

Năm 4 trở đi (năng suất 3,5- 4 tấn nhân)

280

100

300

 


Bảng: Lượng phân thương phẩm bón cho cà phê hàng năm (kg/ha)

Tuổi cây

Loại phân

Sunphat amôn (SA)

Urê

Lân nung chảy

Kali clorua

Năm 1

-

130

400

50

Năm 2

80

220

500

170

Năm 3

100

280

600

280

Năm 4 trở đi

200

520

700

500

 

Có thể tăng hoặc giảm 10-15% lượng phân cho mỗi tấn nhân tăng hoặc giảm.
Nếu dùng các loại phân hổn hợp NPK như phân Đầu Trâu 16-8-16, Việt Nhật 16-8-14, Con Trâu, Con Cò,.... thì bón với lượng từ 1,5-2 tấn/ha/năm cho cà phê kinh doanh.


2. Thời kỳ và phương pháp bón phân
Tùy theo điều kiện thời tiết của từng vùng mà các đợt bón có thể vào các tháng khác nhau giữa các vùng, song các đợt bón phân nhằm vào các thời điểm: Đợt 1: Bón SA trong mùa khô, tăng cường dinh dưỡng cho vườn cây sau khi thu hoạch, cắt cành tạo hình và cà phê đã ra đợt hoa đầu tiên, kích thích phát sinh cành và hổ trợ đợt hai thứ 2; Đợt 2: Khi mùa mưa bắt đầu và đất đã đủ ẩm; Đợt 3, 4: Cách đợt trước từ 1,5-2 tháng.
Trong điều kiện khí hậu ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, các đợt bón phân cần tiến hành vào các thời điểm như sau:
Đợt 1: Lần tưới thứ 2 (tháng 1-2).
Đợt 2: Đầu mùa mưa (tháng 5-6).
Đợt 3: Giữa mùa mưa (tháng 7-8).
Đợt 4: Cuối mùa mưa (tháng 9-10).


Bảng: Thời kỳ và lượng phân thương phẩm bón các đợt (kg/ha)

Tuổi cây

Loại phân

Đợt bón

Đợt 1

Đợt 2

Đợt 3

Đợt 4

 

Năm 1
trồng mới

S.A

-

-

-

-

Urê

-

40

50

40

Lân

-

400

-

-

KCl

-

15

15

20

 

Năm 2

S.A

80

-

-

-

Urê

-

80

80

60

Lân

-

250

250

-

KCl

-

50

60

60

 

Năm 3

S.A

100

-

-

-

Urê

-

100

100

80

Lân

-

300

300

-

KCl

-

80

100

100

 

Năm 4
trở đi

S.A

200

-

-

-

Urê

-

180

180

160

Lân

-

350

350

-

KCl

-

160

170

170

 

Loại phân:
- Sunphat amôn (SA 21% N) dùng 15% trong tổng số N bón vào đợt 1 (tưới lần thứ 2) trong mùa khô.
- Urê (46% N) 85% N còn lại bón 3 đợt trong mùa mưa.
- Kali clorua (KCl 60% K2O) bón 3 đợt trong mùa mưa.
- Lân nung chảy (15%P2O5) bón 2 đợt trong mùa mưa.


Phương pháp bón:
Bón trực tiếp vào đất, trước khi bón phân phải làm sạch cỏ dại, phân N và K có thể trộn chung và bón ngay.
Cà phê năm trồng mới, phân lân đã bón lót cùng với phân chuồng, phân urê và kali rạch rảnh quanh tán, cách gốc 15-20 cm, bón phân lấp đất sâu 3-5 cm.
Cà phê năm thứ 2 trở đi, bón rải theo hình vành khăn hoặc hai bên rộng từ 15-20 cm theo mép tán lá, xới trộn đều với lớp đất mặt và lấp đất nếu không gặp mưa.


Lưu ý: Để bảo toàn phân bón (không bị bay hơi khi gặp nắng, không xói mòn khi gặp mưa to, đất dốc) và cà phê không bị cháy lá (do phân bốc hơi) đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cà phê kịp thời, cần bón phân đúng thời kỳ khi đất đã đủ ẩm bằng cách rạch rãnh, bón phân, lấp đất. Không nên chờ bón theo mưa.!

Bón phân qua lá:
Trong trường hợp cà phê có triệu chứng thiếu các yếu tố vi lượng, có thể cung cấp vi lượng cho cà phê bằng cách phun qua lá các hợp chất chứa các nguyên tố cần thiết như Zn, B,...


Bảng: Một số hợp chất hóa học có vi lượng dùng cho cây cà phê

Nguyên tố vi lượng

Hợp chất hóa học

Nồng độ (%)

Zn (Kẽm)

ZnSO4

0,4-0,6

B (Bo)

H3BO4

0,3-0,4

B + Zn + KCl

H3BO3 + ZnSO4 + KCl

0,3 + 0,6 + 0,25

(Phun 200-400 lít dung dịch/ha)


Cây cà phê chè được trồng tại tỉnh Lâm Đồng có quy trình trồng riêng cụ thể như sau:


Hiện nay, ở Lâm Đồng giống cà phê Catimor đang được trồng phổ biến nhất. Đây là giống lai giữa Hybrid de Timor với giống Catura; thuộc dạng thấp cây, cành đốt ngắn, có khả năng trồng dày; kháng bệnh gỉ sắt.


Thời vụ trồng: Bắt đầu trồng vào đầu mùa mưa, kết thúc trồng trước khi vào mùa khô 1-2 tháng. Trồng tốt nhất từ tháng 6 đến 15/8 hàng năm.


Mật độ và khoảng cách trồng:

 

Giống cà phê chè

Độ dốc <80

Độ dốc >80

Khoảng
cách (m)

Mật độ (cây/ha)

Khoảng cách (m)

Mật độ (cây/ha)

Các giống thấp cây: Catimor Caturra, Catuai, ,…

2 x1,0

5.000

2 x 0,8

6.250

Các giống cao cây: Typica, Bourbon, Mondonovo...

2,5 x 1,5

2.667

2,5 x 1,0

4.000


Hàng cà phê phải trồng theo đường đồng mức, kích thước hố tối thiểu là:
Dài 40 cm, rộng 40 cm, sâu 50 cm đối với các giống cà phê thấp cây.
Dài 50 cm, rộng 50 cm, sâu 60 cm đối với các giống cà phê cao cây.


Bón phân cho cây cà phê chè:
- Phân hữu cơ: Cà phê là loại cây lâu năm có bộ rễ khoẻ, lan rộng, yêu cầu nhiều phân bón, mức bón tối thiểu như sau:
Năm trồng mới: 10-20 kg/hố (bón lót).
Thời kỳ kinh doanh: 15-20 kg/cây. Định kỳ 3 năm 1 lần, đào rãnh theo chiều rộng của tán, kích thước sâu 0,3-0,4 m, rộng 0,3 m, dài 1-1,5 m. Bón vào rãnh cùng phân lân rồi lấp đất.


- Phân hoá học: Để xác định chế độ bón phân cho từng vùng cần căn cứ vào độ phì của đất và khả năng cho năng suất của vườn cây. Những vùng chưa có điều kiện phân tích đất, lá có thể áp dụng định lượng phân bón sau (tính cho mật độ bình quân 5.000 cây/ha):

 

+ Khối lượng phân nguyên chất:

Tuổi cà phê

Khối  lượng phân nguyên chất (Kg/ha/năm)

N

P2O5

K2O

Trồng mới (năm 1)

40-50

150-180

30-40

Chăm sóc năm thứ 2

70-95

80-90

50-60

Chăm sóc năm thứ 3

160-185

80-90

180-210

Kinh doanh chu kỳ 1

255-280

90-120

270-300

Cưa đốn (nuôi chồi)

115-140

150-180

120-150

Kinh doanh chu kỳ 2

225-280

90-120

270-300

 

+ Khối lượng phân thương phẩm:

 

Tuổi cà phê

Khối  lượng phân thương phẩm (Kg/ha/năm)

Urê

Supe lân

Kali clorua

Trồng mới (năm 1)

70-108

909-1.090

50-67

Chăm sóc năm thứ 2

152-206

485-545

84-100

Chăm sóc năm thứ 3

347-401

485-545

300-350

Kinh doanh chu kỳ 1

553-607

545-727

451-501

Cưa đốn (nuôi chồi)

250-304

909-1.090

200-250

Kinh doanh chu kỳ 2

553-607

545-727

451-501

(Căn cứ định lượng phân bón trên, tùy theo từng giống cà phê và mật độ trồng để tính toán điều chỉnh lượng phân cho phù hợp với từng mật độ trồng trên một đơn vị diện tích).
Ở thời kỳ kinh doanh hàng năm bón thêm 10-15 kg ZnSO4 và 10-15 kg H3BO3, trộn đều với đạm, kali bón hoặc phun trực tiếp lên lá với nồng độ 0,5%.


- Thời điểm bón:
Tùy theo điều kiện thời tiết của từng vùng mà các đợt bón có thể vào các tháng khác nhau giữa các vùng. Mỗi năm có thể bón 4 lần như sau:

Loại phân

Tỷ lệ bón (%)

Tháng 2-3

Tháng 4-5

Tháng 6-7

Tháng 9-10

Đạm

20

30

30

20

Lân

100

-

-

-

Kali

20

30

30

20

 

Ngoài lượng phân theo định mức trên, để đảm bảo cho vườn cây bền vững, năng xấut cao ổn định thì 2-3 năm có thể bón vôi 1 lần với lượng 500-1.000 kg/ha, bón vãi đều trong phạm vi tán, bón vào đầu mùa mưa.


- Cách bón: Nếu vườn cà phê có địa hình bằng phẵng thì bón vòng theo tán cây. Nếu cà phê trồng trên đất dốc thì bón phân theo một nửa bộ tán phía trên dốc theo dạng hình bán nguyệt.
Đối với cà phê còn nhỏ bón cách gốc 10 cm thành dãi rộng 20 cm ra phía ngoài mép tán.
Khi cây đã lớn bón cách gốc 20 cm và bón thành dải rộng 30cm ra phía ngoài mép tán.
Khi cây vào thời kỳ kinh doanh, bón cách gốc 30 cm theo dãi rộng 50 cm ra phía ngoài mép tán.
Trong vùng bón phân cào sâu 5-7 cm để rải phân sau đó lấp đất lại cùng với tàn dư thực vật có trên vườn. Phân chuồng và các loại phân hữu cơ bón theo rãnh vào đầu hay giữa mùa mưa, rãnh đào một phía dọc theo mép tán, rộng 15-20 cm, sâu 20-25 cm, dài 60-80 cm đưa phân xuống rãnh, lấp đất. Các năm sau đào rãnh về phía khác; không trộn phân đạm hoặc phân có chứa đạm với vôi, không bón vào những ngày nắng gắt nhiệt độ > 300C, những lúc mưa rét nhiệt độ < 150C, không bón khi cà phê nở hoa.


(Nguồn theo quyết định số 1251/QĐ-SNN, ngày 13/12/2012 của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng).


Một số kết quả nghiên cứu bón phân cho cây cà phê:


Nguyễn Văn Quảng và cộng sự (2013) điều tra tình hình sử dụng phân bón cho cà phê vối của người dân 5 huyện tại Lâm Đồng cho thấy trung bình là 478,77 kg N + 351,45 kg P2O5 và 250,82 K2O ha/năm. Điều tra của Trương Hồng và cộng sự, (2013) lượng phân bón đa lượng mà nông dân sử dụng cho cà phê của 5 tỉnh Tây Nguyên trung bình: 389 kg N - 158 kg P2O5 - 324 K2O ha/năm; riêng Đắk Lắk nông dân bón: 382 kg N - 197 kg P2O5 - 312 K2O ha/năm.


Bảng 5: Lượng phân bón đa lượng trung bình nông dân sử dụng cho cà phê ở các tỉnh điều tra (2013)

 

Tỉnh

Năng suất trung bình (tấn nhân/ha)

Lượng phân nông dân bón (kg/ha)

Mức khuyến cáo (kg/ha)

N

P2O5

K2O

N

P2O5

K2O

Đắk Lắk

3,34

382

197

312

312

110

275

Đắk Nông

3,17

422

157

350

364

125

325

Lâm Đồng

3,19

378

167

321

347

120

308

Kon Tum

3,01

407

110

310

357

116

296

Gia Lai

3,25

370

164

343

357

120

308

TB

3,19

389

158

324

347

118

302

 

Nguồn: Thực trạng sử dụng phân bón vô cơ đa lượng cho cà phê ở Tây Nguyên. Kỷ yếu Hội thảo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng phân bón tại Việt Nam (Nguyễn Văn Quảng và CS, 2013)

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam