Sử dụng phân bón hữu cơ truyền thống được ủ hoai mục (trường hợp sử dụng phân bón tự sản xuất hoặc phân hữu cơ chế biến)
Hiệu suất sử dụng phân bón hiện nay đang rất thấp cũng do việc sử dụng mất cân đối phân bón vô cơ và hữu cơ. Nắm được các nguyên tắc sử dụng phân bón nêu trên việc dùng phân hữu cơ (truyền thống được ủ hoai mục hoặc sản phẩm chế biến) là cần thiết.
Phát triển sản xuất trong nông nghiệp hữu cơ và thực hành nông nghiệp tốt, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, còn có thể khai thác tiềm năng rất lớn về tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời cải thiện môi trường đất.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế cao, ổn định ở những nơi bón cân đối tỷ lệ đạm hữu cơ và vô cơ. Bón phân hữu cơ còn làm giảm bớt lượng phân khoáng cần bón. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu bón 10 tấn phân chuồng/ha có thể giảm bớt được 40-50% lượng phân kali cần bón, hiệu quả sử dụng của phân đạm vô cơ trên cây lúa có thể tăng lên 30-40% trên nền bón phân hữu cơ so với nền không bón.
1. Tác dụng của phân bón hữu cơ với đất và cây trồng
- Thứ nhất, chất hữu cơ tồn tại xen kẽ với các thành phần kết cấu của đất, tạo ra sự thông thoáng giúp rễ phát triển mạnh nên có cường độ hô hấp tối đa và dễ dàng hấp thu các nguồn dinh dưỡng.
- Thứ hai, chất hữu cơ sẽ lưu giữ các khoáng chất đa, trung, vi lượng từ các loại phân bón hóa học và cung cấp dần cho cây hạn chế được hiện tượng thất thoát phân bón trong quá trình sử dụng, giảm chi phí đáng kể trong SX nông nghiệp, giúp đất giữ ẩm làm cây chống chịu khô hạn tốt hơn. Sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng còn có tác dụng cải thiện chế độ mùn, điều hoà dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón.
- Thứ ba, sự hiện diện của chất hữu cơ làm môi trường sống cho các hệ vi sinh có ích, các hệ vi sinh này cân bằng môi trường của hệ sinh thái vì vậy sẽ hạn chế một số đối tượng gây bệnh, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Một vấn đề khác trong sử dụng phân bón hữu cơ, đó là dường như người dân hiện đang sử dụng phân bón hữu cơ truyền thống theo thói quen và phân bón hữu cơ công nghiệp theo hướng dẫn chủ yếu của người bán hàng và nhãn mác sản phẩm. Vì vậy người nông dân cũng cần có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu về các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ cân đối hiệu quả.
2. Kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ truyền thống
Là tên gọi chung của các loại phân chế biến theo phương pháp kỹ thuật ủ truyền thống từ phế phụ phẩm từ nông nghiệp như phân chuồng, phân rác, phân xanh,…bón được cho hầu hết các loại đất và tất cả loại cây trồng.
Đối với nhóm phân này trước khi đưa vào sử dụng bón cho đất cần phải chế biến (ủ) cho hoại mục. Phân chuồng tươi, chưa ủ hoại mục khi đó phân chứa các dưỡng chất khó tiêu cây trồng khó hấp thu, ngoài ra còn gây ô nhiễm môi trường, trong quá trình phân hủy các chất sẽ sản sinh ra một số chất gây độc cho rễ (hiện tượng ngộ độc hữu cơ) và trong phân chuồng tươi, phân chưa ủ hoại mục tồn tại nhiều dạng nấm bệnh, hạt cỏ dại gây hại cho cây trồng, các vi khuẩn thổ tả, ký sinh trùng, trứng giun, trứng sán,…gây bệnh cho con người. Khi ủ hoai mục sẽ tiêu diệt các mầm mống bệnh hại, hạt cỏ dại tồn tại trong phân, thúc đẩy nhanh các quá trình khoáng hóa, phân giải những chất khó hấp thu để cây trồng dễ hấp thu hơn và hấp thu nhanh hơn.
Phân hữu cơ truyền thống được sử dụng chủ yếu để bón lót khi làm đất, trước khi trồng. Cách bón là bón theo hàng, theo hốc, theo hố hoặc bón rải trên mặt đất rồi cày vùi xuống. lượng phân bón tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng nhiều hay ít, loại đất tốt hay đất xấu và chất lượng của phân bón, phân bón chất lượng tốt thì bón ít, phân có hàm lượng dinh dưỡng thấp thì bón nhiều, phân chuồng bón từ 0,5-2 tấn/hecta. Phân xanh cày vùi vào đất khi cây ra hoa lúc làm đất.
3. Kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ chế biến
Gồm các loại phân hữu cơ được chế biến từ các chất có nguồn nguyên liệu hữu cơ theo quy trình công nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm phân bón có hàm lưỡng dinh dưỡng cao, chất lượng hơn so với nguyên liệu ban đầu. Có thể bón cho hầu hết các loại đất và các loại cây trồng, lượng phân bón tùy thuộc vào chất đất (đất xấu bón nhiều, đất tốt bón ít), vào cây trồng (cây xấu, có nhu cầu dinh dưỡng cao thì bón nhiều, cây tốt, có nhu cầu dinh dưỡng ít thì giảm lượng phân bón) vào chất lượng phân (phân có hàm lưỡng dinh dưỡng cao bón ít, hàm lượng dinh dưỡng thấp thì bón nhiều).
Có thể sử dụng cho cả bón lót lẫn bón thúc, được chế biến từ những chất có nguồn gốc hữu cơ.
Bón theo hàng, theo hốc hay rải đều trên mặt đất rồi cày vùi, bón lót khi làm đất trước gieo trồng. Bón thúc theo chiều rộng của tán cây, bón vòng quanh tán cây, đào rãnh để bón hoặc rải đều trên mặt đất đối với cây lâu năm. Đối với cây ngắn ngày thì dụng bón lót là chủ yếu, bón thúc nên bón sớm để phân đạt hiệu quả cao hơn.
Tài liệu tham khảo:
+ Dự thảo Nghị định quản lý nhà nước về phân bón.
+ Hướng dẫn thực hành sử dụng phân bón, NXB Nông nghiệp, Hà Nội,1996 (GS. Võ Minh Kha).
+ TCVN Thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam - Lĩnh vực trồng trọt (VietGAP).