Định luật trả lại
Tổng kết các kết quả thực nghiệm về dinh dưỡng khoáng của cây trồng vào cuối thế kỷ XIX các nhà khoa học Pháp (Boussingault, Deheran) và Đức (Liebig), những người được xem là các nhà tiên phong về hóa học nông nghiệp đã phát biểu định luật:
Để cho đất khỏi bị kiệt quệ, cần trả lại cho đất tất cả những nguyên tố cây trồng lấy đi theo sản phẩm thu hoạch.
Định luật cho phép xây dựng kế hoạch năng suất theo kế hoạch phân bón nếu tính đầy đủ đến hệ số sử dụng phân bón của cây.
Định luật có thể dùng làm cơ sở cho việc tính toán lượng phân bón để duy trì độ phì nhiêu của đất.
Định luật mở đường cho phân hóa học phát triển khiến cho năng suất ruộng đất tăng lên rất nhanh.
Hiện nay trong việc vận dụng biện pháp sinh học cải tạo đất người ta đã cải tạo đất mặn bằng cách trồng cây chịu mặn, có khả năng đồng hóa natri cao, để rút nhanh Na+ ra khỏi dung tích hấp thu trước khi trồng các cây trồng khác.
Như vậy là có những nguyên tố không cần trả lại. Trả lại một cách máy móc có thể khiến cho đất mãi mãi mất cân đối.
Song định luật này chưa đầy đủ. Đất được xem là một vật chết, là giá đỡ của cây trồng. Trong đất có một quá trình chuyển hóa lý, hóa, sinh phong phú và phức tạp, nên nếu chỉ đơn thuần trả lại các chất khoáng bị cây trồng lấy đi là chưa đủ, mà còn phải chú ý đến quá trình phá hủy mùn trong đất sau canh tác. Ngoài việc duy trì chất khoáng còn phải duy trì hàm lượng mùn cho đất. Nếu các quá trình lí, hóa, sinh không được cải thiện qua việc duy trì mùn cho đất một cách hợp lý thì dù có trả lại đầy đủ chất khoáng cây trồng cũng khó sử dụng một cách có hiệu quả. Mùn trong đất có tác dụng rất rõ đến hệ số sử dụng phân bón của cây trồng.
Định luật cần được mở rộng: Ngoài việc trả lại những yếu tố do cây trồng lấy đi còn phải trả lại lượng chất dinh dưỡng bị rửa trôi, các chất mất đi do hậu quả của quá trình trao đổi ion. Thí dụ: trả lại Magiê cho đất sau khi bón nhiều kali...