Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Nguồn gốc và tình hình phát triển

Đặc điểm sinh trưởng và yêu cầu sinh thái của cây tiêu

Thời vụ trồng và cơ cấu cây trồng ở các vùng

Hàm lượng một số chất dinh dưỡng trong cây tiêu và ngưỡng dinh dưỡng thích hợp

Lượng hút tính cho đơn vị sản phẩm và nhu cầu dinh dưỡng

Liều lượng, thời điểm và phương pháp bón phân cho cây tiêu

 

Nguồn gốc và tình hình phát triển


Cây tiêu có tên khoa học là: Piper nigrum L, họ Piperaceae, bộ Piperales. loại cây này có nguồn gốc mọc hoang trong rừng ở phía Tây vùng Ghats, thuộc miền Nam Ấn Độ. Sau đó được người ta đem về trồng, trải qua thời gian dài chọn tạo, đã hình thành nên các giống tiêu ngày nay.


Trên thế gới, Ấn Độ là nước trồng tiêu nhiều nhất, với diện tích khoảng 180.000 ha. Một số nước khác có diện tích tiêu tương đối lớn là Indonesia: 80.000 ha, Srilanka: 27.000 ha, Brasil: 13.280 ha, Trung Quốc: 12.000 ha, Malaysia: 11.073ha.
Sản lượng hạt tiêu toàn thế giới ở thời kỳ 1935 - 1939 là 83.600 tấn/năm, đến giai đoạn 2000 - 2003 đạt 250.000 - 300.000 tấn/năm.
Lượng tiêu nhập khẩu hàng năm trên thế giới vào khoảng 120.000 - 130.000 tấn tiêu hạt, 2000 tấn tiêu xanh và 400 tấn dầu nhựa tiêu. Có trên 40 nước nhập khẩu tiêu, đứng đầu là Mỹ, Đức, Pháp. Gần đây mức tiêu thụ hạt tiêu ở các nước Trung Đông và Bắc Phi gia tăng mạnh.
Ở nước ta, cây tiêu được đưa vào trồng trước hết tại vùng Hà Tiên, sau đó nhanh chóng được nhân rộng ra ở Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Cuối năm 2001, diện tích trồng tiêu cả nước đạt 35.000 ha, năng suất bình quân 1,26 tấn/ha và sản lượng đạt 44.000 tấn. Hạt tiêu Việt Nam chủ yếu dùng cho xuất khẩu, lượng tiêu thụ trong nước không đáng kể (khoảng 2,5%).
Tổng diện tích cây hồ tiêu năm 2016 trên cả nước là khoảng 110,2 nghìn ha, diện tích thu hoạch 76,1 nghìn ha, năng suất 25,4 tạ/ha, tổng sản lượng khoảng 192,9 nghìn ha. Diện tích tăng 8,6 nghìn ha, năng suất giảm 0,7 tạ/ha, sản lượng tăng khoảng 16,1 nghìn tấn so với năm 2015. Diện tích vượt quy hoạch khoảng 60 ngàn ha (Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2016 của Cục Trồng trọt).

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Đặc điểm sinh trưởng và yêu cầu sinh thái của cây tiêu


1. Sơ lược về đặc điểm thực vật học

Tiêu thuộc loại thân thảo, phân thành nhiều đốt, tại mỗi đốt có một lá đơn, hình trái tim, mọc cách. ở nách lá có mầm ngủ có thể phát sinh thành các cành lươn, cành tược hoặc cành cho trái, tùy từng giai đoạn phát triển của cây tiêu.
Hệ thống rễ tiêu có trung bình 3-4 rễ cái (hoặc rễ cọc) và một chùm rễ phụ dưới mặt đất, trên đốt thân cũng có nhiều rễ bám.
Cây tiêu có hoa tự hình gié, dài 7 - 12 cm. Trên hoa tự có bình quân 20 - 60 hoa xếp thành hình xoắn ốc, hoa tiêu lưỡng tính hay đơn tính.
Trái tiêu thuộc loại trái hạch, không có cuống, hình cầu. Từ khi hoa xuất hiện đầy đủ cho đến khi trái chín kéo dài từ 7 đến 10 tháng.


2. Yêu cầu sinh thái
Cây tiêu ưa điều kiện khí hậu nóng ẩm: Nhiệt độ thích hợp là 25oC - 28oC, Lượng mưa cả năm yêu cầu 1200 - 2500 mm, trong đó cần có một giai đoạn khô hạn ngắn sau thu hoạch để cây phân hóa mầm và ra hoa đồng loạt. ẩm độ không khí thích hợp khoảng 70%. Ánh sáng tán xạ nhẹ được xem là phù hợp với yêu cầu sinh lý sinh trưởng, phát dục và kéo dài tuổi thọ của cây.
Tiêu có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như: đất sét pha cát (Hà Tiên, Phú Quốc), đất đỏ bazan (Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ), đất phù sa bồi (đồng bằng sông Cửu Long), đất xám (Đông Nam bộ). Đất trồng tiêu cần có tầng dày 80 -100 cm, mạch nước ngầm >2 m, kết cấu tơi xốp, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, dễ thấm và thoát nước. Về hóa tính: yêu cầu đất có hàm lượng mùn >2%, giàu đạm, hàm lượng kali và magiê khá, khả năng trao đổi cation ở mức 20 - 30 meq/100g đất, tỉ lệ C/N cao ở tầng mặt (15 - 25), pH trong khoảng 5,0 - 6,0.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Thời vụ trồng và cơ cấu cây trồng ở các vùng


Thời vụ trồng tiêu có thể xê dịch tùy theo khí hậu của từng địa phương, nhưng nói chung phải trồng khi đất có đủ độ ẩm, chủ động về nước tưới.
Vùng Bắc Trung bộ: trồng khoảng tháng 8 - tháng 10.
Vùng Duyên hải Trung bộ: trồng khoảng tháng 8 - tháng 9.
Vùng Tây Nguyên: trồng khoảng tháng 5 - tháng 7.
Vùng Đông Nam bộ: trồng khoảng tháng 6 - tháng 8.
Vùng Đồng bằng Cửu Long: trồng khoảng tháng 5 - tháng 8.
Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, người ta thường trồng xen các loại cây đậu đỗ trong vườn tiêu để tăng thu nhập và cải tạo độ phì đất. Cũng có thể thấy tiêu được trồng xen với cà phê, cây ăn quả, hoặc trồng ở các bờ quanh vườn...

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Hàm lượng một số chất dinh dưỡng trong cây tiêu và ngưỡng dinh dưỡng thích hợp


Theo kết quả phân tích và chẩn đoán của Trạm Nghiên cứu Đất Tây Nguyên mức độ thích hợp, thừa, thiếu đối với một số nguyên tố trong lá tiêu như sau:


Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong lá (% chất khô).

Chỉ tiêu

Thừa

Thích hợp

Thiếu

N

>3,50

3,00-3,50

<3,00

P

>0,20

0,15-0,20

<0,15

K

>4,50

3,00-4,50

<3,00

Ca

>2,00

1,00-2,00

<1,00

Mg

>0,50

0,30-0,50

<0,30


 

Về đầu trang

home

 

 

 

Lượng hút tính cho đơn vị sản phẩm và nhu cầu dinh dưỡng

Trong 1 kg hạt tiêu khô có chứa 36 g N, 8 g P2O5, 25 g K2O. Giả sử trong quá trình canh tác, toàn bộ thân, cành, lá, rễ và các phụ phế phẩm được hoàn trả cho đất, thì riêng lượng dinh dưỡng lấy đi để tạo năng suất 3-5 tấn hạt tiêu khô/ha sẽ là 108-180 kg N, 24-40 kg P2O5, 75-125 kg K2O.


Lượng dinh dưỡng lấy đi theo sản phẩm

Yếu tố

Lượng dinh dưỡng lấy đi đối với

1 tấn SP

3 tấn SP

5 tấn SP

N (kg)

36

108

180

P2O5 (kg)

8

24

40

K2O (kg)

25

75

125

 

Hệ số sử dụng phân bón và lượng phân bón lý thuyết cần cung cấp cho cây tiêu


Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số sử dụng phân bón của cây tiêu đạt: 50-55% đối với phân đạm, 20-25% đối với phân lân và 45-50% đối với phân kali.

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Liều lượng, thời điểm và phương pháp bón phân cho cây tiêu


Cây tiêu có nhu cầu về dinh dưỡng và khá mẫn cảm với phân bón. Trong các yếu tố phân bón thì cây tiêu cần nhiều nhất là đạm, kế đến là kali, lân.
Đạm: có ảnh hưởng trong việc kích thích sự tăng trưởng, tham gia hình thành các bộ phận của cây. Thiếu đạm lá vàng, thân lá phát triển kém.
Kali: giúp cây quang hợp tốt, giảm rụng trái, tăng phẩm chất hạt tiêu, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, kháng được sâu bệnh tốt. Thiếu kali, rìa lá xoăn giòn và chuyển sang màu xám nhạt.
Lân: giúp rễ tiêu phát triển mạnh nhờ đó cây hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng khác và có khả năng chiệu hạn, giúp ra hoa đậu trái tốt. Thiếu lân cây cằn cỗi, gân lá vàng.
Canxi: làm đất bớt chua, tăng khả năng hoạt động của vi sinh vật hữu ích, có ảnh hưởng đến sự phát triển của đọt non, rễ cây, sự cấu tạo hoa và di chuyển chất khô từ thân lá qua trái tiêu.
Magiê: Tiêu hấp thu magiê nhiều nhất giai đoạn trái phát triển cho đến chín.


1. Liều lượng bón
1.1.Đối với đất đỏ

Lượng phân nguyên chất bón cho 1 ha/năm (*)

Loại phân

Năm 1 (**)

Năm 2

Năm 3

Năm 4

Năm 5

>Năm 5

N (kg)

80

110

160

220

270

300

P2O5 (kg)

60

60

80

80

90

100

K2O (kg)

30

60

120

180

240

300

CaO (kg)

500

0

300

300

300

300

Phân chuồng (m3)

10

10

10

10

10

10

(*)Tính cho mật độ trồng 2000 cây/ha, (**) Năm 1 là năm trồng mới

Lượng phân thương phẩm bón cho 1 ha/năm

Loại phân

Năm 1

Năm 2

Năm 3

Năm 4

Năm 5

>Năm 5

Urê (kg)

130

196

261

391

457

522

SA (kg)

95

95

190

190

286

286

Lân Văn Điển (kg)

400

400

533

533

600

667

KCl (kg)

50

100

200

300

400

500

Vôi bột (kg)

500

0

300

300

300

300

Phân chuồng (m3)

10

10

10

10

10

10

 

1.2. Đối với đất xám


Lượng phân nguyên chất bón cho 1 ha/năm

Loại phân

Năm 1

Năm 2

Năm 3

Năm 4

Năm 5

>Năm 5

N (kg)

95

125

180

250

300

330

P2O5 (kg)

70

70

90

90

110

110

K2O (kg)

40

70

130

200

270

330

CaO (kg)

550

0

330

330

330

330

Phân chuồng (m3)

15

15

15

15

15

15

 

Lượng phân thương phẩm bón cho 1 ha/năm

Loại phân

Năm 1

Năm 2

Năm 3

Năm 4

Năm 5

>Năm 5

Urê (kg)

152

217

283

435

500

565

SA (kg)

119

119

238

238

333

333

Lân Văn Điển (kg)

467

467

600

600

733

733

KCl (kg)

67

117

217

333

450

550

Vôi bột (kg)

550

0

330

330

330

330

Phân chuồng (m3)

15

15

15

15

15

15

 

2. Thời điểm bón
2.1. Đối với năm thứ 1 (trồng mới)
• Phân urê: Tháng 6 bón 10%, tháng 7 bón 20%, tháng 8 bón 20%, tháng 9 bón 25%, tháng 10 bón 25%.
• Phân SA: Chia làm 2 lần bón trong mùa khô, bón kết hợp với tưới nước đảm bảo cho tiêu.
• Phân kali: Tháng 7 bón 20%, tháng 8 bón 20%, tháng 9 bón 25%, tháng 10 bón 25%.
• Phân lân: bón lót trước trồng (tháng 6) 50%, cuối tháng 8 bón 50%.
• Phân chuồng và vôi: bón lót 100% trước trồng ít nhất 20 ngày.


2.2.Từ năm thứ 2 trở đi
• Phân urê và kali: Tháng 6 bón 15%, tháng 7 bón 20%, tháng 8 bón 25%, tháng 9 bón 20%, tháng 10 bón 20%.
• Phân SA: Bón 50% trong mùa khô, kết hợp tưới nước đảm bảo cho tiêu. Đầu mùa mưa (tháng 5) bón 50%.
• Phân lân: bón 50% vào đầu mùa mưa, 50% vào giữa mùa mưa.
• Phân chuồng và vôi: bón 100% vào đầu mùa mưa tháng 4.


3. Kỹ thuật bón
• Phân đạm và kali: Vùi sâu 5-10cm quanh mép bồn, lấp kỹ.
• Vôi và lân: Rải đều trên mặt bồn, trộn đều với đất bột trên mặt.
• Phân chuồng: Bón theo rãnh sâu 10-20 cm quanh vùng rễ, lấp đất.
Chú ý: không làm đứt hay xây xước rễ.


(Nguồn : Sổ tay phân tích - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa)


Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam có những yêu cầu sinh thái cụ thể đối với cây hồ tiêu:


- Yêu cầu sinh thái:
+ Nhiệt độ và ẩm độ
Cây tiêu có khả năng chịu được nhiệt độ thấp nhất 10oC, cao nhất 40oC, phát triển tốt ở nhiệt độ không khí 20-32oC, ẩm độ tương đối trên 70% và nhiệt độ đất ở độ sâu 30 cm khoảng 25-28oC.
+ Lượng mưa
Cây tiêu cần lượng mưa cao, phân bố đều trong mùa mưa nhưng phải có mùa khô rõ rệt, tổng lượng mưa hàng năm thích hợp cho cây tiêu trong khoảng 1.500 – 2.500 mm.
+ Ánh sáng và gió
Cây tiêu ưa ánh sáng tán xạ và thích môi trường lặng gió.
+ Cao độ
Cây tiêu có thể trồng đến cao độ 1.200 m so với mặt nước biển, nhưng phát triển tốt trên đất cao vùng đồng bằng, cao độ dưới 600 m.
+ Đất trồng
Cây tiêu phát triển tốt trên đất phì nhiêu, giàu hữu cơ, tơi xốp, thoát nước tốt; pH đất thấp nhất 4,5; tốt nhất trong khoảng 5,5-6,5; tầng đất canh tác trên 70 cm, tốt nhất trên 1 m; đất có độ dốc dưới 10%, tốt nhất 3-5%; mực nước ngầm sâu hơn 2 m vào mùa mưa.

- Các giống tiêu:
Các giống tiêu được trồng phổ biến trong sản xuất ở các tỉnh phía Nam:
- Tiêu Vĩnh Linh:
- Lá có màu xanh đậm, khi đưa lên soi ánh nắng mặt trời thấy loang lổ màu vàng nhạt, đây là đặc điểm riêng biệt để nhận diện giống;
- Chiều dài cành cấp 1 khá dài, trung bình 51 cm, gié quả dài trung bình 10 cm, tỷ lệ hạt tươi/khô đạt 2,67;
- Cho năng suất cao trong điều kiện thâm canh, ít bị nhiễm bệnh chết nhanh và vàng lá chết chậm.
- Tiêu Trung:
- Có nơi gọi là tiêu sẻ Mỡ, lá có màu xanh nhạt, hiện được trồng phổ biến ở Bình Phước, Đăk Nông và Đắk Lắk, giống cho năng suất cao, ít bị dịch hại.
- Tiêu Sẻ:
- Lá nhỏ, chiều dài lá trưởng thành trung bình 12,3 cm, chiều rộng lá 6,8 cm, lá màu xanh nhạt;
- Cành nhỏ và ngắn, chiều dài trung bình 38,4 cm; gié quả ngắn, quả nhỏ, tỷ lệ hạt tươi/khô đạt bình quân 3,21;
- Cho năng suất khá ở những vụ thu hoạch đầu trong điều kiện thâm canh;
- Nhược điểm là dễ bị nhiễm bệnh, nhất là bệnh chết nhanh.
- Tiêu Ấn Độ:
- Có hai dạng, dạng đọt xanh và dạng đọt tím;
- Mắt cuối của cành cho quả (cành ác) thường mang hai gié hoa, giống cho chùm quả dài, đóng hạt dày;
- Cho thu hoạch sớm và năng suất cao ở những vụ thu hoạch đầu;
- Nhược điểm của giống này là tăng trưởng mạnh dẫn đến năng suất giảm sau 3-4 vụ thu hoạch.
- Tiêu Phú Quốc và tiêu Hà Tiên:
- Có tốc độ sinh trưởng khá nhanh, cho thu hoạch quả sớm, khoảng năm thứ hai sau trồng;
- Chiều dài gié quả 7,6 cm; dung trọng hạt đạt bình quân 545 g/L.
Các giống tiêu thích nghi tốt, được khuyến cáo trồng cho các vùng trồng tiêu chính:
- Duyên hải miền Trung: giống Vĩnh Linh.
- Tây Nguyên: giống Vĩnh Linh, tiêu Trung và tiêu Sẻ.
- Đông Nam bộ: giống Vĩnh Linh, tiêu Trung, tiêu Sẻ và tiêu Ấn Độ.
- Phú Quốc: giống tiêu Phú Quốc và tiêu Hà Tiên.


- Thời vụ trồng tiêu
Thời vụ trồng tuỳ thuộc vào điều kiện khí hậu của từng khu vực, thường trồng vào đầu mùa mưa, khi đã mưa đều và kết thúc trước mùa khô khoảng 2-2,5 tháng (Bảng 1).


Bảng 1. Thời vụ trồng tiêu ở một số vùng trồng tiêu chính

Thời vụ
Vùng

Tháng

Đông Nam bộ

6-8

Duyên hải miền Trung

9-10

Tây Nguyên

5-8

 

- Bón phân:
Dựa trên yêu cầu của cây tiêu và độ phì nhiêu của đất, cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt.

+ Phân hữu cơ
Phân bón hữu cơ là yêu cầu cơ bản cho cây hồ tiêu. Tùy nguồn phân hữu cơ có sẵn tại địa phương, có thể sử dụng phân chuồng hoai (trâu, bò, gà), phân rác mục, phân hữu cơ chế biến hoặc phân vi sinh (Bảng 2).


Bảng 2. Lượng phân hữu cơ bón cho hồ tiêu

  Loại phân/ Năm

Phân chuồng, phân rác mục
(kg/trụ/năm)

Phân hữu cơ chế biến
(kg/trụ/năm)

Trồng mới
Năm thứ 2, 3
Từ năm thứ 4 trở đi

7-10
10-15
15

1-2
2-3
3-5

 

- Thời gian bón: phân chuồng hoặc phân rác mục mỗi năm bón một lần vào đầu mùa mưa, phân hữu cơ chế biến hoặc phân hữu cơ vi sinh bón hai lần vào đầu và giữa mùa mưa; đào rãnh một bên mép tán, sâu 10-15 cm, cho phân vào và lấp đất lại, nên chú ý trong quá trình đào rãnh không làm tổn thương bộ rễ.
+ Phân vô cơ
Trồng mới: sau khi trồng 1-1,5 tháng bón 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali, sau khi trồng 2-3 tháng bón số còn lại (Bảng 3).
Năm thứ 2-3 bón ba lần:
- lần 1: bón 1/3 đạm + 1/3 kali và tất cả lượng phân lân, bón vào đầu mùa mưa;
- lần 2: bón 1/3 đạm + 1/3 kali, bón vào giữa mùa mưa;
- lần 3: bón lượng phân còn lại, bón vào cuối mùa mưa.
Từ năm thứ tư bón bốn lần:
- lần 1: bón 30% đạm + 20% kali và tất cả lượng phân lân kết hợp với phân hữu cơ, bón sau khi kết thúc thu hoạch khoảng 15-20 ngày;
- lần 2: bón 30% đạm + 30% kali, bón vào đầu mùa mưa;
- lần 3: bón 25% đạm + 30% kali, bón vào giữa mùa mưa;
- lần 4: bón 15% đạm + 20% kali còn lại vào cuối mùa mưa.


Bảng 3. Lượng phân vô cơ bón cho hồ tiêu

Loại phân/
Năm

N
(g/trụ/năm)

P2O5
(g/trụ/năm)

K2O
(g/trụ/năm)

Trồng mới
Năm thứ 2, 3
Từ năm thứ tư

50-60
100-120
120-150

30-40
50-60
60-80

50-60
100-120
180-220

 

Cách bón: đào rãnh quanh mép tán, sâu 7-10cm, rải phân và lấp đất.
Nên dùng phân đơn tự trộn, hạn chế sử dụng phân hỗn hợp. Bổ sung phân trung lượng (Ca, Mg) và vi lượng cũng rất cần cho cây tiêu để hạn chế rụng hoa và quả non, các nguyên tố vi lượng cần bổ sung cho cây tiêu là kẽm (Zn) và bo (B), thường có trong các loại phân bón lá và phân hữu cơ chế biến có bán trên thị trường

(Nguồn: http://iasvn.org/chuyen-muc/Cay-ho-tieu-%E2%80%93-yeu-cau-ky-thuat-trong,-cham-soc-va-thu-hoach-7697.html).

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam