Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa


Định nghĩa

Vai trò của đạm

Các dạng phân đạm và sử dụng

Những điều cần chú ý khi sử dụng phân đạm

 

Định nghĩa

- Đạm: Là tên gọi chung của các loại phân bón vô cơ cung cấp đạm cho cây. Đạm là chất dinh dưỡng rất cần thiết và rất quan trọng đối với cây. Đạm là nguyên tố tham gia vào thành phần chính của clorophin, prôtit, các axit amin, các enzym và nhiều loại vitamin trong cây.
- Bón đạm thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cây, làm cho cây ra nhiều nhánh, phân cành, ra lá nhiều; lá cây có kích thước to, màu xanh; lá quang hợp mạnh, do đó làm tăng năng suất cây.
- Phân đạm cần cho cây trong suốt quá trình sinh trưởng, đặc biệt là giai đoạn cây sinh trưởng mạnh. Trong số các nhóm cây trồng đạm rất cần cho các loại cây ăn lá như rau cải, cải bắp, v.v..

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Vai trò của đạm

Trong 13 loại dưỡng chất thiết yếu cho cây trồng thì đạm đứng vị trí hàng đầu về lượng hấp thụ với tầm quan trọng cao nhất, chiếm 2-3% tổng vật chất khô của cây trồng. Mỗi năm, cả nước sử dụng trên 2 triệu tấn đạm urê, đây là loại đạm dễ sử dụng vì không làm thay đổi tính axit, bazơ của đất; riêng vùng Nam bộ là hơn 1 triệu tấn.
Tuy nhiên đây lại là loại phân bón dễ thất thoát, đặc biệt qua con đường bay hơi khiến lượng đạm cây trồng hấp thụ được chỉ từ 30-40% lượng cung cấp. Việc sử dụng phân đạm sao cho hiệu quả, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường là quan tâm hàng đầu của tất cả bà con nông dân nói chung và người trồng lúa nói riêng.
Khi đạm vào trong cây sẽ được tổng hợp để giúp tạo thành các loại protein từ đơn giản đến phức tạp, hay còn gọi là chất thịt, thành phần cơ bản của cơ thể sống. Nó tham gia vào cấu tạo của axit nucleic và có vai trò quan trọng trong việc trao đổi chất của cơ thể cây trồng.
Ngoài ra, đạm còn là thành phần của diệp lục tố tạo nên màu xanh cho lá cây, đây chính là yếu tố thiết yếu giúp thực vật quang hợp, biến đổi năng lượng của ánh sáng để chuyển đổi nước và cacbonic thành đường bột, nuôi sống toàn thể giới động vật.
Phân đạm là thức ăn chính của cây, giúp cho chồi, cành lá phát triển; lá có kích thước to sẽ tăng khả năng quang hợp từ đó làm tăng năng suất cây trồng. Thiếu đạm, cây sẽ sinh trường còi cọc, lá già toàn thân biến vàng, toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây sẽ bị trì trệ do thiếu chất hình thành tế bào, các quá trình sinh hóa cũng bị ngưng trệ.
Khi bón nhiều đạm mà điều kiện khử NO3- không thuận lợi (thiếu vi lượng cần cho hoạt động của men chuyển hóa chẳng hạn), đạm trong cây tồn tại nhiều dưới dạng NO3- không lợi cho người tiêu thụ sản phẩm. Quá trình quang hợp không cung cấp đủ gluxit và quá trình hô hấp không cung cấp đủ xêtô axit cho cây, đạm trong cây lại tồn tại nhiều dưới dạng NH4+ độc cho cây.
Cây hút đạm nhiều thì cũng hút nhiều các nguyên tố khác. Bón nhiều đạm cũng phải bón nhiều nguyên tố khác một cách cân đối mới có sản lượng cao, phẩm chất nông sản tốt.
Được bón đủ đạm lá cây có mầu xanh tươi, sinh trưởng khỏe mạnh, chồi búp phát triển nhanh, cành quả phát triển nhiều, lúa đẻ nhánh khỏe. Đó là những cơ sở để cây trồng cho năng suất cao.
Bón thừa đạm do cây phải hút nhiều nước để giảm nồng độ amôn trong cây nên tỷ lệ nước trong thân lá cao, thân lá vươn dài, mềm mại, che bóng lẫn nhau, lại ảnh hưởng đến quang hợp. Đạm hữu cơ hòa tan (amin, amit) trong cây nhiều cây dễ mắc bệnh. Bón nhiều đạm tỷ lệ diệp lục trong lá cao lá có mầu xanh tối lại hấp dẫn côn trùng nên thường bị sâu phá hoại mạnh. Bón thừa đạm quá trình sinh trưởng sinh dưỡng (phát triển thân lá) bị kéo dài; quá trình sinh trưởng sinh thực (hình thành hoa, quả, hạt) bị chậm lại. Cây thành thục muộn.
Bón thừa đạm phẩm chất nông sản kém, giá trị sinh học thấp: tỷ lệ NO3- trong rau, quả dễ vượt quá ngưỡng cho phép, rau có vị nhạt, thậm chí đắng. Tỷ lệ nước trong rau, củ cao khó bảo quản. Tỷ lệ hydratcacbon thấp, tỷ lệ đạm cao dưa muối dễ bị khú.
Cam, quýt bón nhiều đạm mã xấu đi.
Bón thừa đạm, cây không dùng hết, đất không giữ lại được (như trên các loại đất nhẹ, nghèo chất hữu cơ) nên đạm (kể cả NO3- và NH4+) bị kéo xuống sâu, hoặc bị cuốn theo nước mặt, làm ô nhiễm nguồn nước, kể cả nước mặt và nước ngầm.
Trong cây đạm rất linh động, khi đất thiếu đạm hay cây không hút đủ đạm, đạm có thể chuyển từ lá già về nuôi các lá non nên lá già rụng sớm. Hiện tượng thiếu đạm thể hiện ở các lá già trước.
Đối với các cây ăn quả, cây lâu năm đến cuối vụ sinh trưởng lá già rụng đi, đạm được chuyển về tích lũy vào thân và rễ làm nguồn dự trữ cho mùa phát triển sau. Cây thiếu đạm buộc phải hoàn thành chu kì sống nhanh, thời gian tích lũy ngắn, năng suất thấp.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Các dạng phân đạm và sử dụng

- Ngày nay các sản phẩm chính của công nghiệp sản xuất phân đạm khoáng với xu hướng giảm (NH4)2SO4, NH4NO3 nhưng tăng sản xuất urê và phân phức hợp.
* Dạng nitrat: NaNO3; Ca(NO3)2
* Dạng amôn và amôniắc: (NH4)2SO4 ; NH4Cl ; NH4NO3 + CaCO3;
(NH4)2CO3; NH4HCO3; NH3 khan; NH4OH.
* Dạng amôn – nitrat: NH4NO3; (NH4)3NO3SO4 , vv...
* Dạng amid: (NH2)2CO (Urê); CaCN2 (Xianamit canxi)

Đạm Sunphat (NH4)2SO4

- Màu trắng, kết tinh, mịn. Có khi màu xanh nhạt hoặc xanh lam (nhuộm). Có mùi amoniac (mùi khai nước tiểu), vị mặn và hơi chua, còn gọi là phân muối diêm.
- Hàm lượng đạm: 20,5-21,0% N. Trọng lượng 1 m3: 800 kg, thể tích 1 tấn phân: 1,25 m3. Hàm lượng nước: không quá 1,5% (ở khí hậu ẩm của ta thường cao hơn). Dễ tan trong nước: trong 100 g dung dịch sunphat đạm có thể chứa hơn 42 g (NH4)2SO4.
- Tỷ lệ H2SO4 tự do thường không quá 0,2%. Tơi, dễ rắc (nếu ẩm độ không quá 2%).

damsunphat

(Ảnh minh họa - Nguồn: tiennong.vn)

- Khi khô không vón cục, bị ẩm thì vón nhiều hơn, có thể đóng tảng cứng, khó bóp vụn, ít chảy nước, mức độ đóng cục đáng kể. Khi bón có thể trộn với các loại phân khác được.
- Đạm sunphat được dùng chuyên để bón cho các loài cây cần nhiều S và ít N như đậu đỗ, lạc, v.v.. và các loại vây vừa cần nhiều S vừa cần nhiều N như ngô.
- Cần lưu ý đạm sunphat là loại phân có tác dụng nhanh, rất chóng phát huy tác dụng đối với cây trồng, cho nên thường được dùng để bón thúc và bón thành nhiều lần để tránh mất đạm. Khi bón cho cây con cần chú ý là phân này dễ gây cháy lá.
- Không nên sử dụng phân đạm sunphat để bón trên đất phèn, vì phân dễ làm chua thêm đất.


Về đầu trang

home

 

 

 

Urê [CO(NH2)2]

Phân urê có 44 – 48% N nguyên chất. Loại phân này chiếm 59% tổng số các loại phân đạm được sản xuất ở các nước trên thế giới. Urê là loại phân có tỷ lệ N cao nhất. Trên thị trường có bán 2 loại phân urê có chất lượng giống nhau:
- Loại tinh thể màu trắng, hạt tròn, dễ tan trong nước, có nhược điểm là hút ẩm mạnh.
- Loại có dạng viên, nhỏ như trứng cá. Loại này có thêm chất chống ẩm nên dễ bảo quản, dễ vận chuyển nên được dùng nhiều trong sản xuất nông nghiệp.

ure

(Ảnh minh họa - Nguồn: tiennong.vn)


- Thích nghi rộng và có khả năng phát huy tác dụng trên nhiều loại đất khác nhau và đối với các loại cây trồng khác nhau. Phân này bón thích hợp trên đất chua phèn.
- Được bảo quản kỹ trong túi pôliêtilen và không được phơi ra nắng. Bởi vì khi tiếp xúc với không khí và ánh nắng urê rất dễ bị phân huỷ và bay hơi. Các túi phân urê khi đã mở ra cần được dùng hết ngay trong thời gian ngắn.
- Trong quá trình sản xuất, urê thường liên kết các phần tử với nhau tạo thành biurat. Đó là chất độc hại đối với cây trồng. Vì vậy, trong phân urê không được có quá 3% biurat đối với cây trồng cạn, 5% đối với lúa nước.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Phân amôn nitrat (NH4NO3)
- Phân amôn nitrat có chứa 33 – 35% N nguyên chất. Ở các nước trên thế giới loại phân này chiếm 11% tổng số phân đạm được sản xuất hàng năm.
- Dạng tinh thể muối kết tinh có màu trắng, vàng hoặc xám. Amôn nitrat dễ chảy nước, dễ tan trong nước, dễ vón cục, khó bảo quản và khó sử dụng. Là loại phân sinh lý chua.
- Có chứa cả NH4+ và cả NO3-, phân này có thể bón cho nhiều loại cây trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Amôn nitrat bón thích hợp cho nhiều loại cây trồng cạn như thuốc lá, bông, mía, ngô…

amonnitrat

 

(Ảnh minh họa - Nguồn: tiennong.vn)

- Phân này được dùng để pha thành dung dịch dinh dưỡng để tưới cây trong nhà kính và tưới bón thúc cho nhiều loại rau, cây ăn quả.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Đạm Clorua

dam_clorua

 

Đạm Amoni Clorua bột và Đạm Amoni Clorua đã ép mảnh
(Ảnh minh họa - Nguồn: tiennong.vn)


- Hàm lượng đạm có 24-25% N, bột mịn, kết tinh, màu trắng hoặc vàng gà, dễ tan trong nước, ít hút ẩm, không bị vón cục, tơi, rời, dễ bón.
- Phân nhẹ: 1 m3 cân nặng 600-700 kg, 1 tấn có dung tích 1,7 m3. Nung đến 350oC thì bốc hơi bay đi hết. Mức độ chảy nước là đáng kể, trộn với supe lân dễ chảy nước và dẻo.
- Là loại phân sinh lý chua. Vì vậy, nên bón kết hợp với lân và các loại phân bón khác. Đạm clorua không nên dùng để bón cho thuốc lá, chè, khoai tây, hành, tỏi, bắp cải, vừng, v.v… Ở các vùng khô hạn, ở các chân đất nhiễm mặn không nên bón phân đạm clorua, vì ở những nơi này trong đất có thể tích luỹ nhiều clo, dễ làm cho cây bị ngộ độc.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Phân Xianamit Canxi

- Dạng bột không có tinh thể, màu xám tro hoặc màu trắng, đốt không có mùi khai.
- Có chứa 20 – 21% N nguyên chất, 20 – 28% vôi, 9 – 12% than. Vì có than cho nên phân có màu xám đen. Cũng có loại phân tỷ lệ than thấp hoặc không có than nên phân có màu trắng.
- Chống ẩm cho phân khi bảo quản, bởi vì nếu phân hút ẩm sẽ bị biến chất, hạt phân phình to lên làm rách bao bì và làm hỏng dụng cụ đựng.
- Dễ bốc bụi. Khi bám vào da sẽ làm hỏng da, phân bay vào mắt sẽ làm hỏng giác mạc mắt, vì vậy khi sử dụng phân này phải rất cẩn thận.
- Phân này có phản ứng kiềm, bởi vậy có thể khử được chua, dùng rất tốt ở các loại đất chua.
- Xianamit canxi thường được dùng để bón lót. Muốn dùng để bón thúc phải đem ủ trước khi bón. Bởi vì phân này khi phân giải tạo ra một số chất độc có thể làm hỏng móng chân trâu bò, hại da chân người nông dân. Thường sau 7 – 10 ngày các chất độc mới hết. Thưởng xianamit canxi được trộn ủ với phân rác làm cho phân chóng hoai mục. Phân này không được dùng để phun lên lá cây.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Phân phôtphat đạm (Phốt phát amôn)


PhotphatDam


(Ảnh minh họa - Nguồn: tiennong.vn)


- Là loại phân vừa có đạm, vừa có lân (Ammoni photphate: như NH4H2PO4 (MAP), (NH4)2HPO4 (DAP - Diammoni photphat).
- Trong phân có tỷ lệ đạm là 18% N, tỷ lệ lân là 46% P2O5 đối với loại phân DAP và 11% N, tỷ lệ lân là 52% P2O5 đối với loại phân MAP.
- Phôtphat đạm có dạng viên, màu xám tro hoặc trắng, dễ chảy nước, dạng viên và được đựng trong các bao nilông. Dễ tan trong nước, phát huy hiệu quả nhanh.
- Phân được dùng để bón lót, bón thúc đều tốt, loại dễ sử dụng. Thích hợp dùng cho đất nhiễm mặn vì không làm tăng độ mặn, độ chua. Phân có tỷ lệ đạm hơi thấp so với lân, cho nên cần bón phối hợp với các loại phân đạm khác, nhất là khi bón cho các loại cây cần nhiều đạm.

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Những điều cần chú ý khi sử dụng phân đạm

Chuy

(Ảnh minh họa - Nguồn: tiennong.vn)


- Phân cần được bảo quản trong các túi nilông. Chỗ để phân cần thoáng mát, khô ráo, mái kho không bị dột. Không để chung phân đạm cùng với các loại phân khác.
- Cần bón đúng đặc tính và nhu cầu của cây trồng. Cây có những đặc tính rất khác nhau. Nhu cầu của cây đối với N cũng rất khác nhau. Có cây yêu cầu nhiều N, có cây yêu cầu ít. Nếu bón N nhiều, vượt quá yêu cầu của cây, N cũng gây ra những tác hại đáng kể. Bón đúng yêu cầu của cây, N phát huy tác dụng rất tốt.
- Cần bón đúng dạng phân theo đặc điểm của cây và của đất đai. Đối với các loại cây trồng cạn như: ngô, mía, bông, v.v.. bón đạm nitrat là thích hợp, nhưng đối với lúa nước nên bón đạm clorua hoặc SA.
- Đối với các loại cây họ đậu nên bón đạm sớm, trước khi nốt sần được hình thành trên rễ cây. Khi trên rễ cây đã có các nốt sần, không nên bón đạm, vì đạm ngăn trở hoạt động cố định đạm từ không khí của các loài vi khuẩn nốt sần.
- Cần bón đạm đúng với đặc điểm của đất: Phân có tính kiềm nên bón cho đất chua; phân chua sinh lý nên bón cho đất kiềm; đất lầy thụt, nhiều bùn không cần bón phân đạm.
- Cần bón đạm đúng lúc. Tốt nhất là bón vào thời kỳ sinh trưởng mạnh nhất của cây.
- Cần bón đạm đúng liều lượng và cân đối với lân và kali.
- Bón phân đạm cần lưu ý đến diễn biến của thời tiết. Không bón lúc mưa to, lúc ruộng vườn đầy nước.
- Không bón đạm tập trung vào một lúc, một chỗ, mà cần chia thành nhiều lần để bón và bón vãi đều trên mặt đất ở những nơi cần bón. Không bón đạm quá thừa. Vì khi thừa đạm, cây phát triển mạnh, dễ đổ ngã, ra hoa chậm, ít hạt, hạt lép nhiều, quả dễ rụng, nhiều sâu bệnh, phẩm chất quả giảm. Tốn tiền mua phân đạm mà không thu được kết quả gì, gây lãng phí.

(Nguồn:http://khaonghiemkiemnghiemphanbon.vn/trung-tam-kien-thuc/cac-loai-phan-dam-va-cach-su-dung-143.html)

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam