Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Khái niệm về phân lân

Vai trò

Các dạng phân lân, thành phần, tính chất, chuyển hóa và đặc điểm sử dụng

Kỹ thuật sử dụng phân lân

Tình hình sản xuất và sử dụng phân lân ở Việt Nam

Tài liệu tham khảo

 

Khái niệm về phân lân

Phanlan

 

Phân lân là những phân có chứa nguyên tố dinh dưỡng phốt pho dưới dạng ion phốt phát, dùng bón cho cây trồng.
- Độ dinh dưỡng của phân lân được đánh giá theo tỉ lệ % khối lượng P2O5 tương ứng với lượng P có trong thành phần của nó.
- Nguyên liệu để sản xuất phân lân thường là quặng apatit, photphorit.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Vai trò


Lân có vai trò quan trọng trong đời sống của cây trồng. Lân có trong thành phần của hạt nhân tế bào, rất cần cho việc hình thành các bộ phận mới của cây. Lân tham gia vào thành phần các enzim, các prôtêin, tham gia vào quá trình tổng hợp các axit amin. Lân kích thích sự phát triển của rễ cây, làm cho rễ ăn sâu vào đất và lan rộng ra chung quanh, tạo thêm điều kiện cho cây chống chịu được hạn và ít đổ ngã. Lân kích thích quá trình đẻ nhánh, nảy chồi, thúc đẩy cây ra hoa kết quả sớm và nhiều. Lân làm tăng đặc tính chống chịu của cây đối với các yếu tố không thuận lợi: chống rét, chống hạn, chịu độ chua của đất, chống một số loại sâu bệnh hại, v.v…


Triệu chứng thiếu lân của cây trồng:
- Bề ngoài còi cọc toàn bộ, các lá trưởng thành có màu sẫm đặc trưng đến màu lam-lục, phát triển rễ bị hạn chế.
- Nhiều loại cây trồng khi thiếu lân lá chuyển sang mầu tím đỏ (huyết dụ ở ngô) hay đỏ, thỉnh thoảng lá và thân bị tía, cây thon mảnh.
- Chín chậm và không có hoặc phát triển kém về hạt và quả.


Cây lúa được bón đủ lân đẻ khỏe, bộ rễ phát triển tốt, trỗ và chín sớm (ngay cả trong điều kiện nhiệt độ thấp).
Lúa thiếu lân cây còi cọc, đẻ nhánh kém, bộ lá lúa ngắn, phiến lá hẹp, lá có tư thế dựng đứng và có mầu xanh tối, số lá, số bông và sô hạt trên bông đều giảm.
Trong ruộng lúa thiếu lân thì không thấy có tảo phát triển.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Các dạng phân lân, thành phần, tính chất, chuyển hóa và đặc điểm sử dụng


* Phân loại theo khả năng hoà tan của phân và khả năng đồng hoá lân của cây chia thành 2 nhóm:
- Phân lân dễ tiêu:
+ Chứa lân ở dạng H2PO4- hoà tan trong nước, dễ được cây trồng sử dụng vd: Supe lân đơn, supe lân giàu và supe lân kép.
+ Phân lân ở dạng HPO42- ít hoà tan trong nước nhưng hoà tan trong axit yếu nên cũng dễ tiêu với cây như: lân nung chảy, phân xỉ lò Tomas, phân lân prexipilat.


- Phân lân khó tiêu: là các dạng phân lân có chứa lân ở dạng PO43- không hoà tan trong nước và axit yếu nên rất khó tiêu đối với cây trồng như apatit, photphorit, phân lèn, bột xương.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

* Phân loại theo dạng sử dụng và phương pháp chế biến chia thành 2 nhóm:
a. Phân lân tự nhiên
Khái niệm: Phân lân thiên nhiên là các loại phân lân được khai thác từ các nguồn có sẵn trong tự nhiên như apatit, photphorit, phân lèn, bột xương.
Apatit
- Công thức hoá học: Ca10(PO4)6.X2 hay [Ca3(PO4)2] 3.CaX2.
X- biểu thị một anion hoá trị I có thể là OH, F, CO3 -.
- Thành phần: Chứa 18 - 42% P2O5 thường > 30%, 22 - 47% CaO, thường khoảng 40%, 7,7% SiO2, F2) < 3%, R2O3 3%.

apatit


(Nguồn ảnh: http://www.niferco.com.vn)


- Đặc điểm sử dụng:
+ Tỷ lệ P2O5 tan trong axit yếu rất thấp (2,5 – 3,5%) nên hầu hết không dùng bón trực tiếp cho cây mà chỉ dùng để chế biến phân hoá học.
+ Thành phần của apatit có lượng CaO khá lớn nên nó có tác dụng trung hoà độ chua tốt.
• Photphorit
Ở Việt Nam các mỏ photphorit lớn được hình thành ở Vĩnh Thịnh (Lạng Sơn), Yên Sơn (Tuyên Quang), Hàm Rồng (Thanh Hoá).
- Công thức hoá học: Ca10(PO4)6.X2 hay [Ca3(PO4)2]3.CaX2;
- Thành phần: 4 – 37% P2O5 thường <30%, 15 – 38% R2O3, 8 – 22% CaO, 15 – 21% SiO2, OM < 10%, F2 = 0,1%.
- Đặc điểm sử dụng:
+ Có thể sử dụng trực tiếp làm phân bón.
+ Trong thành phần của phân còn có lượng CaO khá lớn nên có tác dụng trung hoà độ chua tốt.


Các phân lân thiên nhiên khác.
• Phân lèn:
+ Khái niệm là loại phân lân tự nhiên do xác động vật chết lâu ngày tích tụ lại trong các hang đá như ở Hà Giang, Quảng Bình….
+ Thành phần: Phân thường lẫn với chất hữu cơ (5,6 – 39,5%), đất bột cho nên có tỷ lệ lân rất thay đổi 3- 30%, chủ yếu ở dạng Ca3(PO4)2, tỷ lệ lân hòa tan trong axit yếu 2%, 5,6 – 39,5% OM, CaO có thể đạt tới 37%.
+ Tính chất: Như photphorit dạng bột, tồn tại dưới dạng như đất bột, rời rạc màu trắng hoặc xám, dễ khai thác, không đóng tảng như photphorit thường.


• Xương động vật:
+ Thành phần: Chứa 58 – 62% Ca3(PO4)2, 1 – 2% Mg3(PO4)2, 6 -7% CaCO3, 1,8 - 2,0% CaF2, 25 – 30% chất hữu cơ, 4 – 5% N.
+ Đặc điểm sử dụng. Dùng làm thức ăn cho gia súc (cho gà công nghiệp, vịt) có lợi hơn.
Bột xương nghiền còn dùng trong kỹ nghệ lọc đường.


Đặc điểm sử dụng các dạng phân lân thiên nhiên

- Các dạng phân lân thiên nhiên chỉ được dùng để bón lót cho cây trồng và nên bón lót sớm vào đất trong quá trình làm đất, nhằm tạo điều kiện cho quá trình chuyển hoá từ lân khó tiêu thành lân dễ tiêu.
- Nên bón theo hàng, theo hốc, càng gần rễ cây càng tốt.
- Nên bón cho đất có pH < 5, rất ngèo lân (P2O5 < 0,06%) và bón với liều lượng cao để đảm bảo cho hiệu quả nhanh và rõ.
- Hiệu lực của phân lân thiên nhiên phụ thuộc vào độ mịn của phân và kéo dài qua nhiều vụ. Đây là dạng phân lân có hiệu lực tồn tại lâu nhất.
- Phân này chỉ phát huy được hiệu quả khi được bón đủ đạm.
- Nên bón các dạng phân này kết hợp với các loại phân chuồng, phân xanh, phân chua sinh lý, supe lân để làm tăng hiệu lực của phân bón.
- Nên bón các phân lân thiên nhiên cho cây phân xanh, cây bộ đậu để vận dụng khả năng đồng hoá khó tiêu cao của cây phân xanh.
- Đây là các dạng phân lân rất thích hợp cho việc bón phân cải tạo đất.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

b. Phân lân chế biến
• Phân lân chế biến bằng axít

lanchebien

 

(Nguồn ảnh: http://hoidap.vinhphucnet.vn/)

Supe lân (supe phốt phát) là dạng phân lân thuộc nhóm phân lân chế biến bằng axit (tác động H2SO4 đặc với quặng apatit để chuyển apatit thành phốt phát 1 canxi). Có 3 loại supe lân khác nhau trên thế giới: đơn, giàu và kép. Ở Việt Nam hiện đang chỉ sản xuất phân lân supe đơn.
- Công thức hoá học: Ca(H2PO4)2. H2O + CaSO4
- Thành phần: 16 – 18% P2O5 (dao động 14 – 21%), 8 - 12% S, khoảng 23% CaO và 5% H3PO4, CaSO4 chiếm 40% trọng lượng của phân.
- Tính chất:
Đây là loại phân bón vừa chứa lân vừa chứa lưu huỳnh đều ở dạng rất dễ tiêu đối vối cây.
+ Phân có độ chua hoá học nhưng cũng chứa lượng khá lớn CaO nên tự có tác dụng khử chua.
+ Khi bón trên đất rất chua, nghèo chất hữu cơ, giàu sắt nhôm di động phốt phát hoá trị I của phân có thể tạo thành các phosphat sắt nhôm khó tiêu đối với cây làm giảm hiệu lực của phân bón này
+ Khi bón trên đất kiềm, phốt phát hoá trị I của supe lân có thể tạo thành các phốt phát khó tiêu với canxi làm cây trồng không sử dụng được.
- Đặc điểm sử dụng :
+ Supe lân sử dụng tốt nhất trên đất trung tính, nếu bón cho đất quá chua thì phải bón vôi trước để trung hoà độ chua của đất tới khoảng pH = 6,5 thì phân mới phát huy được hiệu quả.
+ Supe lân có thể dùng để bón lót, bón thúc. Do phân có chứa lân ở dạng hoà tan trong nước nên supe lân là loại phân lân duy nhất có thể dùng để bón thúc.
+ Đối với đất trồng màu nên dùng supe lân viên. Đối với đất trồng lúa thì supe lân viên và bột có hiệu quả như nhau.
+ Để nâng cao hiệu quả sử dụng của supe lân, nên trộn supe lân với phân lân tự nhiên (apatit, photphorit…) phân chuồng, nước giải trước khi bón cho cây trồng.
+ Bón supe lân cho các loại cây mẫn cảm với lưu huỳnh như: Cây họ đậu, cây họ thập tự, các loại rau, cây thuốc.
+ Phân supe lân chỉ có hiệu quả khi bón cho đất có đủ đạm hoặc được kết hợp cân đối với phân đạm.


• Phân lân chế biến bằng nhiệt

lannhiet

(Nguồn ảnh: http://www.niferco.com.vn)

Là dạng phân lân chế biến bằng cách dùng nhiệt độ cao (Apatit 1400 – 1500oC phân lân nung chảy) nên còn có tên là phân lân nhiệt luyện hay Tecmophotphat. Ở Việt Nam dạng phân này do 2 công ty phân lân nung chảy Văn Điển và Ninh Bình sản xuất nên còn thường được gọi là phân lân Văn Điển hay Ninh Bình.
- Công thức hoá học: Phức tạp, lân tồn tại dưới dạng tetra canxi phốt phát Ca4P2O9 và muối kép tetra canxi phốt phát và canxi silicat: Ca4P2O9. CaSiO3.
- Thành phần: Chứa 15 - 20% P2O5, 24 - 30% CaO, 18 - 20% MgO, 28 - 30% SiO2, 4,5 - 8,0% R2O3 và một số nguyên tố vi lượng.

- Tính chất:
+ Dễ tiêu với cây trồng, dễ bảo quản. Thích hợp với chân đất bạc màu pH chua, Ca, Mg (nhất là Mg) bị rửa trôi nhiều.
+ Khi bón phân nung chảy vào đất, phân tuy không hoà tan trong nước, nhưng dưới tác động của độ chua đất, các axit yếu do rễ cây và vi sinh vật có ở trong đất tiết ra làm cho dạng phân này trở thành dễ tiêu với cây. Dạng phân này có nhiều ưu điểm khi sử dụng trong điều kiện đất lúa ngập nước, đất nghèo Si, Ca, Mg hay cho các cây có nhu cầu về các chất trên cao.
+ Hiệu lực của phân lân nung chảy phụ thuộc vào độ mịn của phân.
- Đặc điểm sử dụng:
+ Đây là các dạng phân lân thích hợp nhất cho cây trồng trên đất chua hay cây trồng có phản ứng xấu với độ chua do tính kiềm và khả năng cải tạo độ chua đất của phân.
+ Phân cũng rất thích hợp cho các loại đất bạc màu, đất trũng, đất đồi chua có pH <5,0.
+ Đây là dạng phân lân thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt là các cây có nhu cầu Mg, Si, Ca cao.
+ Để đảm bảo hiệu quả dạng phân này cũng chỉ nên dùng để bón lót cho cây (do chứa dinh dưỡng không hoà tan trong nước). Khi bón cho cây trồng cạn cần bón theo hàng, theo hốc, bón càng gần rễ càng tốt nhằm tạo điều kiện cho cây hút lân được tốt hơn.
+ Do phân có phản ứng kiềm, cần tránh trộn phân lân nung chảy với phân đạm amôn và có thể làm mất đạm ở dạng NH3. Cũng không nên dùng phân lân nung chảy để ủ với phân hữu cơ vì có thể làm mất đạm vô cơ trong quá trình phân giải.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Kỹ thuật sử dụng phân lân
Lân là yếu tố phân bón có thể xuất hiện nhu cầu ngay khi đã bón đủ đạm.
Bón lân: Vì lân được SX chủ yếu theo 2 cách (dùng axit sunphuric đặc để khử quặng thành lân (lân supe) nên lân này có pH từ 4 - 4,5 (gây chua đất). Trong khi đó lân nung chảy lại có tính kiềm (pH = 8 - 8,5) vì quặng được nung chảy ở nhiệt độ cao thành lân. Do đó cần kiểm tra để biết đất ruộng là chua, trung tính hay kiềm mà chọn lân nào cho thích hợp. Cụ thể là đất chua nên bón lân nung chảy, đất hơi chua hoặc trung tính nên bón supe lân. Là yếu tố chậm phân giải nên phân lân phải bón sớm cho cây (bón lót là chủ yếu). Bón lân nên kết hợp với phân chuồng. Tốt nhất supe lân nên ủ cùng phân chuồng sẽ làm tăng hiệu suất của lân, hạn chế sự cố định của đất.
Lưu ý: Khi bón lân phải giữ đủ độ ẩm cho đất, không để đất khô. Mặt khác, khi bón nên trộn vào đất để phân càng gần rễ càng tốt.
Đất mới khai hoang trừ một số trường hợp đặc biệt hiệu quả phân lân không rõ. Sau nhiều năm trồng trọt, không bón phân lân, lân trong đất nghèo dần. Năng suất cây trồng càng cao thì dự trữ lân trong đất càng tỏ ra không đủ để cung cấp cho cây. Sản phẩm lấy đi càng nhiều, lân trong đất càng nghèo cạn kiệt. Nhu cầu bón lân xuất hiện dần theo tình hình thâm canh phát triển.
Phân lân nên chú ý sử dụng để bón lót.
Để giải quyết nhu cầu lân vào các thời kì sau đó, cách thường dùng là phun lân lên lá cây cùng với các chất vi lượng và điều hòa sinh trưởng.

*Chọn dạng phân bón:
Để phát huy hết hiệu quả của phân lân đối với cây trồng, trước khi sử dụng phân lân chúng ta cần lựa chọn loại phân lân phù hợp dựa trên các cơ sở sau:
• Căn cứ vào pH đất:
+ Supe lân nên bón trên đất trung tính, khi bón supe lân trên đất chua, trước đó phải bón vôi để trung hoà độ chua đến pH = 6,5 thì phân này mới phát huy hết hiệu quả.
+ Phân lân thiên nhiên, phân lân nung chảy bón cho đất chua, đất bạc màu, đất trũng, đất lầy thụt.
• Căn cứ các yếu tố dinh dưỡng đi kèm trong phân lân.
Có vai trò quan trọng để nâng cao hiệu quả của phân bón. Nhiều trường hợp dạng phân bón này tỏ ra tốt hơn dạng phân bón kia là do yếu tố dinh dưỡng đi kèm.
+ Supe lân do có chứa S nên thể hiện tính ưu việt với các cây có nhu cầu S cao.
+ Phân lân nung chảy nhờ có chứa Mg, SiO2 nên thể hiện tính ưu việt rất rõ trên đất thoái hoá rửa trôi mạnh hay khi bón cho các cây trồng có nhu cầu về các chất này cao.
Tuy nhiên, sự phối hợp nhiều loại phân lân trong sử dụng thường cho hiệu quả cao hơn. Do mỗi dạng phân lân đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định sự phối hợp chúng trong sử dụng sẽ phát huy được những ưu điểm, khắc phục được nhược điểm của từng dạng phân, tạo nên hiệu quả sử dụng phân bón chung tốt hơn.


• Vai trò của đạm đối với hiệu quả của việc bón lân
Phân lân chỉ phát huy tác dụng khi đất có đủ đạm hay được bón cân đối với phân đạm theo yêu cầu của cây. Trong trồng trọt nếu chưa có khả năng tăng được lượng phân N bón thì chưa nên tăng lượng lân bón vì sẽ không đem lại hiệu quả.


• Thời kỳ bón phân lân
Đối với hầu hết tất cả các loại cây trồng ở thời kỳ đầu sinh trưởng (thời kỳ cây con) rất cần lân để ra rễ và nếu thiếu lân ở thời kỳ này sẽ dẫn đên tình trạng khủng hoảng lân. Hơn nữa lân được tích luỹ vào trong cây ở giai đoạn sinh trưởng trước có thể chuyền hoá để tái sử dụng cho giai đoạn sau khi trong đất thiếu. Vì vậy, cần chú ý bón phân lân đủ cho cây trồng ngay từ đầu đối với tất cả các loại cây trồng. Bất cứ loại phân lân nào, cũng lấy bón lót là chính.
Việc bón thúc phân lân có thể cần thiết khi cây trồng có biểu hiện thiếu lân, hay vì lý do nào đó chưa bón lót toàn bộ lượng phân lân cần bón. Riêng trong sản xuất hạt giống, rất cần bón thúc phân lân trước thời kỳ hình thành hạt nhằm làm tăng tỷ lệ lân trong hạt giống, làm tăng sức nảy mầm và các chất lượng khác cho hạt giống. Việc bón thúc phân lân chỉ đạt hiệu quả khi bón bằng phân supe lân.


• Các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân lân
Để nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân lân khi sử dụng chúng ta cần chú ý những điểm sau:
+ Bón phân lân vào thời kỳ cây có nhu cầu lân cao (vườn ươm, ruộng mạ, lúc mới trồng cây trồng).
+ Bón phân lân càng gần rễ cây càng tốt, bón cho cây trồng cạn thường bón theo hàng theo hốc.
+ Bón phân lân kết hợp với phân chuồng, theo tỷ lệ so với phân chuồng, 2% đối với supe lân, 3 - 5% đối với photphorit.
+ Phối hợp supe lân với các loại lân khác trong sử dụng.
+ Bón phân lân theo đất: Đất chua nghèo lân dùng phân lân thiên nhiên; đất bạc màu, đất nhẹ nghèo Mg dùng phân lân nung chảy. Đất kiềm, trung tính dùng phân supe lân.
+ Bón phân lân theo cây: Ưu tiên bón phân lân cho các cây có nhu cầu lân cao, cây trồng cạn đặc biệt là các cây ngắn ngày nên bón supe lân, lúa nên bón phân lân nung chảy hay phân lân thiên nhiên, cây bộ đậu và phân xanh nên dùng phân lân thiên nhiên.
+ Chỉ supe lân mới có thể được dùng để bón thúc còn các loại phân lân khác chỉ dùng bón lót.


• Có thể bón phân lân cải tạo và bón lân duy trì
- Bón phân cải tạo: Là bón lượng lân lớn hơn nhiều so với nhu cầu của cây nhằm làm tăng hàm lượng lân có trong đất đến một mức thoả đáng tạo khả năng để đất cung cấp lân tốt cho cây và thường làm đối với đất nghèo lân.
- Bón phân duy trì: Là bón lượng phân vừa đủ bù đắp lượng lân mà cây trồng lấy đi hàng năm, để ổn định lượng lân (P2O5) có trong đất.
Trong thực tế người ta có thể bón tập trung lượng phân lân lớn của một số vụ cây trồng vào một lần bón cho cây trồng nào có nhu cầu lân cao nhất trong hệ thống luân canh để giảm chi phí vận chuyển và bón phân (tiện cho việc cơ giới hoá) (bón cải tạo).
Tuy nhiên bón một lượng phân lân cải tạo lớn có thể dẫn đến việc cản trở hút các nguyên tố vi lượng đặc biệt là Zn ở cây (do bị cố định). Ngoài ra khi trong đất có nhiều sắt, nhôm ở dạng hoà tan và khoáng sét nếu bón lượng phân lân quá lớn vào đất chúng dễ chuyển thành dạng khó tiêu hiệu lực còn lại rất thấp gây lãng phí, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cây. Vì vậy cần bón phân đúng lúc và liên tục để tăng hàm lượng lân dễ tiêu trong đất.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Tình hình sản xuất và sử dụng phân lân ở việt Nam


Phân lân, hai yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất phân lân trong nước hiện nay là quặng apatit (nguyên liệu) và than cốc (nhiên liệu). Mỏ Apatit Lào Cai là mỏ có trữ lượng quặng apatit rất lớn và duy nhất tại Việt Nam, cung cấp gần như toàn bộ quặng apatit làm nguyên liệu cho sản xuất phân lân. Trữ lượng lớn tuy nhiên các công ty sản xuất phân lân thường bị thiếu nguyên liệu do công suất tuyển quặng của đơn vị khai thác cũng như khả năng vận chuyển quặng đến các nhà máy quá yếu. Còn nguồn nhiên liệu than cốc cho sản xuất phân bón trước đây đều phải nhập khẩu nhưng nay đã được thay thế bằng than antraxit nội địa. Nhìn chung, các yếu tố đầu vào cho sản xuất phân lân Việt Nam đều có khả năng cung cấp đủ cho nhu cầu sản xuất.
Từ năm 1985 đến nay, mức tiêu thụ phân lân tăng 13,9%/năm. Sản xuất phân supe phophat đơn và phân lân nung chảy của các nhà máy hiện tại, tiêu hao nguyên liệu năng lượng cho một đơn vị P2O5 cao so với sản phẩm cùng loại của thế giới.
Do trong nước hầu như tự chủ được lượng sản xuất phân lân nên nước ta không nhập khẩu phân lân.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Như Hà, Lê Thị Bích Đào, 2010, Giáo trình phân bón I, NXB Nông nghiệp Hà Nội.
- GS. TS. Đường Hồng Dật, 2002, Cẩm nang cho phân bón, NXB Hà Nội.
- Viện Thổ nhưỡng Nông hóa,2005, Sổ tay phân bón, NXB Nông nghiệp Hà Nội.
- Vai trò của lân với cây trồng, hoa và cây cảnh; Thông tin khoa học, Viện nghiên cứu rau quả. (http://www.favri.org.vn/index.php/vi/tin-ta-c/tha-ng-tin-khoa-ha-c/290-vai-tro-c-a-lan-v-i-cay-tr-ng-hoa-va-cay-c-nh)
- Lưu ý bón đạm, lân, kali, trang tin khoa học, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. (http://vaas.org.vn/luu-y-bon-dam-lan-kali-a15016.html)
- Các loại phân lân và cách sử dụng, Trung tâm kiến thức, Trung tâm công nghệ hóa và dinh dưỡng cây trồng. (http://khaonghiemkiemnghiemphanbon.vn/trung-tam-kien-thuc/cac-loai-phan-lan-va-cach-su-dung-142.html).
- Chuyên viên phân tích Đoàn Minh Tin, 3/2015, Báo cáo Ngành Phân bón, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT.

 

home

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam