Header

Ban biên tập

  • Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Trần Minh Tiến - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
  • Bùi Huy Hiền - Hội Khoa học đất
  • Bùi Quang Đãng - Ban Khoa học & HTQT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Đỗ Minh Phương -  Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
  • Trần Thị Minh Thu - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa

Mở đầu

Thị trường phân bón hữu cơ

Thị trường phân bón vô cơ

Một số tồn tại trong thị trường phân bón ở Việt Nam hiện nay

 

Mở đầu

Phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và được sử dụng với số lượng lớn hàng năm trong sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất và sử dụng phân bón đúng cách, cân đối sẽ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại. Do vậy thị trường phân bón tại Việt Nam có rất nhiều biến động.

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Thị trường phân bón hữu cơ

Tình hình sản xuất phân bón hữu cơ

Phân bón hữu cơ bao gồm hai nhóm: phân bón hữu cơ truyền thống và phân bón hữu cơ công nghiệp.
Phân bón hữu cơ truyền thống là loại phân bón có nguồn gốc từ chất thải của động vật hoặc phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông lâm thủy sản, phân xanh, rác thải hữu cơ, các loại than bùn được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống. Trong nhóm này có thể chia thành 5 nhóm nhỏ là: phân chuồng, phân rác, than bùn, phân xanhvà phân hữu cơ khác.
Phân bón hữu cơ công nghiệp là loại phân bón được chế biến từ các nguồn hữu cơ khác nhau để tạo thành phân bón tốt hơn so với nguyên liệu thô ban đầu. Hiện nay, phân bón hữu cơ công nghiệp chia thành các loại sau: phân hữu cơ, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học và phân hữu cơ vi sinh.

 

Tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ đang được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 713 sản phẩm (hữu cơ: 32, hữu cơ khoáng: 268, hữu cơ sinh học: 169, hữu cơ vi sinh: 239, hữu cơ cải tạo đất: 5), chiếm 5% so với tống số sản phẩm phân bón (14.318 sản phẩm), còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ (13.423 sản phẩm) và 1,3% là phân bón sinh học (182 sản phẩm).
Như vậy số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong nước thuộc loại phân bón vô cơ đã gấp hơn 19 lần số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ.


 

Tình hình xuất khẩu phân bón hữu cơ
Giai đoạn 2015-2017, Việt Nam xuất khẩu phân bón hữu cơ đến 34 quốc gia khác nhau với khối lượng tăng mạnh trong hai năm 2016 và 2017. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu năm 2017 xấp xỉ 76.000 tấn, tăng hơn 6 lần so với năm 2015 (12.000 tấn).
Về doanh nghiệp xuất khẩu: Năm 2015 mới chỉ có 02 doanh nghiệp xuất khẩu phân bón hữu cơ, năm 2016 là 12 doanh nghiệp, đến năm 2017 đã có 19 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phân bón hữu cơ, chủ yếu là Công ty Cổ phần hữu hạn VEDAN Việt Nam (gần 68.000 tấn), Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (xấp xỉ 3.900 tấn), Công ty Cổ phần Sê Công (trên 2.000 tấn) còn lại là các doanh nghiệp khác xuất khẩu từ 7-504 tấn.
Về chủng loại: Năm 2015 có 17 sản phẩm phân bón hữu cơ được xuất khẩu, năm 2016 tăng lên 56 sản phẩm và năm 2017 đã có tổng cộng 75 sản phẩm phân bón hữu cơ được xuất khẩu ra nước ngoài. Trong số đó, chủ yếu là phân bón hữu cơ (42 sản phẩm với khối lượng xấp xỉ 60.000 tấn), phân bón hữu cơ khoáng (20 sản phẩm với khối lượng trên 9.500 tấn), phân bón hữu cơ vi sinh (11 sản phẩm với khối lượng xấp xỉ 6.500 tấn) và một lượng ít phân bón khoáng hữu cơ.

Thị trường xuất khẩu phân bón của Việt Nam chủ yếu là các nước khu vực Đông nam Á, trong đó Campuchia là thị trường lớn nhất, năm 2015 đạt 301 nghìn tấn chiếm tỷ trọng 38% tổng lượng phân bón xuất khẩu, tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc, Malaixia, Philipin chiếm tỷ trọng lần lượt khoảng 10%, còn lại là Thái Lan, Lào,v.v…
(Nguồn: http://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/viet-nam-la-nuoc-nhap-sieu-phan-bon-107624-22.html)


Tình hình nhập khẩu phân bón hữu cơ
Khối lượng phân bón hữu cơ nhập khẩu trong 3 năm gần đây đều đã tăng đáng kể. Cụ thể, khối lượng nhập khẩu năm 2017 là khoảng 220.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2016 (xấp xỉ 102.000 tấn).
Trong số đó, phải kể đến phân bón vi sinh vật, khối lượng nhập khẩu năm 2017 (617 tấn) tăng gần 5 lần so với năm 2015 (126 tấn) và tăng gần 2 lần so với 2016 (319 tấn). Khối lượng nhập khẩu phân bón hữu cơ sinh học năm 2017 (xấp xỉ 117.000 tấn) tăng gần 8 lần so với năm 2016 (xấp xỉ 15.000 tấn). Đặc biệt, năm 2017 Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu phân bón hữu cơ cải tạo đất với khối lượng 105 tấn.


(Nguồn: Báo cáo thực trạng và giải pháp phát triển phân bón hữu cơ – Phòng Phân bón - Cục Trồng trọt)

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Thị trường phân bón vô cơ

Tình hình sản xuất phân bón vô cơ trong nước

Phân urê hiện tại năng lực trong nước đến thời điểm hiện tại là 2,340 triệu tấn/năm, bao gồm Đạm Phú Mỹ 800.000 tấn, Đạm Cà Mau 800.000 tấn, Đạm Hà Bắc 180.000 tấn, Đạm Ninh Bình 560.000 tấn. Dự kiến cuối năm 2014, Đạm Hà Bắc nâng công suất từ 180.000 tấn lên 500.000 tấn/năm, cả nước sẽ có 2,660 triệu tấn/năm. Như vậy, về urê đến nay, sản xuất trong nước không những phục vụ đủ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp mà còn có lượng để xuất khẩu.


Phân DAP, hiện sản xuất trong nước tại nhà máy DAP Đình Vũ 330.000 tấn/năm, đến hết 2015 có thêm nhà máy DAP Lào Cai công suất 330.000 tấn/năm và theo kế hoạch của Thủ tướng từ nay đến hết năm 2015 sẽ có thêm một nhà máy DAP nữa hoặc nâng công suất hiện có của DAP Đình Vũ lên thêm 330.000 tấn/năm. Như vậy sau 2015 sản xuất trong nước có thể đạt tới gần 1 triệu tấn DAP/năm, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Hiện tại từ nay đến hết năm 2014, chúng ta vẫn phải nhập khẩu DAP thêm từ 500.000 – 600.000 tấn/năm.


Phân lân: Hiện tại supe Lân sản xuất trong nước có công suất 1,2 triệu tấn/năm, bao gồm nhà máy Lâm Thao công suất 800.000 tấn/năm, Lào Cai 200.000 tấn/năm và Long Thành 200.000 tấn/năm.
Sản xuất lân nung chảy hiện tại vào khoảng 600.000 tấn/năm bao gồm nhà máy Văn Điển và nhà máy Ninh Bình. Dự kiến tương lai sẽ có thêm khoảng 500.000 tấn/năm của 3 nhà máy mới ( Lào Cai, Thanh Hóa,…).
Như vậy sản xuất phân lân trong nước cũng đáp ứng được về cơ bản cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước.


Phân NPK: Hiện cả nước có tới cả trăm đơn vị sản xuất phân bón tổng hợp NPK các loại. Về thiết bị và công nghệ sản xuất cũng có nhiều dạng khác nhau, từ công nghệ cuốc xẻng đảo trộn theo phương thức thủ công bình thường đến các nhà máy có thiết bị và công nghệ tiên tiến. Về quy mô sản xuất tại các đơn vị cũng khác nhau từ vài trăm tấn/năm tới vài trăm ngàn tấn/năm và tổng công suất vào khoảng trtên 3,7 triệu tấn/năm. Nói chung là sản xuất NPK ở Việt Nam vô cùng phong phú cả về thiết bị, công nghệ đến công suất nhà máy. Chính điều này đã dẫn tới sản phẩm NPK ở Việt Nam rất nhiều loại khác nhau cả về chất lượng, số lượng đến hình thức bao gói.


Phân kali: Hiện trong nước chưa sản xuất được do nước ta không có mỏ quặng kali, vì vậy 100% nhu cầu của nước ta phải nhập khẩu từ nước ngoài.


Phân SA: Hiện tại nước ta chưa có nhà máy nào sản xuất SA và nhu cầu của nước ta vẫn phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài.


Tình hình nhập khẩu phân bón vô cơ
Theo số liệu thống kê thì nhập khẩu 8 thàng đầu năm 2013 ở nước ta vào khoảng gần 3 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó DAP gần 550.000 tấn, kali trên 560.000 tấn, SA khoảng 750.000 tấn, urê 420.000 tấn, NPK 350.000 tấn.


Về DAP so với nhu cầu về cơ bản chúng ta đã nhập khẩu đủ cho lượng dùng của cả năm ( SX trong nước 330.000 tấn, nhu cầu cả nước vào khoảng 900.000 tấn/năm). Hiện tại giá DAP Quốc tế đang có xu hướng giảm, nếu các doanh nghiệp không có giải pháp tốt, một lượng DAP giá thấp hơn sẽ tiếp tục chảy về Việt Nam gây thua lỗ cho các doanh nghiệp đã nhập khẩu chờ cung ứng,


Về kali nhập khẩu còn thiếu so với nhu cầu vào khoảng 400.000 tấn cho năm 2013. Tuy nhiên, hiện tại thị trường kali trên thế giới đang có nhiều biến động và rất có khả năng gây biến động cho thị trường trong nước cả về mặt giá cả lẫn lượng hàng nhập khẩu vào các tháng cuối của năm 2013, đầu năm 2014.


Riêng về SA, lượng nhập khẩu từ đầu năm tới nay là khá lớn (750.000/ nhu cầu 850.000 tấn). Do mất cân đối về cung cầu SA trên thế giới nên từ quý II năm nay đến giờ, giá SA Quốc tế liên tục giảm. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tranh thủ nhập “cứ lô sau giá thấp hơn gỡ cho lô trước giá cao…” đã dẫn tới lượng nhập về cho năm nay là quá nhiều, tính đến thời điểm hiện nay. Kết quả của việc nhập khẩu SA từ đầu năn đến nay của các doanh nghiệp là thua lỗ và hiện tại giá SA Quốc tế vẫn chưa khẳng định được là đã dừng lại. Đây cũng là một bài học cho việc cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam về giá cả trong bối cảnh thị trường Quốc tế có chiều hướng đi xuống.


Về urê mặc dù lượng sản xuất trong nước không thiếu nhưng do để giá chênh lệch quá lớn giữa urê sản xuất trong nước và urê nhập khẩu dẫn tới một lượng khá lớn (420.000 tấn) urê ngoại được nhập vào Việt nam. Giá thành urê sản xuất trong nước không biết cao hơn giá urê nước ngoài sản xuất không, chất lượng không biết cao hơn cỡ nào nhưng giá bán urê trong nước thời gian qua cao hơn giá urê ngoại chừng 1,2 – 2 triệu đồng/tấn (60 -100 USD/mt). Đây cũng là một nghịch lý cần phải xem xét đê thị trường phân bón được lành mạnh và người nông dân thực sự có chi phí hợp lý cho giá thành sản phẩm của họ trong sản xuất nông nghiệp.


Về NPK, lượng nhập khẩu năm nay đến thời điểm này (350.000 tấn) là khá cao. Hầu hết các loại NPK nhập vào Việt Nam có công thức 16-16-8-13S, 15-15-15, 20-20-0… Do nước ngoài triển khai kênh bán độc quyền và tâm lý sính ngoại của một bộ phận nông dân nên mặc dù chất lượng, hàm lượng hữu hiệu của các loại phân bón này không hơn chất lượng các sản phẩm NPK trong nước nhưng vẫn bán được với giá cao hơn hẳn hàng cùng loại sản xuất trong nước. Hiện tại nguồn NPK sản xuất trong nước khá dồi dào, nhập khẩu NPK ngoại lại tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ… điều này chỉ ra rằng công tác tuyên truyền sản phẩm NPK trong nước, công tác khuyến nông … của chúng ta chưa tốt dẫn tới chi phí SXNN của một bộ phận bà con nông dân bị cao trong khi giá nông sản năm 2013 là chưa cao (Nguồn: Báo cáo tham luận của Công ty CP Vật tư Nông sản (Apromaco) tại hội thảo phân bón Quốc gia do Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp với các Bộ ngành tổ chức; http://apromaco.vn/thuc-trang-thi-truong-phan-bon-o-viet-nam-hien-nay-va-cong-tac-quan-ly-tot-chat-luong-trong-san-xuat-supe-lan-va-npk-lao-cai/).

Trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn là nước nhập siêu phân bón. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng phân bón đạt 793 nghìn tấn, trị giá 280 triệu USD, giảm 25,2% về lượng và trị giá so với năm 2014.
Năm 2015, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng phân bón đạt 4,505 triệu tấn, trị giá 1,42 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và 14,5% về trị giá so với năm 2014, trong đó nhập khẩu phân Ure 601 nghìn tấn, tăng 80,1% về lượng và 74% về trị giá so với năm 2014.
Trung Quốc là thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam. Năm 2015, nhập khẩu từ Trung Quốc gần 2,3 triệu tấn, trị giá 660,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 51% tổng lượng phân bón nhập khẩu; đứng thứ 2 là Nga 409,35 nghìn tấn; tiếp theo là các thị trường như Belarut 270,7 nghìn tấn, Nhật Bản 224 nghìn tấn. Trong năm 2015, nhập khẩu phân bón từ Indonesia là 218 nghìn tấn, tăng gần 6 lần so với năm 2014; Hàn Quốc là 170 nghìn tấn; Lào là 165,2 nghìn tấn, tăng 2 lần so với năm 2014; Canada là 160 nghìn, v.v...
(Nguồn: http://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/viet-nam-la-nuoc-nhap-sieu-phan-bon-107624-22.html)

Năm 2017 Trung Quốc và Nga là 2 thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu công gộp đạt 530,4 triệu USD, chiếm tới hơn 50% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị trường Việt Nam nhập khẩu phân bón với kim ngạch 392,1 triệu USD, chiếm 37,4 tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước với lượng đạt 1,5 triệu tấn. Nga đứng thứ 2 với kim ngạch đạt 138,3 triệu USD tương đương 454.714 tấn.


10 thị trường xuất khẩu phân bón sang Việt Nam lớn nhất trong 10 tháng 2017


Việt Nam nhập khẩu 394.692 tấn phân bón các loại, trị giá 100,8 triệu USD tăng 75,1 về lượng và tăng tới 92,5% về giá trị. Tính chung trong 10 tháng, cả nước nhập khẩu 3,9 triệu tấn phân bón đưa kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này lên hơn 1 tỷ USD, tăng 17,5% về lượng và tăng 15% về giá trị.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cao hơn so với mức dự tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra trước đó. Bộ ước tính lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 10 năm 2017 đạt 301 nghìn tấn với giá trị 67 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu phân bón 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,83 triệu tấn và 1,02 tỷ USD, tăng 14,7% về khối lượng và tăng 11,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 407 nghìn tấn với giá trị đạt 102 triệu USD, giảm 16,2% khối lượng và giảm 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016; phân SA ước đạt 904 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 107 triệu USD, tăng 9,7% về khối lượng và tăng 9,7% về giá trị so với năm 2016.

Năm 2017, thị trường phân bón được dự báo sẽ tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ khi tình hình thời tiết và thổ nhưỡng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Theo báo cáo của Agrimonitor, tiêu thụ phân bón nội địa của urê và NPK dự báo lần lượt tăng 2,15% và 5,33%.
Trên thị trường giá cả các loại phân bón urê, DAP đã có dấu hiệu tăng trở lại sau một thời kỳ giảm dài. Theo thống kê từ FAO, bình quân giá phân bón urê thế giới đã tăng đến 10% so với mức đầu năm.
Trong nước, giá chào bán urê tăng bình quân khoảng 15% từ đầu năm đến cuối tháng 6 và bước vào giai đoạn chững lại. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách bảo vệ môi trường tại Trung Quốc khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm công suất hoạt động dẫn đến nguồn cung phân bón urê trong vụ đông xuân bị khan hiếm.


(Nguồn: http://cafef.vn/viet-nam-chi-hon-530-trieu-usd-nhap-khau-phan-bon-tu-trung-quoc-va-nga-20171125090056723.chn)

Tính đến ngày 6/3/2017, giá FOB phân Ure giao sau tại Mỹ tăng 22,6% so với mức thấp nhất vào tháng 7/2016. Tại thị trường trong nước giá phân Ure cũng hồi phục khi tăng khoảng 10%.
Bên cạnh đó, giá than, giá điện tăng cũng giúp đẩy giá thành sản xuất đi lên và củng cố cho đà tăng của giá Ure. Ngoài ra, với việc ElNino chấm dứt, lượng mưa tăng lên, hạn hán suy giảm và tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực canh tác chính miền Nam cải thiện đã giúp ngành nông nghiệp phát triển, nhu cầu phân bón hồi phục từ mức đáy năm 2016. Giá các mặt hàng nông sản thuộc đối tượng tiêu thụ phân bón số lượng lớn như cao su, hồ tiêu cũng có sự phục hồi mạnh mẽ khi giá cà phê dao động từ 40.000 - 45.00 đồng/kg, giá mủ cao su thiên nhiên phục hồi từ vùng 30 triệu lên xấp xỉ 50 triệu đồng/tấn nên rất nhiều nhà vườn, công ty mở miệng khai thác mủ trở lại kéo theo nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng theo.
Nhờ những thuận lợi về thời tiết, giá cả thị trường trong năm 2017, ngành phân bón trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động xuất nhập khẩu được các doanh nghiệp đẩy mạnh và đạt mức tăng trưởng cao.
Hàng tỷ USD nhập khẩu phân bón. Theo thống kê của Vibiz.vn, để đáp ứng nhu cầu trong nước, năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 4,6 triệu tấn phân bón các loại, kim ngạch 1,2 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và 9,31% về kim ngạch so với năm 2016. Giá nhập bình quân giảm 1,31%, xuống còn 264,85 USD/tấn.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu phân bón chủ lực của Việt Nam, chiếm trên 40% tổng lượng nhóm hàng với 1,8 triệu tấn, kim ngạch 457,1 triệu USD, nhưng so với năm 2016 mức độ nhập từ thị trường này suy giảm cả lượng và kim ngạch, giảm lần lượt 4,47% và 2,38%.
Đối với thị trường Nga, Nhật Bản lượng phân bón nhập từ hai thị trường này đều có mức tăng trên 2 con số, tăng tương ứng 49,29% và 57,85% đạt 536,7 nghìn tấn và 272,2 nghìn tấn.
Ngoài ba thị trường chủ lực kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như: Lào, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Mỹ…


Bảng kim ngạch nhập khẩu phân bón năm 2017

Lượng

4.6 triệu tấn

Kim ngạch

1.2 tỷ USD

Giá nhập bình quân

264,85 USD/ tấn

 

Nguồn: Vibitz tổng hợp từ Tổng Cục Hải Quan)
(Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-phan-bon-nam-2017-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc.html)

Tình hình xuất khẩu phân bón vô cơ

Hiện nay nước ta đã và đang xuất khẩu được phân vô cơ.

 

 

Về đầu trang

home

 

 

 

Một số tồn tại trong thị trường phân bón ở Việt Nam hiện nay


1. Sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng
Do lợi nhuận thu hút, đã xuất hiện một số cơ sở sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng đưa ra thị trường. Phân bón giả là loại sản phẩm không phải là phân bón hoặc không có tên trong danh mục phân bón được lưu thông trên thị trường theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và PTNT nhưng trên bao gói lại ghi là phân bón loại này, loại khác. Chẳng hạn như ung gạch non nghiền ra màu đỏ pha trộn với đất sét, đá… giả làm phân kali, đóng bao ghi là kali để bán cho nông dân, hay là cát được nhuộm đỏ giả làm kali đóng bao ghi là kali 60% K2O bán ra thị trường, hay là sản phẩm có hàm lượng hữu hiệu rất thấp lại đóng trong bao ghi là DAP 18-46-0 bán ra thị trường thu về theo giá cao của mặt hàng DAP… Các sản phẩm này vừa có nguồn gốc ở một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nước, vừa xuất hiện ở mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đưa về.
Thị trường thời gian qua cũng xuất hiện một số loại phân bón tổng hợp, đặc biệt là NPK với hàm lượng thấp nhưng lại đóng bao ghi các hàm lượng hữu hiệu cao hơn để bán cho nông dân thu tiền với giá cao thì đây chính là loại phân kém chất lượng và về khía cạnh nào đó cũng là loại phân bón giả. Việc làm này là hành vi lừa đảo trục lợi dẫn tới người nông dân bỏ tiền thật mua hàng giả và tất nhiên là chi phí sản xuất nông nghiệp sẽ bị cao…
Các hiện tượng này xuất hiện rất nhiều mỗi khi giá phân bón tăng cao, thị trường có những cơn sốt nóng.


2. Vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa
Việc ghi các nội dung trên bao bì gần đây cũng có nhiều điều đáng phải quan tâm, đó là việc ghi các dòng chữ Anh trên bao bì có các nội dung là Công nghệ Nhật, Công nghệ Mỹ, chất lượng Mỹ… cụ thể là các dòng chữ “Tecnology of Japan” “ Quality of American”… dễ làm cho nông dân hiểu lầm là sản phẩm của Nhật, của Mỹ… và giá cả của từng sản phẩm có sự khác nhau mà nông dân khó phân biệt.
Đặc biệt một số cơ sở còn sử dụng cả công thức hàm lượng hữu hiệu làm tên sản phẩm, như NPK 5.10.3 của một đơn vị ở Bắc Giang dễ làm cho người tiêu dùng lầm tưởng đây là sản phẩm NPK có hàm lượng hữu hiệu là 5-10-3, thực chất NPK 5.10.3 có hàm lượng hữu hiệu thấp hơn.
Việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu độc quyền trong kinh doanh phân bón cũng đã xuất hiện điều bất cập. Cụ thể Công ty CP Vinacam đăng ký nhãn hiệu “SA” làm nhãn hiệu hàng hóa độc quyền của Vinacam cũng đã gây nhiều tranh cãi, bởi SA là tên của một loại phân bón chung là sunphat amôn. Tên SA được cả thế giới cùng gọi tên sản phẩm cho loại phân bón này và nó đã rất thông dụng cho cả các nhà cung ứng và người sử dụng là bà con nông dân. Nay tên sản phẩm này chỉ duy nhất một công ty được dùng làm nhãn hiệu phân bón có lẽ vấn đề này chưa hợp lý và không phù hợp với thông lệ ở Việt Nam cũng như trên Quốc tế.
Một số sản phẩm còn thiếu các thông số cần thiết của sản phẩm trên bao bì, thiếu hướng dẫn sử dụng và cảnh báo an toàn…


3. Buôn lậu và trốn thuế
Hiện tượng buôn lậu qua biên giới được cho là vẫn tồn tại bởi biên giới Việt Trung dài, các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, hà Giang… đều có hàng chục KM đường bộ, đường thủy… do công tác quản lý chưa được chặt chẽ nên vẫn phát sinh buôn lậu phân bón từ Trung Quốc về Việt Nam. Tình trạng buôn lậu không những trốn thuế làm cho nhà nước thất thu ngân sách mà còn làm cho các nhà kinh doanh chân chính mệt mỏi vì giá cả. Trong buôn lậu không ngoại trừ khả năng mang các hàng hóa không đảm bảo chất lượng vào Vịêt Nam để tiêu thụ gây thiệt hại cho bà con nông dân…

4. Một số vi phạm khác
Ngoài các vi phạm trên, thị trường phân bón Việt Nam còn có các vi phạm khác như vi phạm về Đăng ký kinh doanh, vi phạm về Hợp đồng, hóa đơn và vi phạm về giá…


(Nguồn: Báo cáo tham luận của Công ty CP Vật tư Nông sản (Apromaco) tại hội thảo phân bón Quốc gia do Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp với các Bộ ngành tổ chức; http://apromaco.vn/thuc-trang-thi-truong-phan-bon-o-viet-nam-hien-nay-va-cong-tac-quan-ly-tot-chat-luong-trong-san-xuat-supe-lan-va-npk-lao-cai/)

 

Về đầu trang

home

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội hợp tác khoa học Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam - Hàn Quốc (VietKoRAA)
Địa chỉ: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
Phố Lê Văn Hiến, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam