Sử dụng phân hữu cơ cải tạo đất
Sử dụng các chế phẩm cải tạo đất
Đất là môi trường sống và phát triển của các loại cây trồng – nguồn thực phẩm nuôi sống chúng ta và hơn thế nữa đó là nguồn nuôi dưỡng và duy trì sự sống trên hành tinh chúng ta. Tuy nhiên do yêu cầu của sự phát triển mà chúng ta đã và đang sử dụng đất của đất thông qua thâm canh và sử dụng quá mức các nguồn dinh dưỡng bổ sung từ bên ngoài vào đất. Điều đó làm đất ngày trở nên chai cứng, mất dần sức sản xuất. Như vậy cần phải cải tạo, duy trì và phát triển đất bền vững. Một trong các biện pháp hiện nay chính là sử dụng chất cải tạo đất.
Chất cải tạo đất trong sản xuất nông nghiệp là các sản phẩm sẵn có trong tự nhiên hoặc chế biến đưa vào đất nhằm mục đích cải tạo một số tính chất mà con người bổ sung vào đất với mục tiêu làm thay đổi tính chất của đất theo chiều hướng tốt. Ví dụ làm tính chất của đất chở nên: mềm, tơi xốp, tăng khả năng giữ nước và khả năng thoát nước, tạo điều kiện tốt nhất cho rễ cây phát triển. Đất phải bảo vệ được cổ rễ và rễ cây trước sự xâm hại của các loại nấm bệnh; đất phải tăng độ mùn, giữ chất dinh dưỡng.
Chất cải tạo đất cải thiện được tính chất sinh học của đất trồng, tăng chủng loại vi sinh vật có ích, nâng cao sức sống rễ cây, hạn chế mầm bệnh hại có trong đất.
Các chất cải tạo đất
- Vôi: Bón vôi đặc biệt hiệu quả cải tạo đối với những vùng đất chua phèn (Đất chua phèn có độ pH thấp < 6,5). Dùng vôi nông nghiệp trải đều khắp bề mặt đất vườn nhằm giúp hạ phèn (dùng liều lượng 150-200 kg vôi cho 1.000 m2 đất), nhờ nước mưa rửa trôi phèn thấm từ đất ra, sau 1-2 mùa mưa thì đất phèn được cải tạo và có thể trồng cây, canh tác hoa màu được.
Có 3 loại vôi chính dùng để bón cải tạo đất: bột đá vôi (CaCO3), vôi nung (CaO) và vôi tôi (Ca(OH)2). Vôi bột xám sẽ mang lại hiệu quả cải thiện pH đất cao nhất bởi trong vôi bột xám có chứa cả Ca và Mg. Tuy nhiên tùy theo tình trạng suy thoái cụ thể của từng loại đất và tác dụng của từng loại vôi mà sử dụng cho phù hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
- Phân bón: Đối với loại đất thoái hóa, nghèo kiệt, có hàm lượng chất hữu cơ thấp, khi bón vào đất phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất bằng việc cung cấp, bổ sung các chất mùn, trả lại chất hữu cơ lấy đi từ các sản phẩm thu hoạch, các loại vi sinh vật cho đất trồng.
Phân bón hữu cơ truyền thống như phân chuồng, phân xanh, phân rác,…Phân bón hữu cơ công nghiệp như phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón vi sinh và phân bón hữu cơ khoáng.
- Các chế phẩm khác: Áp dụng chế phẩm sinh học trong cải tạo đất trồng, bổ xung các sinh vật (vi sinh vật) có lợi cho đất. Sử dụng chế phẩm cho hiệu quả nhanh và không gây hại cho cây trồng.
Bón vôi cải tạo pH cho đất (Ảnh-nguồn http://nongnghiep.vn)
Theo khuyến cáo, muốn bón vôi có hiệu quả cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng loại, đúng lượng, đúng thời điểm và bón đúng cách.
Bón đúng lượng cho từng loại đất: Lượng vôi cần sử dụng cho từng loại đất cần căn cứ vào 3 yếu tố sau đây: tùy thuộc vào độ chua của đất (độ pH). Đất bị chua nhiều cần bón nhiều vôi, đất ít chua bón ít vôi hơn. Đất sét bón nhiều vôi nhưng nhiều năm mới bón lại trong khi với đất cát thì không nên bón một lần với lượng quá nhiều vì nó có thể làm ức chế sự hấp thụ một số dưỡng chất khác. Tùy thuộc vào lượng chất hữu cơ trong đất: đất nhiều hữu cơ bón nhiều vôi, nhiều năm bón lại; ngược lại nếu đất ít hữu cơ nên bón lượng ít hơn nhưng nên bón vôi thường xuyên hơn.
- Với đất sét, nhiều chất hữu cơ: nếu độ pH từ 3,5-4,5 cần bón 2 tấn vôi/ha; pH từ 4,6-5,5 bón 1 tấn vôi/ha; pH từ 5,6-6,5 bón 0,5 tấn vôi/ha, pH > 6,5 không cần bón vôi.
- Với đất cát, ít chất hữu cơ: nếu độ pH từ 3,5 đến 4,5 bón < 1 tấn vôi/ha; pH từ 4,6-5,5, bón < 0,5 tấn vôi/ha; pH từ 5,6-6,5, bón < 250 kg vôi/ha; pH >6,5 không cần bón vôi.
Sau vài năm nếu bà con muốn bón vôi lặp lại thì cũng nên kiểm tra lại độ pH trước khi quyết định lượng vôi cần bón cho thích hợp.
Bón đúng thời điểm:
- Với vườn cây kiến thiết cơ bản (chưa cho thu hoạch) có thể bón bất cứ vào thời điểm nào trong năm, tuy nhiên tốt nhất là vào đầu mùa mưa.
- Với các vườn đang cho trái, chỉ nên bón sau khi đã thu hoạch xong kết hợp với các biện pháp chăm sóc khác như cắt cành, tạo hình, bón phân, bồi đắp bổ sung mặt liếp, phòng trừ sâu bệnh… nhằm làm giảm độ chua của đất sau 1 năm cây trồng khai thác đất.
Bón vôi đúng cách: Bón rải đều lượng vôi đã được xác định cho từng loại đất trên mặt liếp rồi dùng cuốc xới sâu 5-10 cm để trộn đều vôi với đất rồi tưới nước từ từ, tưới nhiều lần cho vôi hòa tan trong đất mới có tác dụng tốt.
Sử dụng phân hữu cơ cải tạo đất
Bón phân hữu cơ ủ từ dây, lá dưa cho đất
- Phân hữu cơ truyền thống: Là tên gọi chung của các loại phân chế biến theo phương pháp kỹ thuật ủ truyền thống từ phế phụ phẩm từ nông nghiệp như phân chuồng, phân rác, phân xanh,…bón được cho hầu hết các loại đất và tất cả loại cây trồng.
Đối với nhóm phân này trước khi đưa vào sử dụng bón cải tạo đất cần phải chế biến (ủ) cho hoại mục. Phân chuồng tươi, chưa ủ hoại mục khi đó phân chứa các dưỡng chất khó tiêu cây trồng khó hấp thu, ngoài ra còn gây ô nhiễm môi trường, trong quá trình phân hủy các chất sẽ sản sinh ra một số chất gây độc cho rễ (hiện tượng ngộ độc hữu cơ) và trong phân chuồng tươi, phân chưa ủ hoại mục tồn tại nhiều dạng nấm bệnh, hạt cỏ dại gây hại cho cây trồng, các vi khuẩn thổ tả, ký sinh trùng, trứng giun, trứng sán,…gây bệnh cho con người. Khi ủ hoai mục sẽ tiêu diệt các mầm mống bệnh hại, hạt cỏ dại tồn tại trong phân, thúc đẩy nhanh các quá trình khoáng hóa, phân giải những chất khó hấp thu để cây trồng dễ hấp thu hơn và hấp thu nhanh hơn.
Phân hữu cơ truyền thống được sử dụng chủ yếu để bón lót khi làm đất, trước khi trồng. Cách bón là bón theo hàng, theo hốc, theo hố hoặc bón rải trên mặt đất rồi cày vùi xuống. Lượng phân bón tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng nhiều hay ít, loại đất tốt hay đất xấu và chất lượng của phân bón, phân bón chất lượng tốt thì bón ít, phân có hàm lượng dinh dưỡng thấp thì bón nhiều, phân chuồng bón từ 0,5-2 tấn/hecta. Phân xanh cày vùi vào đất khi cây ra hoa lúc làm đất.
Sử dụng men HB-01 ủ cho lượng vỏ cafe của 1,2 – 1,5 tấn nhân (Nguồn https://giacaphe.com)
- Phân hữu cơ chế biến: Có thể sử dụng cho cả bón lót lẫn bón thúc, được chế biến từ những chất có nguồn gốc hữu cơ ở quy mô công nghiệp có bổ sung.
Sản xuất phân hữu cơ chế biến công nghiệp (Nguồn http://www.giatieu.com)
Bón theo hàng, theo hốc hay rải đều trên mặt đất rồi cày vùi, bón lót khi làm đất trước gieo trồng. Bón thúc theo chiều rộng của tán cây, bón vòng quanh tán cây, đào rãnh để bón hoặc rải đều trên mặt đất đối với cây lâu năm. Đối với cây ngắn ngày thì dụng bón lót là chủ yếu, bón thúc nên bón sớm để phân đạt hiệu quả cao hơn.
- Phân vi sinh: Là phân bón trong thành phần có chứa các vi sinh vật có lợi (vsv cố định đạm, vsv phân giải, vsv đối kháng,…), bón vào đất với công dụng như tổng hợp các chất (vsv cố định đạm) phân giải những chất khó tiêu thành chất dễ tiêu (vsv phân giải lân,…) khống chế (ức chế hoặc tiêu diệt) mầm bệnh trong đất (các vsv đối kháng, ký sinh,…).
Phân vi sinh Dasvila chuyên dùng cho cây lúa chứa 2 chủng vi khuẩn Azospirillum sp, Pseudomonas (Nguồn ảnh http://www.dasco.vn)
Phân vi sinh phát huy hiệu quả ở những vùng đất mới, đất thoái hóa, phèn, đất chai cứng…do làm dụng phân vô cơ hay bón trong thời gian dài, vùng chưa canh tác những loại cây trồng có các loại vi khuẩn cộng sinh. Tuy nhiên, phân có nhược điểm là có hạn sử dụng, vì vi sinh vật cần có các chất hữu cơ làm thức ăn nhưng trong phân vi sinh hàm lượng các chất hữu cơ rất ít, nguồn chất hữu cơ có hạn. Đây cũng là lý do cho các loại phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh ra đời, để có sản phẩm phân bón chất lượng hơn và thể kéo dài thời hạn sử dụng của phân bón.
- Phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh: Được sản xuất từ nguồn liệu hữu cơ, áp dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất, phối trộn với một số chất để tăng hiệu quả của phân bón. Là phân bón giúp cải tạo đất đai rất có hiệu quả.
Phân hữu cơ Sông Gianh (Nguồn http://songgianh.com.vn)
Thành phần: Độ ẩm: 15%, P2O5hh: 1,5%, axit humic: 2,5%, trung lượng: Ca, Mg, S. Các chủng vi sinh vật hữu ích: Bacillus: 1x106 CFU/g; Azotobacter: 1x106 CFU/g; Aspergillus sp: 1x106 CFU/g.
Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh EMZ FUSA cho vườn cam (nguồn:tincay.com)
Có thể dùng bón gốc hay phun lên lá. Sử dụng cho cả bón lót và bón thúc. Đối với cây ngắn ngày thì bón lót là phần nhiều, bón bằng cách rải đều rồi vùi xuống khi làm đất hoặc bón theo hốc, hàng phủ một lớp đất mỏng rồi mới gieo trồng, với cây lâu năm bón theo hố trộn đều với lớp đất mặt rồi cho xuồng hố rồi trồng. Bón lón với cây lâu năm bón vòng quanh tán theo chiều rộng của tán đào rãnh bón rồi lấp một lớp đất mỏng hoặc rải đều trên mặt đất rồi tưới nước ngay. Với các loại phân bón lá thì hòa tan theo liều lượng chỉ dẫn của nhà sản xuất rồi phun đều lên toàn bộ cây trong vườn.
Chú ý: Khi sử dụng các sản phẩm phân vi sinh, phân hữu cơ sinh học, vi sinh không nên sử dụng các loại thuốc BVTV, phân bón hóa học để phân bón đạt hiệu quả cao, vì phân hóa học, thuốc BVTV có thể làm chết vi sinh vật , giảm hiệu lực của phân bón. Sau khi bón cần giữ độ ẩm thích hợp cho vi sinh vật hoạt động và phát triển.
Sử dụng các chế phẩm cải tạo đất
Hiện nay, bên cạnh việc ứng dụng các phương pháp cổ truyền như cày xới đất, bón vôi,…thì người dân đã bắt đầu biết áp dụng chế phẩm sinh học trong cải tạo đất trồng. Ưu điểm vượt trội của việc áp dụng chế phẩm sinh học trong cải tạo đất trồng chính là hiệu quả nhanh và không gây hại cho cây trồng.
Chế phẩm sinh học cải tạo đất là sản phẩm được tạo ra bởi con người, bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều dòng vi khuẩn có lợi trong cùng một môi trường để tác động tới đối tượng cần cải tạo (đất, nước, đường ruột, v.v…). Chính vì vậy hiện nay nông dân đã ứng dụng chế phẩm sinh học (vi sinh) trong cải tạo đất trồng.
Ứng dụng chế phẩm EM1 trong trồng rau sạch (nguồn:tincay.com)
Khi sử dụng tại các vùng đất kém dinh dưỡng chế phẩm vừa có tác dụng cải tạo đất, tăng độ phì cho đất vừa giúp cây trồng hấp thu chất dinh dưỡng dễ dàng hơn, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Nhóm chế phẩm sinh học dùng cải tạo đất, xử lý phế thải nông nghiệp: là loại chế phẩm có nguồn gốc sinh học được đưa vào đất cải tạo lý hóa tính của đất (kết cấu đất, độ ẩm, hữu cơ, khả năng giữ nước,…) hoặc giải phóng đất khỏi những yếu tố bất lợi khác (kim loại nặng, vi sinh vật, hóa chất độc hại…) làm cho đất trở nên tốt hơn có thể sử dụng làm đất canh tác cây trồng.
Một số chế phẩm ứng dụng: Chế phẩm vi sinh cải tạo đất của tác giả Nguyễn Thu Hà - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa có chứa các vi sinh vật có hoạt tính cố định nitơ, phân giải phốt phát khó tan, phân giải kali khó tan và có tác dụng sinh chất giữ ẩm cho đất rất thích hợp với các loại đất bạc màu, nghèo kiệt về dinh dưỡng, đất khô hạn. Đây là điểm vượt trội hoàn toàn so với các chế phẩm vi sinh hiện đang có ở nước ta.
Chế phẩm sinh học EM hay còn gọi là Vi sinh vật hữu hiệu Effective microorganisms (EM) là tập hợp các loài vi sinh vật có ích (vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, nấm men, xạ khuẩn, nấm mốc), sống cộng sinh trong cùng môi trường. Có thể áp dụng chúng như là một chất cấy nhằm tăng cường tính đa dạng vi sinh vật đất, bổ sung các vi sinh vật có ích vào môi trường tự nhiên, giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường do các vi sinh vật có hại gây ra. Kết quả là có thể cải thiện chất lượng và làm tốt đất, chống bệnh do vi sinh vật và tăng cường hiệu quả của việc sử dụng chất hữu cơ của cây trồng, vật nuôi.
Chế phẩm sinh học cải tạo đất Antisalino có phức hợp của nhiều thành phần khác nhau, cụ thể hữu cơ: 12%, axit humix: 15%, N: 3%, P2O5: 3,4%, K2O: 3,6%, S: 2%; (Amino axit: 0,5% và các nguyên tố vi lượng); Ca: 7%; phức hợp 100%, chiết xuất công nghệ enzym: 10%. Loại chế phẩm này được ứng dụng như một loại phân bón lót, có tác dụng giải độc hữu cơ, cải tạo đất, điều chỉnh thổ nhưỡng do nhiễm mặn, nhiễm phèn.
Trichoderma – chế phẩm sinh học cải tạo đất và phòng trừ nấm bệnh. Trichoderma là tập đoàn các vi nấm, trong đó có nhiều loại có những tác dụng như tạo ra các phức hợp enzym, gồm amylaza, proteaza, xenlulaza… Các enzym này phân giải xenluloza, chất xơ, chitin, hydratcacbon, protein thành các thành phần đơn giản để cây dễ hấp thụ, giúp cho phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp nhanh hoai mục và chất lượng phân được nâng cao. Trichoderma còn phân hủy nhanh các chất xơ thành các chất hữu cơ cung cấp dinh dưỡng và tăng cường đề kháng cho cây trồng.
HN-2000 là chế phẩm dạng hữu cơ vi sinh đa vi lượng mà thành phần chính là than bùn hữu cơ được lấy ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Chế phẩm này hoàn toàn không sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc từ các loại chất thải động vật, chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt cũng như những nguồn có thể gây ô nhiễm khác.
Dùng HN-2000 đất tơi xốp, tăng được độ phì, hàm lượng dinh dưỡng lên rất cao, đất giữ được độ ẩm lớn nhờ cân bằng nước và không khí và vì thế có tác dụng lớn trong việc cải tạo được những chân đất chai cứng hoặc đất bạc màu.
Qua kết quả dùng thử nghiệm trên nhiều loại đất với nhiều loại cây trồng khác nhau (như các loại rau, cây chè, cà phê, cây dứa) cho thấy: HN-2000 hoàn toàn có thể thay thế cho các loại phân chuồng, phân hữu cơ có nguồn gốc động - thực vật (thường có nhiều mầm bệnh đối với cây trồng), giúp cho cây trồng phát triển nhanh, rút ngắn được chu kỳ tăng trưởng, cây trồng có được bộ rễ khỏe, kháng bệnh tốt, năng suất cây trồng (nhất là các loại rau) tăng từ 30 đến 40% và giảm từ 20 đến 30% chi phí đầu tư cho cây trồng (bao gồm: giảm phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động).